Đến năm 2030 Tiền Giang có thêm 2 thành phố mới
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Tiền Giang có thêm 2 thành phố là Gò Công và Cai Lậy; huyện Châu Thành định hướng lên thị xã.
- 13-12-2023“Mục sở thị” căn hộ mẫu chuẩn Hàn tại trung tâm thành phố Hải Phòng
- 10-12-2023Thị xã Phú Thọ sẽ ‘lên’ thành phố
- 07-12-2023Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu nói về căn nhà 'án ngữ' đường vào trung tâm thành phố gần 20 năm
HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X vừa ban hành Nghị quyết về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, đến 2030, xây dựng Tiền Giang cơ bản thành một tỉnh công nghiệp, có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp hợp lý; tối ưu hoá các nguồn lực, hình thành các vùng động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược; mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn.
Tiền Giang giữ vai trò là cầu nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ; công nghiệp, du lịch, kinh tế biển, kinh tế đô thị trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 7,0% đến 8,0%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 142 – 155 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021- 2030 đạt khoảng 645.000 – 685.000 tỷ đồng... Về xã hội, tốc độ tăng dân số bình quân đạt 0,7%/năm; đến năm 2025, có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Để đạt các mục tiêu trên, Tiền Giang xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển như: hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Tiền Giang tập trung phát triển kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với không gian phát triển kinh tế quốc gia, vùng, liên vùng TP. HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long , với 3 vùng trọng điểm phát triển là vùng kinh tế ven biển, vùng công nghiệp tập trung ở huyện Tân Phước và vùng kinh tế dọc sông Tiền.
Tỉnh sẽ phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và đô thị xanh, thông minh, dịch vụ du lịch, thương mại, logistics, thị trường bất động sản theo hướng tích hợp thay vì chỉ chú trọng từng ngành biệt lập.
Tiền Giang cũng hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế chủ lực, đặc biệt là nguồn nhân lực đáp ứng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; đầu tư phát triển các trung tâm điều hành thông minh TP. Mỹ Tho và các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển đô thị thông minh tại TP. Mỹ Tho, một số thị xã, thị trấn và các khu đô thị mới, với mũi nhọn là khu Công viên phần mềm Mê Kông.
Về phương án phát triển hệ thống đô thị, Tiền Giang xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hoà, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng đô thị và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 25 đô thị, gồm 1 đô thị loại I là TP. Mỹ Tho, 2 đô thị loại III TP. Gò Công và TP. Cai Lậy ; 8 đô thị loại IV (Mỹ Phước, Cái Bè, An Hữu, Chợ Gạo, Tân Hiệp, Vĩnh Bình, Vàm Láng), 14 đô thị loại V trong đó có 2 đô thị xây dựng mới là Phú Thạnh và Tân Điền. Huyện Châu Thành định hướng lên thị xã…
Tiền phong