MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến thời đô thị hóa 2.0

20-06-2017 - 12:43 PM | Tài chính quốc tế

Biến đổi khí hậu, làn sóng di cư và tiến bộ công nghệ đang tạo nên một giai đoạn phát triển mới của các đô thị.

Chúng ta đang ở trong những ngày tháng cuối cùng của thời đại công nghiệp hóa. Nếu như động cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là những động cơ hơi nước, ngày nay những công nghệ mới chính là nhân tố thúc đẩy cuộc cách mạng kỹ thuật số. Và cũng giống như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, ở thời điểm hiện tại khó có thể dự đoán chính xác tương lai sẽ ra sao.

Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta có thể dám chắc: tương lai sẽ được định hình bởi 2 yếu tố chủ chốt: số hóa và đô thị hóa. Và, những khả năng mà cuộc cách mạng số hóa mang lại sẽ giúp loài người vượt qua những vấn đề nảy sinh từ tiến trình đô thị hóa.

Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu nảy nở vào đầu thế kỷ 19, chỉ một phần rất nhỏ dân số thế giới sinh sống ở thành thị. Giống như hàng nghìn năm trước, thống trị thế giới lúc đó là các vùng nông thôn và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Khi quá trình công nghiệp hóa tăng tốc, quá trình đô thị hóa cũng được đẩy mạnh với làn sóng những người nông dân di cư ra thành phố để làm việc trong các nhà máy.

Thế giới đang bước vào 1 thời kỳ bước ngoặt tương tự như vậy, và quá trình đô thị hóa đang một lần nữa tăng tốc. Năm 1950, khoảng 1/3 dân số thế giới (tức 1/3 của 2,5 tỷ người) sống ở các thành phố. Ngày nay, thị dân chiếm một nửa trong số 7,5 tỷ người. Theo dự báo, đến năm 2050, khi dân số thế giới lên đến 9 tỷ USD, khoảng 2/3 sẽ sống ở thành phố.

Các thành phố giống như những thỏi nam châm thu hút những người trẻ và các doanh nhân, bởi ở đó họ có thể tìm được nhiều cơ hội, tiếp xúc với nhiều người giỏi và dễ dàng xây dựng mạng lưới các mối quan hệ xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà 80% GDP thế giới được tạo ra ở các thành phố. Đô thị hóa chính là cỗ máy tăng trưởng của nền kinh tế.

Chúng ta dễ dàng nhìn thấy những câu chuyện thành công của Singapore và Dubai hay những công trình tráng lệ của những đô thị lớn như New York và London. Nhưng thực tế là quá trình đô thị hóa không phải toàn màu hồng mà còn ẩn chứa rất nhiều thách thức.

Ngày nay, Tokyo hiện là thành phố đông dân nhất thế giới với 38 triệu dân. Trong bảng xếp hạng 10 thành phố lớn nhất thế giới, chỉ có 1 cái tên đến từ châu Phi (là Cairo). Tuy nhiên, theo Global Cities Institute trực thuộc ĐH Toronto dự đoán, đến năm 2050, khoảng 600 triệu người sẽ sống ở 25 thành phố lớn nhất thế giới. Khác xa so với ngày nay, sẽ không có thành phố nào của Liên minh châu Âu lọt vào danh sách này. Phần lớn tập trung ở châu Á, tiếp theo là châu Phi (như Karachi của Pakistan, Kabul của Afghanistan, Khartoum của Sudan và Kinshasa của Cộng hòa Congo). Thậm chí thành phố Lagos của Nigeria được dự đoán là thành phố lớn nhất thế giới vào năm 2100.

Mới đây, những nhà làm chính sách trong đó có cả các cựu thị trưởng và thị trưởng đương nhiệm của những thành phố Amman, Chicago, Prague, Lahore, Rio de Janeiro và Toronto đã có cuộc họp kéo dài vài ngày bàn về những thách thức mà các đô thị phải đối mặt. Tất cả đều đồng ý rằng giải pháp cho các vấn đề sẽ không đến từ trung ương mà phải đến từ những nhà hoạch định chính sách cấp địa phương.

3 thách thức lớn mà các đô thị sẽ phải đối mặt

Ở Mỹ, nhiều thành phố và bang đã làm như vậy. Dù Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, một số thành phố vẫn duy trì nỗ lực giảm thiểu khí thải nhà kính và tăng cường sử dụng năng lượng bền vững. Thị trưởng thành phố Pittsburgh Bill Peduto và Thị trưởng Paris Anne Hidalgo tham gia vào những nhóm chống biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu là 1 trong 3 thách thức lớn mà thế giới phải đối mặt trong giai đoạn hoàn toàn mới này. Bởi vì tất cả các thành phố đều dựa vào năng lượng để hoạt động, cần hành động nhiều hơn để nâng cao tính bền vững và hiệu quả sử dụng năng lượng, tăng cường năng lượng sạch.

Thách thức thứ hai là thích nghi với những thay đổi mà công nghệ mang lại, đặc biệt là với nền kinh tế sẻ chia (sharing economy). Những ứng dụng cung cấp dịch vụ vận tải, giao hàng, y tế và nhiều dịch vụ khác theo nhu cầu sẽ biến đổi hoàn toàn cách vận hành và tổ chức thành phố. Để thích nghi với những thay đổi này, các thành phố cũng phải không ngừng đổi mới chính sách.

Thách thức cuối cùng liên quan đến làn sóng di cư và những mối đe dọa về an ninh. Trong vài thập kỷ tới, thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến làn sóng di cư trong đó người siêu giàu và cả người “siêu nghèo” đổ xô tới các siêu đô thị. Nếu các thành phố không có đủ cơ sở hạ tầng và những chính sách hợp lý để “tiếp đón” những người mới, các siêu đô thị sẽ “thất thủ”, gây nên tình trạng bất ổn cho cả những khu vực xung quanh.

Để có thể giải quyết những thách thức này, rất cần sự đối thoại giữa các thành phố. Thực tế cho thấy đối thoại ở cấp này sẽ hiệu quả hơn là Chính phủ các nước hợp tác với nhau. Và chúng ta phải hết sức thận trọng để không “thổi phồng” sự khác biệt giữa những thành phố phát triển với các đô thị kém phát triển hơn. Giải pháp an ninh cho Toronto có thể được áp dụng ở Karachi, và Kabul có thể học tập công nghệ của Singapore.

Giống như cách mạng công nghiệp đã mở ra kỷ nguyên mới cho các thành phố, cách mạng số hóa cũng sẽ tạo ra điều tương tự. Và, lịch sử cho thấy, nếu muốn đoán trước tương lai hãy nhìn vào những thành phố đang kiến tạo cuộc cách mạng ấy.

Thu Hương

Project Syndicate

Trở lên trên