Đến năm 2030: Việt Nam hoàn thành mục tiêu CNH, HĐH
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 23).
Sau khi phân tích tình hình và nguyên nhân, Nghị quyết số 23 đã nêu lên quan điểm chỉ đạo là: Nhận thức đầy đủ, tôn trọng, vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, phù hợp với các điều kiện phát triển của đất nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kiên quyết chống mọi biểu hiện duy ý chí, quan liêu, bao cấp trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách công nghiệp quốc gia; bám sát, kế thừa có chọn lọc thành tựu phát triển công nghiệp và kinh nghiệm công nghiệp hoá của thế giới.
Chính sách công nghiệp quốc gia là một bộ phận hữu cơ của chiến lược, chính sách phát triển đất nước, gắn liền với chính sách phát triển các ngành kinh tế khác, đặc biệt là chính sách thương mại quốc gia, tài chính - tiền tệ, khoa học, công nghệ, đào tạo, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược tổng thể phát triển công nghiệp, giữa chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác để hình thành các vùng công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp, trong đó cụm liên kết ngành công nghiệp là trọng tâm.
Kết hợp hài hoà giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. Tận dụng tối đa lợi thế của nước đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lợi thế thương mại để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh. Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá; chú trọng phát triển công nghiệp xanh.
Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo giữ vị trí then chốt, là khâu đột phá trong chính sách công nghiệp quốc gia; tận dụng hiệu quả lợi thế của nước đi sau trong công nghiệp hoá, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có cách tiếp cận, đi tắt, đón đầu một cách hợp lý trong phát triển các ngành công nghiệp. Việc lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên phải khách quan, dựa trên các nguyên tắc, hệ thống tiêu chí rõ ràng, phù hợp với từng giai đoạn công nghiệp hoá của đất nước, phát huy tốt nhất lợi thế quốc gia.
Nhà nước giữ vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế cho phát triển công nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất trong công nghiệp.
Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; tăng cường tiềm lực, tận dụng và phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh.
Mục tiêu tổng quát được Nghị quyết xác định là: Đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.
Nghị quyết xác định rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là: Tỉ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 20%.
Tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm.
Chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Tỉ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%. Xây dựng được một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Nghị quyết đã nêu lên định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, gồm: chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp; chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp; chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp; chính sách khai thác tài nguyên, khoáng sản và chính sách bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp quốc gia.
Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết yêu cầu các ban đảng Trung ương, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể; bổ sung các chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết vào kế hoạch năm của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện.
Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, ưu tiên các dự án luật trực tiếp phục vụ triển khai thực hiện Nghị quyết; tăng cường giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia.
Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì rà soát, nghiên cứu bổ sung hoặc xây dựng mới Chiến lược phát triển công nghiệp; Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền sâu rộng về nội dung Nghị quyết và kết quả thực hiện.
Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư./.
Chinhphu.vn