MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ ACB: Năm 2023 lợi nhuận dự kiến vượt 20 nghìn tỷ, chia cổ tức tỷ lệ 25%

13-04-2023 - 10:13 AM | Tài chính - ngân hàng

ĐHCĐ ACB: Năm 2023 lợi nhuận dự kiến vượt 20 nghìn tỷ, chia cổ tức tỷ lệ 25%

Sáng ngày 13/04 tại Tp. Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), mã chứng khoán ACB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2023.

8h50: Theo báo cáo của Trưởng ban kiểm tra tư cách cổ đông, tham dự đại hội tại thời điểm khai mạc có 445 cổ đông đại diện cho hơn 2,3 tỷ cổ phiếu ACB, tương đương 68,69% tổng số phiếu có quyền biểu quyết, đủ túc số tiến hành đại hội.

Chủ Tọa đoàn có ông Trần Hùng Huy, chủ tịch HĐQT ACB; ông Huỳnh Nghĩa Hiệp, Trưởng Ban kiểm soát; ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB.

Ngoài các cổ đông, dự đại hội còn có đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh; lãnh đạo Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam chi nhánh Tp. HCM. Đại diện Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Theo tài liệu gửi tới cổ đông, đại hội lần này của ACB sẽ thảo luận về một số nội dung chính bao gồm: 1) Tổng kết tình hình kinh doanh của ngân hàng năm 2022 và phương án phân phối lợi nhuận; 2) kế hoạch kinh doanh năm 2023; 3) bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới; 4) một số vấn đề khác liên quan đến tình hình hoạt động và an toàn của ngân hàng.

Kết quả kinh doanh năm 2022

Báo cáo tại đại hội, lãnh đạo ACB cho biết, trên nền tảng vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được phục hồi và các cân đối lớn được đảm bảo; ACB tiếp tục tăng trưởng về quy mô, đạt lợi nhuận cao, và tuân thủ các giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn năm 2022 đạt 17.114 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2021, hoàn thành 114% kế hoạch đã trình đại hội cổ đông (15.018 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE), đạt 26,49%, tăng 2,59 điểm phần trăm so với năm trước; tổng tài sản đạt 2,41%, tăng 0,43 điểm phần trăm.

Về tổng tài sản của ACB đạt 608 nghìn tỷ đồng, tăng 15,18% tăng; dư nợ cho vay ở mức 414 nghìn tỷ, tăng 14,31%; tỷ lệ nợ xấu ở khống chế ở ngưỡng 0,74%, giảm 0,03 điểm so với năm 2021.

Về nguồn vốn, tính đến cuối năm 2022, tổng tiền gửi khách hàng của ACB là 414 nghìn tỷ đồng, tăng 8,96% so với năm trước. Ngân hàng cũng phát hành thành công 19.200 tỷ giấy tờ có giá, kỳ hạn bình quân 1,25 năm với chi phí hợp lý, góp phần tăng quy mô nguồn vốn. Tính đến cuối năm 2022, lượng giấy tờ có giá tại ACB là 44 nghìn tỷ, tăng 45,03. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng Á Châu cán mốc 58 nghìn tỷ, tăng 30,15%.

ĐHCĐ ACB: Năm 2023 lợi nhuận dự kiến vượt 20 nghìn tỷ, chia cổ tức tỷ lệ 25% - Ảnh 1.

Với kết quả kinh doanh như trên, ban lãnh đạo đề xuất sẽ sử dụng gần 8.444 tỷ từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức. Tỷ lệ chia dự kiến là 25%, bao gồm 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. ACB hiện là một trong số ít các ngân hàng có cổ tức tiền mặt trong năm nay. Sau khi chia, ngân hàng sẽ còn lại hơn 6.578 tỷ.

Kế hoạch kinh doanh năm 2023

Đại diện ngân hàng dự báo, trong năm 2023, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn.

Trên cơ sở đó, Hội đồng quản trị cho rằng, định hướng hoạt động năm 2023 sẽ là tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước; kiểm soát tốt chất lượng tín dụng; phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu của từng phân khúc khách hàng mục tiêu và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Vì lẽ đó, HĐQT ACB đề xuất kế hoạch năm 2023 lợi nhuận trước thuế đạt 20.058 tỷ, tăng 17,2%; Tổng tài sản đạt 668.788 tỷ, tăng 10%; Tiền gửi và giấy tờ có giá đạt 495.836 tỷ, tăng 9,7%; Dư nợ cho vay đạt 453.836 tỷ, tăng 9,7%. Tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 2%.

ĐHCĐ ACB: Năm 2023 lợi nhuận dự kiến vượt 20 nghìn tỷ, chia cổ tức tỷ lệ 25% - Ảnh 2.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, nhà băng dự kiến sẽ trích hơn 9.710 tỷ để chia cổ tức. Tỷ lệ chia là 25% (15% cổ phiếu và 10% tiền mặt). Lợi nhuận giữ lại sau chia sẽ hơn 10.308 tỷ đồng.

Về nhân sự

Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát đương nhiệm (2018-2023) chính thức kết thúc vào hôm nay. Do đó, đại hội cổ đông hôm nay sẽ bầu ra HĐQT cũng như BKS cho nhiệm kỳ mới (2023-2028).

Theo đó, HĐQT đương nhiệm đề cử 9 ứng viên cho HĐQT nhiệm kỳ mới gồm: 1) ông Trần Hùng Huy ( chủ tịch ngân hàng nhiệm kỳ trước); 2) ông Nguyễn Thành Long (phó chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ trước); 3) ông Hiep Van Vo (TV HĐQT Độc lập nhiệm kỳ trước); 3 TV HĐQT nhiệm kỳ cũ gồm 4) bà Đinh Thị Hoa, 5) Đặng Thu Thủy, 6) ông Đàm Văn Tuấn; 7) Đỗ Minh Toàn (CT HĐQT Chứng khoán ACB hiện tại, Nguyên tổng giám đốc ACB 08/2012-01/2022);ông Nguyễn Văn Hòa (Phó Tổng Giám đốc ACB hiện nay); ông Trịnh Bảo Quốc (TV HĐQT CTCP Tập đoàn KCN Việt Nam, dự kiến bầu làm TV HĐQT Độc lập).

Về phía Ban Kiểm soát, HĐQT đề cử 3 thành viên BKS nhiệm kỳ trước tiếp tục làm công tác này. Danh sách gồm có: 1) ông Huỳnh Nghĩa Hiệp, 2) bà Nguyễn Thị Minh Lan, 3) bà Hoàng Ngân.

Thảo luận cổ đông

Cổ đông hỏi: Kết quả kinh doanh quý I và khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh 2023?

Ông Từ Tiến Phát Tổng Giám Đốc trả lời: Lợi nhuận quý 1 hợp nhất 5.120 tỷ, tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 26% kế hoạch cả năm. Huy động tăng trưởng 2,1% so với cuối năm. Tỷ số LDR 78%; tỷ lệ an toàn vốn 13,1%. Riêng tăng trưởng tín dụng giảm nhẹ 0,6%. Chúng tôi lường trước những khó khăn của nền kinh tế. Riêng ACB là ngân hàng bán lẻ thì chúng tôi cũng bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đã khôi phục từ tháng 3. Tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1%.

Chúng tôi hoàn thành 26% và tự tin hoàn thành kế hoạch cả năm. Chúng tôi tự tin sẽ toàn dụng tăng trưởng tín dụng, đồng thời tăng trưởng huy động ở mức phù hợp.

Chi tiết hơn về chiến lược kinh doanh trong mảng phái sinh hàng hóa?

Ông Từ Tiến Phát: ACB có đề xuất đưa vào 2 nghiệp vụ phái sinh hàng hóa và ngân hàng giám sát. Đây là một chiến lược tăng trưởng thu nhập dịch vụ nhằm giảm tỷ trọng thu nhập từ lãi vay.

Nghiệp vụ này không xa lạ đối với các ngân hàng quốc tế. Hiện cũng đã có một số ngân hàng trong nước tiến hành.

Ngân hàng giám sát khá phổ biến ở quốc tế. Việt Nam chỉ có một vài ngân hàng. Vừa qua ACB có ký độc quyền với Sunlife Việt Nam. Theo đó, ACB kỳ vọng sẽ là ngân hàng giám sát tình hình tài chính, dòng tiền của các doanh nghiệp.

Khi nào phân phối cổ tức tiền mặt cho cổ đông; vấn đề trái phiếu ngân hàng đầu tư thế nào?

Ông Từ Tiến Phát: ACB không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo tài chính kiểm toán cũng đã thể hiện vấn đề này. Trái phiếu ACB đầu từ 85% là TPCP và phần còn lại là TP của các TCTD lớn. Trong năm 2023 chúng tôi cũng không đầu tư vào trái phiếu các doanh nghiệp trừ TP của các TCTD.

Trích lập nợ xấu, tỷ lệ cho vay đối với bất động sản, động lực tăng trưởng lợi nhuận trước thuế?

Ông Từ Tiến Phát: Nợ xấu quý I hệ thống ngân hàng vẫn chưa được lạc quan. Do nhiều yếu tố như kinh tế khó khăn, lãi suất cao. Nợ xấu của ACB cuối quý IV/2022 0,74% đến cuối quý I là 0,84%. Nợ xấu theo CIC tăng khá nhanh. Nếu nợ xấu cộng thêm CIC là 0,94%. Chúng tôi phải cố gắng quyết liệt hơn để nợ xấu không vượt 1%

Tỷ lệ cho vay bđs của ACB là 24%. Trong đó, 80% cho vay mua nhà ở. Đối với lĩnh vực đầu tư bất động sản dưới 1%. 

Về động lực tăng trưởng lợi nhuận, động lực chính là tăng trưởng phí dịch vụ, đa dạng nguồn vốn, tiết giảm chi phí vốn, đặc biệt thúc đẩy CASA. Chắc chắn sẽ có một số khoản hoàn nhập dự phòng. Thứ nhất là khoảng liên quan đến covid. Khoảng này không còn nhiều, Ngoài ra còn một số khoảng tồn tại rất nhiều năm trước. Kế hoạch tăng trưởng 17% của ACB là một thách thức.

ACB có ý định M&A và mở thêm chi nhánh nước ngoài?

Ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT: Trong nhiều năm trở lại đây chưa có một ngân hàng phù hợp để M&A. ACB vẫn tập trung thị trường nội địa, chưa có ý định mở thêm chi nhánh nước ngoài.

ĐHCĐ ACB: Năm 2023 lợi nhuận dự kiến vượt 20 nghìn tỷ, chia cổ tức tỷ lệ 25% - Ảnh 3.

Chiến lược của ACB 3 năm tới?

Ông Từ Tiến Phát: Trong 3 năm tới chúng tôi sẽ tập trung phát triển khách hàng mới có chọn lọc, định vị các phân khúc phù hợp. Thứ hai là chuyển đổi số, riêng ACB tập trung vào xây dựng mô hình ngân hàng số chuyên biệt, số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ và cung cấp sản phẩm cho khách hàng. gần đây, chúng tôi tập trung khá nhiều vào AI và Robtot. Chúng tôi cũng sẽ chuyển dịch kênh phân phối, mô hình kinh doanh. Sắp tới, chúng tôi sẽ công bố các kênh phân phối. Chúng tôi cũng tập trung thu hút nhân tài và cải thiện quản trị rủi ro.

ACB mới thay đổi nhiều lãnh đạo mới vậy ngân hàng có tiếp tục ổn định phát triển?

Ông Trần Hùng Huy: Chúng tôi đã chiêu mộ nhiều nhân sự cấp cao từ trong hệ thống ngân hàng và các tập đoàn đa quốc gia để làm đội ngũ kế thừa. Khi mà quy mô càng lớn thì việc đào tạo phát triển đội ngũ lãnh đạo càng cần thiết. Chúng tôi vẫn sẽ kiên định thực hiện mục tiêu này,

Kết quả số hóa?

Ông Từ Tiến Phát: Năm 2022, ngân hàng đã cho ra mắt ACB One, 95% khách hàng đã chuyển sang giao dịch qua kênh số. ACB rất tích cực liên kết với các hệ sinh thái số, ví dụ như Mo Mo hay các đối tác khác. Việc này giúp ACB tăng trưởng nhanh hơn. Trong 2022, ACB tăng trưởng 1 triệu khách hàng. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng khách hàng nhanh hơn.

Chi tiết hơn KQKD Q1?

Ông Từ Tiến Phát: Tăng trưởng quy mô tín dụng chúng tôi còn rất khó khăn. Danh mục cho vay của ACB gồm 65% cho vay KHCN, 35% SME. Trong quý đầu năm thì thường nhu cầu của 2 phân khúc này rất thấp. Tuy nhiên tốc độ sẽ tăng trưởng rất nhanh từ quý II

Tháng 3 tăng trưởng 2,2%, kỳ vọng sẽ sử dụng toàn dụng room tín dụng, Khi Banca có khó khăn thẻ quốc tế tăng trưởng 78% trong khi toàn ngành 34%. CHúng tôi chiếm 8,1% thẻ tín dụng quốc tế tại Việt Nam, đây là một nguồn thu rất lớn.

Ông Trần Hùng Huy: Năm 2023 sẽ khó khăn nhưng HĐQT và ban điều hành đã có những phương án linh hoạt. Năm nay kế hoạch tham vọng nhưng vẫn cố gắng thực hiện được

Tăng trưởng mảng SME của ACB thế nào?

Ông Từ Tiến Phát: Khi nền kinh tế khó khăn, tăng trưởng tín dụng mảng cá nhân thường gặp khó khăn. Mọi năm tăng trưởng 20%, năm nay 12-13% là cao. Với cá nhân thì 40% ACB cho vay hộ kinh doanh, cho vay mua nhà không nhiều. ACB vẫn kiên định cho vay SME. Năm nay, cũng sẽ tập trung đẩy mạnh doanh nghiệp FDI trong KCN. Điều tiếp theo là cố gắng kết nối hệ sinh thái và cuối cùng là đẩy mạnh đầu tư ngân hàng số.

ACB chuyển nhượng một phần vốn của ACBS?

Ông Trần Hùng Huy: Trước đó có chủ trương này và tìm kiếm đối tác phát triển. Tuy nhiên, đại dịch covid đã khiến kế hoạch này đã bị hoãn. Nhu cầu tìm kiếm các đối tác có năng lực bổ trợ cho tập đoàn trên tình thần hợp tác win win. Nếu có sẽ trình cổ đông ngay.

Nợ xấu toàn thị trường và ACB ra sao?

Ông Từ Tiến Phát: Nợ xấu cuối năm 2022 là 0,74%, đó là sau khi trích lập CIC. Nếu bỏ cái đó ra thì khoảng 0,63%, rất thấp so với thị trường. Năm nay thực sự khó khăn. Điều mà chúng tôi quan tâm nhất là nợ xấu của khách hàng ở các ngân hàng khác có thể ảnh hưởng thế nào đến ACB. Chúng tôi vẫn cố gắng khống chế dưới 1%.

Tuổi của ban lãnh đạo?

Ông Trần Hùng Huy: Ngân hàng là mảng kinh doanh rủi ro, việc có được ban lãnh đạo 20-30 năm kinh nghiệm trong ngành là rất đáng quý. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đã bổ sung thêm đội ngũ lãnh đạo trẻ để hài hòa phát triển bền vững.

Kết quả bầu cử và thông qua các tờ trình

ĐHCĐ ACB: Năm 2023 lợi nhuận dự kiến vượt 20 nghìn tỷ, chia cổ tức tỷ lệ 25% - Ảnh 4.

Cập nhật của Ban kiểm tra tư cách cổ đông, đến 10h57p có 2,46 tỷ cổ phần tham dự họp, đại diện cho 73,13% vốn điều lệ ngân hàng.

Kết quả bầu HĐQT và BKS: Các ứng viên đề cử đều được bầu cử vào nhiệm kỳ mới. Các tờ trình đều được thông qua với tỷ lệ tán thành trên 95%./. 

Văn Tuệ

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên