MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may loay hoay thoát khó

Trong nửa đầu năm 2016, các DN dệt may đều gặp khó khi đồng thời lượng hàng XK giảm và giá đơn hàng giảm. Nhiều DN dệt may cho rằng, mục tiêu XK đề ra trong cả năm khó có thể đạt như kỳ vọng.

Khó tứ bề

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch XK dệt may trong 6 tháng đầu năm đạt 10,7 tỷ USD, tuy cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái là 5,1% nhưng vẫn được đánh giá là kết quả thấp nhất của ngành kể từ năm 2010 trở lại đây. Hơn nữa, với mục tiêu XK cả năm 2016 của toàn ngành dệt may đạt 31 tỷ USD, kim ngạch XK chỉ bằng 1/3 kế hoạch trong 6 tháng đầu năm sẽ khiến mục tiêu này khó đạt được.

Chia sẻ về khó khăn của DN, ông Nguyễn Xuân Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần May 9 (Nam Định) cho hay, giá trị hàng XK của Công ty trong 6 tháng đầu năm thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, thậm chí, với một số loại hàng như veston nam, kim ngạch còn giảm tới 40-50%. Đặc biệt, tại thị trường châu Âu, giá trị XK giảm nghiêm trọng.

Nguyên nhân của việc giảm sút trên, theo ông Quang, một số quốc gia như Campuchia, Myanmar, Bangladesh… được ưu đãi thuế NK hàng dệt may, như tại Mỹ chỉ còn 0%, trong khi Việt Nam vẫn phải chịu thuế lên tới 17%. Không những thế, giá nhân công tại các nước này cũng đang thấp hơn Việt Nam khiến khách hàng dịch chuyển đơn đặt hàng, DN trong nước khó càng thêm khó.

Cũng về vấn đề này, nhiều DN dệt may bày tỏ lo lắng khi DN Việt Nam đang phải gánh nhiều chi phí khiến giá nhân công, giá gia công sản phẩm tăng cao hơn. Trong đó, đáng ngại nhất với các DN này là chi phí cho bảo hiểm xã hội, lương tối thiểu cho công nhân đã được điều chỉnh tăng thêm từ đầu năm 2016. Hơn nữa, những chi phí về vận tải, lãi suất cho vay và nhiều chi phí “không chính thức” cũng làm giảm năng lực cạnh tranh về giá của DN dệt may Việt Nam.

Đặc biệt, các DN còn bày tỏ lo ngại từ tác động của cuộc trưng cầu dân ý ở Anh khiến kinh tế châu Âu, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) chao đảo trong những ngày gần đây. Điều này làm kim ngạch XK vào một trong 3 thị trường lớn nhất của dệt may là EU không những giảm về số lượng mà còn giảm về giá trị khi đồng Euro bị mất giá. Do đó, các DN cho biết, đơn hàng cho các tháng cuối năm cũng đang có sự giảm sút, dù từ tháng 6 mới là thời điểm “chính vụ”.

Tìm hướng đi

Theo ông Nguyễn Ngọc Bách, Phó Tổng giám đốc, Công ty cổ phần may Việt Thái (Thái Bình), lượng đơn hàng của DN trong những tháng đầu năm không tăng không giảm, một phần do đơn hàng đã được ký kết từ năm ngoái đến nay, một phần do sự dịch chuyển đơn hàng ngay trong nước. Nguyên nhân do một số tỉnh trước đây DN dệt may tập trung nhiều như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang… nay đã chuyển trọng tâm sang sản xuất điện tử khiến số lượng DN giảm, lượng nhân công giảm nên khách hàng phải “chạy” về các tỉnh khác để đặt hàng.

Tuy nhiên, đây chỉ là một “điểm sáng” rất nhỏ cho các DN dệt may thoát khó. Bởi dù trong ngắn hạn hay dài hạn, các DN đều cần đến sự cải thiện từ trong chiến lược sản xuất, kinh doanh của từng DN.

Về cách giải quyết của DN, ông Nguyễn Xuân Quang cho hay, thị trường Hàn Quốc vẫn giữ sự ổn định, nên trước mắt, DN sẽ tập trung vào thị trường này, tìm kiếm thêm khách hàng. Song song với phương án này, Công ty sẽ cố gắng tìm kiếm thêm khách hàng tại những thị trường đang giảm sút, mở rộng và đa dạng thêm thị trường để tăng số lượng đơn hàng. Đây sẽ không phải là phương án khó khi Công ty đang cố gắng nâng cao chất lượng, tăng năng suất lao động, đa dạng hóa sản phẩm.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty TNHH dệt may XK Mỹ Hưng (Hưng Yên) cho biết, không những mở rộng thị trường, Công ty còn chuyển hướng mở rộng trong sản xuất sản phẩm. Nếu như trước đây, DN chỉ tập trung sản xuất áo thì nay DN phải đầu tư thêm trang thiết bị, nhân lực để sản xuất thêm quần, phụ kiện…

Thậm chí, một số DN còn cho biết, họ sẽ chuyển sang sản xuất các mặt hàng cao cấp hơn để dần thoát khỏi cái “bóng” của gia công, bởi những sản phẩm, đơn hàng có thêm hàm lượng chất xám sẽ ít biến động và giảm phần nào lo ngại cạnh tranh về giá.

Trên thực tế, việc chuyển dần các DN dệt may từ hình thức gia công sang FOB (tự chủ nguyên phụ liệu), ODM (tự thiết kế, sản xuất), OBM (làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối) đã được nhiều chuyên gia và Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhắc tới như một chiến lược trọng tâm cho sự phát triển của toàn ngành. Tuy nhiên, để điều này trở thành hiện thực, các DN dệt may không thể “tự bơi” mà cần sự hỗ trợ, kết nối từ các cơ quan có liên quan để kết nối DN nguyên phụ liệu với DN sản xuất, đào tạo nâng cao tay nghề, liên kết giữa các DN dệt may…

Như vậy, các DN dệt may đang cần đến nhiều giải pháp để tháo gỡ, nâng cao kim ngạch XK. Điều đáng mừng là trong trung và dài hạn, khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) chính thức được đi vào hoạt động, các DN dệt may sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan, cơ hội giao thương được tăng trưởng… nên kim ngạch XK hy vọng sẽ có tăng trưởng vượt bậc.

Theo Long Hưng

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên