MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến lúc ngân hàng có trách nhiệm xã hội

25-08-2021 - 08:58 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong 10 đồng ngân hàng kinh doanh sinh lời, có 1 vốn tự có và 9 đồng huy động từ xã hội, nên khi xã hội lâm vào khó khăn, chính các ngân hàng cần phải có trách nhiệm hỗ trợ để vượt qua khẩn cấp...

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
308 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng, khi trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp xoay quanh chủ đề: Hạ lãi vay, nên hay không?

Đến lúc ngân hàng có trách nhiệm xã hội - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính Ngân hàng

- Theo nhận định của ông, hiện nay, các ngân hàng có khả năng giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng vượt qua đại dịch hay không?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hiện nay, có lẽ ngân hàng đang là ngành tỏa sáng nhất khi nền kinh tế trở nên u ám, chao đảo vì dịch bệnh COVID-19 và cũng vì thế mà mọi người đều kêu gọi ngân hàng giảm lãi suất. Nhưng ngân hàng có giảm được lãi suất hay không, cũng có một số điều cần lưu ý đó là, các ngân hàng đang có hai loại nợ bao gồm nợ trên sổ sách và nợ tương lai.

Trường hợp thứ nhất, đối với nợ trên sổ sách, là nợ mà các ngân hàng đã thu xếp nguồn vốn trước đó, và bảo đảm có biên độ rõ ràng. Nếu yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho những món nợ trên sổ sách, thì là một sự hy sinh rất lớn mà không phải ngân hàng nào cũng có thể làm được. Vì khi giảm lãi suất đầu ra mà lãi suất đầu vào không thể giảm được khi đó là cam kết với khách hàng, thì trong trường hợp này, sẽ khó cho các ngân hàng.

Riêng trường hợp với các món nợ mới, ngân hàng hoàn toàn có thể giảm lãi suất được, vì các nhà băng có khả năng thu xếp được nguồn vốn giá rẻ để cho vay rẻ và bảo đảm được biên độ lợi nhuận.

Tuy nhiên, món nợ hiện hữu mới là món nợ mà các khách hàng đang mong muốn được hỗ trợ giảm, do đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đều suy yếu, thậm chí mất khả năng trả nợ nên cần được hỗ trợ.

Xét một cách tổng thể, việc giảm lãi suất là có thể thực hiện được, nhưng phải tùy thuộc vào sức khỏe của từng ngân hàng. Trong đó, có những ngân hàng có nguồn tiền huy động lõi tốt, vốn CASA (tiền gửi không kỳ hạn; được xem là vốn rẻ) ở một số ngân hàng lên đến 40 - 50%. Khi sử dụng nguồn vốn này với lãi suất thông thường thôi, thì NIM (biên lãi ròng) của ngân hàng có thể lên đến 6%/năm chứ không phải 3% như tính toán. Cho nên, ngân hàng càng có lượng CASA lớn thì dễ dàng giảm lãi suất hơn những ngân hàng nhỏ, những tổ chức sống chủ yếu bằng tiền huy động với lãi suất cao và phải cho vay ra với lãi suất cao, cần chi li từng món. Trừ trường hợp, họ sẵn sàng hy sinh lợi nhuận của mình để đóng góp cho xã hội vượt qua khó khăn. Đặc biệt trong lúc này, khi vấn đề nợ xấu đang tăng rất cao, chỉ có các ngân hàng mới biết được “cơ thể” của mình đang bị ảnh hưởng như thế nào để có chính sách phù hợp, an toàn. Thực tế, các ngân hàng đều có sổ sách riêng để tính toán dự phòng nhằm chống chọi khi nợ xấu tăng cao dẫn đến khả năng mất vốn.

Đến lúc ngân hàng có trách nhiệm xã hội - Ảnh 2.

Khi xã hội lâm vào hoàn cảnh khó khăn, chính các ngân hàng cần phải có trách nhiệm hỗ trợ đóng góp cho xã hội, để vượt qua tình trạng khẩn cấp (ảnh: Internet)

- Với lãi “ảo” mà các ngân hàng hiện đang ghi nhận, liệu các ông chủ nhà băng có đang phải chia cổ tức bằng chính vốn liếng của mình không, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Có thể thấy, mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều ngân hàng không trình phương án chia cổ tức tiền mặt để tăng vốn và tập trung phát triển các mảng kinh doanh trọng yếu. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp các ngân hàng tăng vốn để tăng năng lực cạnh tranh, từ đó phát triển bền vững hơn.

Như vậy, khi các ngân hàng có lợi nhuận mặc dù là trên sổ sách, việc không chia bằng tiền mặt, mà bằng cổ phiếu sẽ làm tăng giá trị của các cổ đông lên và khi thị trường phục hồi, giá trị ngân hàng tăng cao, chính những cổ đông đó được hưởng lợi. Vì vậy, các cổ đông không mất gì cả, chỉ là không được nhận tiền mặt mà tiếp tục dùng vốn vào hoạt động cho ngân hàng. Nên nói “dùng mỡ nó rán nó” trong trường hợp này sẽ chưa thoả đáng. Thật sự họ chính là những người thụ hưởng giá trị, lợi nhuận nằm trong các hoạt động của ngân hàng.

Tại thời điểm này, việc chia cổ tức như vậy là cần thiết, bởi nếu các nhà băng chia nhau lợi nhuận ảo, nhưng đến khi tính toán thực tế, ngân hàng bị lỗ, đó mới chính là ăn vào vốn liếng của mình để tự trả mình.

Với khó khăn chung như hiện nay, các cổ đông có thể chịu đựng được thì nên giữ vốn đó trong ngân hàng là cách tốt nhất, vì tiềm năng sinh lợi của ngân hàng trong tương lai vẫn rất khả thi.

- Thưa ông, ông đánh giá sao về việc ngân hàng nên giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng vượt qua đại dịch?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thực sự chẳng ngân hàng nào muốn hy sinh, đều muốn giữ lợi nhuận của mình, mà nói theo cách tư bản chủ nghĩa, đó là luôn luôn muốn tối ưu hóa lợi nhuận. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, điều đó không phù hợp.

Chúng ta đều hiểu rằng, trong 10 đồng có thì ngân hàng chỉ có 1 đồng vốn, còn 9 đồng là tiền huy động từ xã hội và dùng tiền đó để hoạt động kinh doanh sinh lời. Cho nên, khi xã hội lâm vào hoàn cảnh khó khăn, chính các ngân hàng cần phải có trách nhiệm hỗ trợ đóng góp cho xã hội, để vượt qua tình trạng khẩn cấp.

Đồng thời, đây cũng là lúc các ngân hàng thể hiện đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội cũng như tinh thần, tương trợ lẫn nhau trong nền kinh tế chia sẻ. Với những ngân hàng có thể giảm lãi suất nên khẩn trương triển khai chính sách giảm, thậm chí phải hy sinh một phần nào đó trong bức tranh lợi nhuận của mình, mà vẫn bảo toàn nguồn vốn, duy trì hoạt động ổn định.

Nếu doanh nghiệp cầm cự được trong thời gian này, bằng cách được giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn hoãn nợ để tiếp tục sống sót, thì ngân hàng mới sống sót cùng khách hàng trong tương lai. Vốn dĩ đây là mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và khách hàng, chính vì vậy, việc ngân hàng hỗ trợ khách hàng cũng chính là tự giúp mình trong khủng hoảng.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Diễm Ngọc

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên