Đến khi nào DNNVV mới xa rời “bà đỡ“?
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu vào “sân chơi” thương mại toàn cầu thì câu chuyện các DNNVV phải dần rời “bà đỡ” sẽ sớm bắt đầu.
- 11-07-2017Đầu ngành phải chịu trách nhiệm nếu không hoàn thành cổ phần hóa DNNN
- 11-07-201719 DNNN được phê duyệt phương án cổ phần hóa nửa đầu năm 2017
- 07-07-2017Quân đội làm kinh tế là gánh việc ngay cả DNNN không làm
-
Nhiều khả năng tổng mức giảm giá của VND so với USD trong cả năm nay chỉ khoảng 2%
-
Việc yêu cầu báo cáo với những giao dịch có giá trị lớn sẽ giúp cơ quan Nhà nước dễ kiểm soát những giao dịch có dấu hiệu đột biến, bất thường và cũng nhằm khiến những hành vi phạm pháp sớm bị ngăn chặn từ trước khi diễn ra
Theo phân loại theo quy mô lao động và tài sản kinh doanh thì 97% số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô nhỏ và vừa. Ðây là hiện trạng phổ biến, tuy nhiên, khoảng cách về quy mô của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tư nhân so với các doanh nghiệp khác lại khá lớn. Vốn bình quân chỉ bằng 1,5% mức vốn bình quân của một doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và 8% của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần lực đẩy để phát triển (Ảnh minh họa: Báo Long An)
Hiện các DNNVV Việt Nam nhận được sự hỗ trợ từ nhiều phía từ trung ương đến địa phương nhưng vẫn khó “lớn”, chưa thể cạnh tranh với khối doanh nghiệp nhà nước và khu vực FDI.
Doanh nghiệp đang “khó thở”
Tại Hội nghị Phát triển doanh nghiệp tổ chức mới đây tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, hiện doanh nghiệp (DN) Việt đang "khó thở" vì 3 "bánh răng" xoay tại chỗ. Để DN Việt dễ thở hơn, TS. Thành cho rằng, cần có nhiều nước, không khí hơn thì phải cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo TS. Võ Trí Thành, có 3 vấn đề cần phải giải đáp: Tại sao DN Việt không lớn được? Tại sao DN không tham gia được vào chuỗi giá trị mạng sản xuất? Tại sao DN có thể làm ăn nhưng đổi mới sáng tạo hạn chế? Trên thực tế, số lượng DN tăng lên nhiều trong 2 năm qua nhưng vẫn chưa làm chiếc "bánh" GDP to hơn được. “Nguyên nhân là do Chính phủ cố gắng nhưng 3 cái bánh răng (Nghị định 19, 35, Luật DN) vẫn xoay tại chỗ”, TS. Thành lưu ý.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành (Ảnh: KT)
Tài sản cố định bình quân của mỗi DNNVV chỉ khoảng 4 – 7 tỷ đồng, bằng 1% của DNNN và 5% của DN FDI. Mặc dù chiếm đến hơn 97% về số lượng, nhưng DNNVV chiếm chưa đến 40% tổng tài sản; trong khi các doanh nghiệp quy mô lớn chiếm chưa đến 3% nhưng nắm giữ đến 60% tổng tài sản của toàn bộ khối doanh nghiệp.
Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), năm vừa qua, số lượng DN tư nhân tăng mạnh với 62.000 DN đăng ký mới. Song nhìn nhận thẳng thắn, số DN đăng ký ở khu vực chế biến không nhiều, trong khi đây là ngành lõi cho sự phát triển. Từ đấy, Chính phủ cần phải đặt ra tháo gỡ khó khăn cho DN để tạo cho đà tăng trưởng cho nền kinh tế.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng cho rằng điều tra 10.000 DN tư nhân của VCCI, cho thấy, 9% DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, trong khi 24% DN xây dựng, 60% dịch vụ. Dường như DN tư nhân Việt không chỉ tập trung vào dịch vụ, xây dựng mà công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến rất nhỏ.
DNNVV vẫn “đói” vốn
Ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá: DNNVV rất khó đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu vay. Ông hy vọng Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc khó khăn để DNNVV trợ tiếp cận vốn, hỗ trợ về bảo lãnh tín dụng.
Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng cho hay, hiện nay, ở nhiều quốc gia, DNNVV có tác động ngày càng lớn và trực tiếp hơn đến tăng trưởng kinh tế, thông qua thúc đẩy tinh thần kinh doanh, tính sáng tạo và năng động kinh tế, tạo ra chuỗi giá trị gắn kết với các doanh nghiệp lớn. DNNVV còn đóng góp vào tăng trưởng theo các kênh gián tiếp, thông qua phát triển thị trường tài chính (nhất là tài chính vi mô), phát triển xã hội cân bằng và ổn định...
Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng
Các khảo sát và nghiên cứu đều khẳng định vai trò quan trọng này, xuất phát từ những lợi thế rất rõ ràng của DNNVV, như: DNNVV có khả năng quản lý năng động, phản ứng kinh doanh nhanh chóng để tận dụng các cơ hội mới và sẵn sàng chấp nhận rủi ro; DNNVV dễ dàng bắt kịp những nhu cầu mới và công nghệ mới trong thị trường biến đổi nhanh chóng... Từ đó đem lại khả năng nhận biết để thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của môi trường bên ngoài. Cũng do vậy mà DNNVV thường thể hiện tính hiệu quả cao hơn và chịu đựng bền bỉ hơn trong các cuộc khủng hoảng, ông Hùng cho biết.
DNNVV ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và cố gắng thực thi nhiều chính sách, chương trình trợ giúp DNNVV. Nội dung hỗ trợ đã thể hiện tính toàn diện và đa dạng, từ hoàn thiện về môi trường kinh doanh thông qua cải cách các lĩnh vực đầu tư, thương mại, hải quan, thuế... đến các chính sách hỗ trợ cụ thể về tài chính, tín dụng, công nghệ, xúc tiến thương mại, phát triển nguồn nhân lực… Tuy nhiên, theo ông Hồ Sỹ Hùng, kết quả hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tác động của chính sách, của hành động trợ giúp vẫn chưa thật sự rõ, chưa tạo ra những chuyển biến và thay đổi cho nền kinh tế.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật hỗ trợ DNNVV, và luật này vừa được Văn phòng Chủ tịch nước công bố chính thức ngày 12/7. Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, đây là luật đầu tiên ở Việt Nam chuyên về vấn đề hỗ trợ DNNVV, tạo khung pháp lý có hiệu lực cao nhất hiện nay, làm căn cứ cho triển khai hoạt động hỗ trợ DNNVV trên toàn quốc.
Luật đã thể hiện một cách có hệ thống, theo nhu cầu của DN về tám nội dung hỗ trợ chung, xác định ba trọng tâm hỗ trợ có mục tiêu, đồng thời giao nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan trung ương cũng như địa phương; tạo sự đồng bộ, thống nhất, có định hướng trọng tâm trong hỗ trợ DNNVV. Luật đã thể hiện sự thay đổi căn bản quan điểm từ Chính phủ quản lý, sang Chính phủ hỗ trợ, kiến tạo; khẳng định sự tham gia của các hiệp hội DN với trách nhiệm cụ thể; thể hiện luật, chính sách do Nhà nước ban hành, nhưng có sự tham dự tích cực của đối tượng chịu sự điều chỉnh.
Bên cạnh đó, Luật được xây dựng không chỉ nhằm đến đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước, mà còn nhằm mục đích tạo khung pháp lý để khuyến khích các tổ chức ngoài Nhà nước tham gia tài trợ, hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển DNNVV, hình thành quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Luật cũng thể hiện quan điểm thị trường trong hỗ trợ DNNVV (chỉ hỗ trợ DN đáp ứng và có tiềm năng phát triển tốt nhất trong điều kiện nguồn lực hạn chế); thay đổi cung cách thực hiện (sử dụng ngân sách nhà nước nhưng không giao tổ chức sự nghiệp nhà nước cung cấp dịch vụ, mà sẽ đấu thầu lựa chọn các tổ chức dịch vụ trên thị trường để cung cấp dịch vụ hỗ trợ DN).
Ngày 12/7, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Văn phòng Chủ tịch nước công bố chính thức theo Lệnh công bố của Chủ tịch nước.
Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có kết cấu gồm 4 chương, 35 điều quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối tượng áp dụng của luật bao gồm các doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 4 của Luật.
Về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, luật sử dụng 3 tiêu chí số lao động, doanh thu, nguồn vốn để xác định. Trong đó, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội (không quá 200 người) là tiêu chí bắt buộc, được kết hợp với một trong 2 tiêu chí là tổng nguồn vốn (không quá 100 tỷ đồng) hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề (không quá 300 tỷ đồng)./.
VOV