Dẹp cà phê đường tàu: Thà đau một lần…
“Cà phê đường tàu” ở Hà Nội là địa điểm trải nghiệm thú vị cho nhiều du khách trong nước và quốc tế, nhưng đã đến lúc phải dẹp bỏ vì tính an toàn và thượng tôn pháp luật.
- 16-09-2022Rút giấy phép cà phê đường tàu, có cần xem xét trách nhiệm của người cấp phép?
- 16-09-2022Hà Nội nên xóa hẳn phố cà phê đường tàu hay quy hoạch lại?
Thông tin chính quyền Hà Nội sẽ thu hồi toàn bộ những giấy phép đăng ký kinh doanh đã cấp cho các hộ dân kinh doanh ở khu vực đường tàu vì vi phạm hành lang an toàn đường sắt… đang nhận được sự quan tâm sâu sắc dư luận.
Những năm vừa qua, ngày càng có nhiều khách du lịch đến những điểm đến mới, ít nổi tiếng để khám phá những trải nghiệm mạo hiểm mới lạ. Những đỉnh núi hùng vĩ như Mã Pí Lèng (Hà Giang), Lang Biang (Lâm Đồng), Fansipan (Lào Cai), Pia Oắc (Cao Bằng), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)… là những điểm lý tưởng cho các hoạt động leo núi, treckking (đi bộ) xuyên rừng…
Hoặc hệ thống hang động như hang Sơn Đoòng, động Phong Nha- Tiên Sơn, động Thiên đường, Tú Làn (Quảng Bình) thu hút những người thích khám phá hang động. Bờ biển dài hơn 3.000km thích hợp cho việc tổ chức các hoạt động đua thuyền, lướt ván, lặn biển…
Du khách đi dạo ngay dưới lòng đường tàu. Ảnh: Quốc Tuấn
Đặc biệt, một loại hình du lịch mạo hiểm đang thu hút khá đông du khách trong nước và quốc tế trải nghiệm ở ngay lòng Thủ đô Hà Nội đó là “cà phê đường tàu”. Ở “cà phê đường tàu” người dân, du khách thong dong ngồi nhâm nhi ly cà phê, gọi vài chai bia và trông ngóng ra ngoài như đang chờ điều gì đó. Dường như đã quen với “tử thần” chỉ cách cửa nhà vài bước chân, nhiều người đang khá chủ quan.
Mặt khác, không ai phủ nhận việc kinh doanh cà phê khu đường tàu mang lại việc làm, kinh tế cho người dân. Khi mà mỗi ngày, ước tính trên “xóm đường tàu” có hàng trăm lượt khách đến “ngắm” tàu chạy, tận hưởng cảm giác mạnh mỗi lần tàu vụt qua ở khoảng cách rất gần.
Thậm chí, càng gần giờ tàu đến vào mỗi buổi chiều, khách du lịch đổ về đây càng đông. Hàng trăm người tập trung bất chấp tiếng còi rít, bất chấp những cảnh báo đứng tràn ra đường ray ngóng chờ đoàn tàu chạy qua để chộp cho được một bức ảnh độc, ảnh lạ rồi khoe với bạn bè, chứng tỏ mình đã chinh phục được một mốc trải nghiệm mới.
Bàn ghế cho khách ngồi uống cà phê chỉ cách lòng đường tàu khoảng 30 cm. Ảnh: Quốc Tuấn
Có thể nói, trong thời điểm ngành du lịch mới “gượng dậy” sau một thời gian dài “ngủ yên” vì đại dịch COVID-19 thì việc phát triển những địa điểm, sản phẩm du lịch độc đáo lại rất quan trọng và cần thiết.
Chẳng thế mà, một số chuyên gia văn hóa cho rằng: “Xóm “cà phê đường tàu” vừa là nơi để du khách thưởng thức đồ uống, nơi để hòa mình vào không gian cuộc sống dân dã, nơi để check-in những tấm hình “sống ảo”. Đó được xem như một “điểm nhấn” níu chân du khách nước ngoài khi ghé thăm Hà Nội. Đặc biệt, khi Thủ đô Hà Nội lại đang là nơi cần đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế”.
Thành thử, vấn đề dẹp bỏ những quán “cà phê đường tàu” dù đã được “rục rịch” cách đây vài năm, nhưng đến thời điểm hiện tại khi chính quyền địa phương quyết định sẽ “thu hồi giấy phép” trong vòng 3 ngày vẫn tạo ra nhiều phản ứng trái chiều, trong đó có sự luyến tiếc, không đồng ý.
Có điều, không phải vì thế chúng ta thực hiện duy trì bằng mọi giá, thậm chí cả vi phạm pháp luật. Hãy nhớ, chúng ta đã có Luật Đường sắt, Luật An toàn giao thông và nhiều quy định khác quy định về an toàn hành lang các tuyến đường giao thông, trong đó hành lang an toàn của đường sắt quy định là 3 mét.
Và đã từng có chuyện đoàn tàu xuất phát từ ga Hà Nội đi Hải Phòng buộc phải dừng khẩn cấp trong thời gian ngắn để khách du lịch và người dân kịp sơ tán, tránh tàu tại “phố đường tàu” Phùng Hưng (Hà Nội).
Tức là, hiện nay các quán tại khu vực “cà phê đường tàu” đều vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Hãy nghĩ xem, từ chỗ mạo hiểm, hoang dã tới bất chấp an toàn cho tính mạng của mình và người khác thì có đáng? Vì thế, dưới con mắt các chuyên gia giao thông và người dân thì việc giữ lại “cà phê đường tàu” ở Hà Nội để bảo tồn nét độc đáo là không hợp lý.
Giờ có nói gì đi nữa thì việc dẹp bỏ “cà phê đường tàu” rất khó khi mà lỗi xuất phát từ vấn đề “tiền” quy hoạch và người dân đã bám trụ ở đây từ lâu, cộng với việc kinh doanh cà phê trở thành nguồn thu nhập chính của họ. Muốn giữ lại “cà phê đường tàu” thì tất thảy mọi người từ cơ quan quản lý đến người bán hàng, du khách cần phải nâng tầm trách nhiệm.
Ngược lại, chúng ta vẫn phải chấp nhận “đau một lần” để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật và an toàn cho người cả người dân lẫn du khách.
Diễn đàn doanh nghiệp