MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến năm 2030, mạng lưới đường sắt Việt Nam cần hơn 240.000 tỷ đồng

Giai đoạn 2021-2025, Nhà nước bố trí 15.924 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công để thực hiện các dự án đường sắt chuyển tiếp hoàn thành trong trung hạn; giai đoạn 2026-2030, dự kiến nhu cầu khoảng 224.076 tỷ đồng, huy động từ nguồn đầu tư công và vốn hợp pháp khác.

Ngày 17/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định 396 của Thủ tướng duyệt kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đến năm 2050 dự kiến là 25.836 ha, trong đó giai đoạn 2021-2030 là 16.377 ha quỹ đất tăng thêm so với hiện nay là 5.644 ha.

Giao Bộ GTVT trong quá trình lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và chuẩn bị đầu tư các dự án sẽ tiếp tục rà soát chuẩn xác chi tiết nhu cầu sử dụng đất, phân kỳ đầu tư phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 39.

Đến năm 2030, mạng lưới đường sắt Việt Nam cần hơn 240.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Giai đoạn 2021-2025, Nhà nước bố trí 15.924 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công cho lĩnh vực đường sắt. Ảnh: Trọng Hiếu.

Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia nhằm đảm bảo vận tải đường sắt đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải cả nước. Huy động mọi nguồn lực thực hiện đầu tư các dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư.

Trong đó, giai đoạn 2021-2025 bố trí 15.924 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công cho lĩnh vực đường sắt để thực hiện các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong kỳ trung hạn; khởi công mới một số dự án và chuẩn bị đầu tư các dự án của kỳ trung hạn tiếp theo. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư các dự án đường sắt theo quy hoạch.

Giai đoạn 2026-2030, dự kiến nhu cầu khoảng 224.076 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn đầu tư công (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương) và vốn hợp pháp khác để đầu tư theo danh mục kế hoạch chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư của kỳ kế hoạch 2021-2030.

Bên cạnh đó, kế hoạch sẽ ưu tiên thực hiện đối với các tuyến đường sắt chưa chuẩn bị đầu tư, lộ trình đầu tư trước năm 2030; các tuyến đường sắt đang khai thác, việc quản lý được thực hiện theo hành lang an toàn đường sắt; các tuyến đường sắt mới đã, đang thực hiện chuẩn bị đầu tư hoặc thực hiện đầu tư sẽ được cập nhật và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Tổ chức triển khai lập quy hoạch đối với các tuyến, ga đường sắt được quy hoạch trong giai đoạn đến năm 2030, gồm: 3 quy hoạch tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội, khu vực đầu mối TP.HCM và khu vực đầu mối TP. Hải Phòng; quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (bao gồm cả đoạn nối đến Hạ Long); quy hoạch các ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối đường sắt quốc gia, ga liên vận quốc tế (trừ các ga đã có trong quy hoạch các khu đầu mối Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng); các tuyến đường sắt đang chuần bị đầu tư, thực hiện đầu tư được cập nhật thành quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành (tuyến TP.HCM - Cần Thơ...).

Thủ tướng giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm rà soát chi tiết các tuyến ga đường sắt để đưa vào các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành nêu trên cho phù hợp, bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch. Sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác, thời gian thực hiện từ năm 2022-2025.

Năm 2025 duyệt chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Đối với đường sắt hiện có, Bộ GTVT tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn tuyến, ga đường sắt trên các tuyến đường sắt hiện có đã được xác định nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030.

Các tuyến đường sắt có tiến trình đầu tư trước năm 2030, chưa xác định được nguồn vốn đầu tư, giao Bộ GTVT lập danh mục để kêu gọi đầu tư.

Các dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2026-2030 hoặc giai đoạn sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng chấp thuận kế hoạch đầu tư sớm hơn.

Đối với đường sắt mới, Bộ GTVT tiếp tục chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án); tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ; các tuyến đường sắt kết nối với đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải; Thủ Thiêm - Long Thành kết nối sân bay Long Thành; Hà Nội - Hải Phòng kết nối với cảng biển quốc tế Lạch Huyện); xây dựng mới đoạn tuyến đường sắt nối ray ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc và một số nước; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Các tuyến đường sắt có tiến trình đầu tư trước năm 2030, chưa xác định được nguồn vốn đầu tư, giao Bộ GTVT lập danh mục để kêu gọi đầu tư.

Trong khi, đối với đường sắt trong khu đầu mối TP. Hà Nội, Bộ GTVT bàn giao hồ sơ dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi cho UBND TP. Hà Nội để tiếp tục nghiên cứu, đầu tư; chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội, các địa phương liên quan triển khai nghiên cứu phương án tổ chức vận tải trong khu đầu mối; xác định lộ trình đầu tư Khu tổ hợp Ngọc Hồi, tuyến đường sắt vành đai phía Đông để thống nhất thời điểm bàn giao các đoạn đường sắt quốc gia cho UBND TP. Hà Nội đầu tư.

 Còn đối với các tuyến đường sắt kết nối với đường sắt quốc gia, các địa phương triển khai đầu tư tùy theo nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực.

 

Theo Đình Nguyên

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên