Dệt may Việt Nam sẽ tăng gấp đôi thị phần tại các thị trường CPTPP sau năm 2019
Thông tin thêm, trong vòng 7 năm kể từ ngày ký kết, có đến 99,2% dòng thuế được EU cam kết cắt giảm đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong báo cáo Ngành dệt may mới công bố, SSI Research ghi nhận so với Trung Quốc, Việt Nam đang được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển các đơn hàng nhờ (1) các Hiệp định thương mại tự do, (2) chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Nói về ngành Dệt may, đầu ra của nước ta phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu với tỷ lệ bán hàng xuất khẩu/sản lượng cung ứng đạt hơn 89%. Trong đó, thị trường đầu ra chủ yếu tập trung tại thị trường Hoa Kỳ (46%), Nhật Bản (12,45%), và Hàn Quốc (10,49%). Riêng 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ghi nhận mức cao nhất tại 2 thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, với giá trị lần lượt là 24% và 23,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Được biết, sản phẩm xuất khẩu chính của doanh nghiệp Việt Nam bao gồm: Sợi (sợi bông, sợi polyester) và Hàng may mặc (gồm áo thun, áo Jacket, và quần chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu).
Điểm qua về thị trường nội địa, hiện quy mô tiêu thụ đạt từ 3,8-4 tỷ USD, tương đương tỷ lệ 84-88% so với quy mô sản xuất. Theo Statistics Portal, tăng trưởng giai đoạn 2017-2022 của thị trường nội địa ước đạt 22,5% theo năm. Trong khi đó tính đến nay, chi tiêu hàng may mặc hàng năm vẫn nằm ở mức khiêm tốn với 42,9 USD/người, thấp hơn so với một số quốc gia khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Phillipines) và bình quân thế giới. Chưa hết, 60% thị phần của thị trường dệt may nội địa hiện đang thuộc về hơn 200 thương hiệu nước ngoài, phần còn lại là sự phân chia giữa sản phẩm của thị trường Trung Quốc và Việt Nam.
Liên quan đến yếu tố cạnh tranh, SSI Research cho biết sự tương đồng về thị trường chủ lực (Hoa Kỳ, EU) nên hàng dệt may Việt Nam phải cạnh tranh từ sản phẩm Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan hay Bangladesh. Mặc dù có chi phí về lợi thế nhân công nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Và hiện trong khi Việt Nam đang hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, cùng với hiệp định thương mại tự do, thì đối thủ Ấn Độ cũng có lợi thế từ chính sách dệt may bài bản, Pakistan và Bangladesh vẫn đang hưởng lợi từ chương trình GSP từ EU.
Được biết, GSP là chương trình hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thông qua các biện pháp cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hoá, điều này khiến ưu thế về thuế suất từ EVFTA đối với Việt Nam là không nhiều.
Trở lại với bối cảnh ngành dệt may Việt Nam hiện tại, một số chính sách có ảnh hưởng phải kể tên như:
(1) Nghị định 115/2015/NĐ-CP để phát triển công nghiệp hỗ trợ;
(2) Chính sách tăng lương tối thiểu hàng năm;
Và đặc biệt, là Hiệp định CPTPP sắp đến dự kiến sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu, khi CPTPP đang chiếm 12,9% GDP toàn cầu và 14,9% khối lượng giao dịch thương mại toàn thế giới, chưa kể hàng hoá giao dịch trong nhóm CPTPP sẽ được cắt giảm thuế quan đến 95%.
Như vậy, nếu đáp ứng được các điều kiện về nguyên tắc xuất sứ, dệt may Việt Nam dự kiến tăng gấp đôi thị phần tại các thị trường CPTPP ngay sau khi FTAs này có hiệu lực kể từ năm 2019, SSI Research nhận định. Thông tin thêm, trong vòng 7 năm kể từ ngày ký kết, có đến 99,2% dòng thuế được EU cam kết cắt giảm đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam.
Cùng với đó, nhờ hưởng lợi thuế quan từ CPTPP và EVFTA, hàng dệt may Việt Nam có thể trở nên cạnh tranh hơn so với hàng Trung Quốc.
Trí Thức Trẻ