ĐHCĐ Tập đoàn Novaland: Cổ đông quan tâm "điểm nóng" pháp lý 7 dự án Quận Phú Nhuận, chiến lược đầu tư bất động sản du lịch
Theo ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Novaland, từ 2019 tập đoàn Novaland bắt đầu bước vào chiến lược đầu tư giai đoạn 2, đó là đẩy mạnh đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng bên cạnh mảng bất động sản nhà ở trung cao cấp.
Sáng ngày 26/4, Tập đoàn Novaland (NVL - HoSE) đã tiến hành tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 để thông qua các quyết sách quan trọng của tập đoàn trong 2019 và chiến lược kinh doanh những năm tới.
Ông Bùi Thành Nhơn, chia sẻ trước Đại hội về những định hướng cũng như chiến lược đầu tư của tập đoàn trong 2019 và những năm tới. Theo đó, đây là thời điểm Novaland bắt đầu chiến lược giai đoạn 2, đó là sẽ xây dựng các dự án BĐS du lịch giải trí tại các tỉnh thành có tiềm năng du lịch như Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Phan Thiết,...với chuỗi thương hiệu NovaHills, Nova Beach và NovaWorld. Trong đó NovaHills là các dự án có quy mô dưới 100ha ở các địa điểm có cảnh quan sườn đồi núi đẹp, NovaBeach là các dự án có quy mô dưới 100ha ven biển, và NovaWorld là đại đô thị nghỉ dưỡng có quy mô 100ha trở lên.
Mà bước đầu năm 2019 là 5 dự án trọng điểm NovaWorld Phan Thiết quy mô 1000ha tại Bình Thuận, NovaWorld Mekong, NovaWorld Hồ Tràm, NovaHills Mũi Né và NovaBeach Cam Ranh. Trong đó, NovaWorld Phan Thiết đang được nhiều khách hàng đánh giá cao, có các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, có thể tổ chức các giải đấu thường xuyên của khu vực và thế giới.
Ông Nhơn cho rằng, trong bối cảnh các dự án tại TP.HCM chậm về mặt pháp lý, thì đây là thời điểm phù hợp để tập đoàn triển khai chiến lược giai đoạn 2. Các dự án mới sẽ giúp Novaland giảm áp lực về dòng tiền, đáp ứng được kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của công ty. 2 dự án NovaWorld triển khai năm 2019 sẽ đem lại nguồn thu vượt trội nhằm đảm bảo kế hoạch kinh doanh của công ty.
Các cổ đông Novaland đã thông qua kết quả kinh doanh 2018, với doanh thu thuần đạt 15.290 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.267 tỷ đồng, tăng 58% so với lợi nhuận đạt được năm 2017.
Kế hoạch năm 2019, doanh thu dự kiến đạt 18.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.300 tỷ đồng, tăng lần lượt là 17,7% và 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty vẫn còn khoảng hơn 1.000 sản phẩm, tương đương khoảng 6.400 tỷ đồng chưa ghi nhận được doanh thu năm 2018.
Tổng số lượng căn hộ bàn giao và ghi nhận được doanh thu trong năm 2018 là 4.589 căn, tăng 28% so với năm 2017, trong đó đóng góp lớn nhất là các dự án The Sun Avenue, Sunrise Riverside, Richstar và Wilton Tower...
Báo cáo tại Đại hội, ông Bùi Xuân Huy - Tổng Giám đốc Novaland, cho biết trong bối cảnh có nhiều khó khăn, năm 2018 NVL đã đạt được kết quả kinh doanh khả quan. Nguồn cung căn hộ sụt giảm do các dự án chậm pháp lý khiến giá BĐS tại TP.HCM.
Ngoài ra, Novaland đánh giá BĐS du lịch sẽ rất có tiềm năng trong những năm tới với tốc độ tăng trưởng du lịch trên 30% hàng năm. Hơn nữa ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Huy nhấn mạnh, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam dự báo chiếm 50% vào 2035, mức thu nhập bình quân tăng cao thứ 2 khu vực khoảng 8%/năm. Đây là hai yếu tốc kích thích nhu cầu tiêu dùng cũng như nhu cầu mua bất động sản ngôi nhà thứ hai gia tăng. Thị trường BĐS du lịch có tiềm năng rất lớn.
Do đó, giai đoạn 2019-2023 sẽ là giai đoạn phát triển sôi động nhất của tập đoàn với chiến lược kiềng 3 chân, tạo hệ sinh thái bổ trợ gia tăng lẫn nhau, bao gồm đô thị nhà ở tại TP.HCM, đô thị vệ tinh các tỉnh và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Với quỹ đất của tập đoàn hiện tại là 2700ha trong đó có 25% phát triển nhà ở và 75% phát triển BĐS du lịch. Và tập đoàn hiện đang nghiên cứu quỹ đất phát triển đô thị vệ tinh các tỉnh lân cận.
Những vấn đề về chiến lược đầu tư cũng như tình trạng các dự án BĐS của tập đoàn Novaland được nhiều cổ đông rất quan tâm.
Cổ đông hỏi, sự chậm trễ cấp sổ đỏ và rà soát pháp lý có ảnh hưởng thế nào đến các dự án của công ty?
Theo Ban lãnh đạo NVL: Việc rà soát pháp lý là hoạt động bình thường của cơ quan chức năng, mang tính tạm thời. Việc rà soát từ 20017 đến nay giúp các DN phát triển các dự án đúng đắn và ổn định hơn. Riêng các dự án của NVL mua lại từ cổ phần hoá các DN nhà nước có tính chất phức tạp hơn. Novaland vẫn đang thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Việc chậm cấp sổ đỏ nằm ở phần định giá lại đất mang tính khách quan, không phải chủ quan, cũng có ảnh hưởng đến doanh thu và việc cấp sổ cho khách hàng. Chúng tôi có gắng và nỗ lực để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Cổ đông hỏi về lợi thế của Novaland khi bước vào đầu tư BĐS du lịch nghỉ dưỡng?
Theo ông Bùi Xuân Huy, Novaland có lợi thế về xây dựng các dự án khu đô thị có chất lượng và đã khẳng định được thương hiệu. Có quỹ đất lớn và kinh nghiệm quản lý. Có đội ngũ sale mạnh và có tập khách hàng lớn.
Cổ đông: Công ty có mục tiêu đòn bẩy tài chính bao nhiêu, có giới hạn huy động vốn bằng USD?
Đại diện NVL: Tập đoàn luôn đa dạng hoá các nguồn vốn từ các định chế tài chính trong và ngoài nước, nên không giới hạn việc huy động vốn. Chúng tôi sẽ cân đối phù hợp với quỹ đất, cũng như cam kết đúng các chuẩn mực quốc tế.
Cổ đông: Xin được hỏi về tình trạng 7 dự án của Novaland tại Phú Nhuận?
Ban lãnh đạo Novaland cho biết, đây là điểm nóng nhiều cổ đông quan tâm. Đến thời điểm hiện tại, Sở xây dựng sau khi rà soát các dự án của cơ quan đã có kiến nghị cho tiếp tục triển khai, không có cản trở gì theo quyết định đã phê duyệt.
6. Công ty có mở rộng ngành dịch vụ du lịch, kế hoạch triển khai như thế nào?
Ông Bùi Xuân Huy: Việc mở rộng đầu tư bđs du lịch nghỉ dưỡng và dịch vụ du lịch nằm trong chiến lược giai đoạn 2 của tập đoàn. Giai đoạn 1 là bđs nhà ở tại TP.HCM. Công ty sẽ xây dựng các dự án nghỉ dưỡng đồng bộ, đầy đủ về tiện ích như nhà hàng, spa, casino, sân golf, nhà phố, biệt thự biển...
Cổ đông: Đầu tư BĐS nghỉ dưỡng có nguồn cung lớn, có lo ngại dư cung?
Đại diện Novaland: Chiến lược NVL vẫn tiếp tục phát triển nhà ở tại TP.HCM với quỹ đất hiện có khoảng 670ha và dần dần vào bđs du lịch 3-5 năm tới. Song song chuẩn bị quỹ đất dài hơi hơn là 2000ha đất các tỉnh phát triển du lịch tây nam bộ, để phát triển tập đoàn ổn định lâu dài. Tạo điểm đến tích hợp, phát triển second home.
Cổ đông: Tập đoàn cạnh tranh như thế nào với các đối thủ như Bà Nà, Vinpearl?
Ông Bùi Xuân Huy: Mua có bạn bán có phường, phát triển du lịch cũng là tầm nhìn quốc gia, huy động tất cả các nguồn lực. Như Thái Lan người người làm du lịch, nhà nhà làm du lich. Các tập đoàn lớn như Sungroup, Vingroup, FLC đã đi trước chúng tôi. Tuy nhiên, BĐS du lịch đang trên đà phát triển vẫn cần nhiều doanh nghiệp có tiềm lực.
Novaland sẽ tập trung nhiều hơn vào các hoạt động vui chơi giải trí và thể thao ở các dự án để tạo sức hút. Thị trường còn rất nhiều tiềm năng và muốn thắng trên thị trường thì phải thắng chính mình.
Cổ đông: Kế hoạch phân bổ nguồn vốn đầu tư như thế nào?
Theo đại diện ban lãnh đạo NVL: Hiện nay, chi phí tiền đất sử dụng hàng năm khoảng 9000 tỷ, chi phí M&A tuỳ thuộc vào thị trường để đảm bảo lợi nhuận biên, vài năm tới dự kiến chi 5-6 ngàn tỷ.
Cổ đông: Đánh giá của Ban lãnh đạo tập đoàn về tiềm năng tăng cổ phiếu NVL?
Đại diện Novaland: Tiềm năng cổ phiếu phụ thuộc vào 4 yếu tố nội tại của doanh nghiệp và 4 yếu tố khách quan bên ngoài. Với 4 yếu tố nội tại nvl, đó là công ty đã và đang phát triển 40 dự án với tập khách hàng hơn 250 nghìn người, các dự án bàn giao đạt 95-96% sản phẩm. Khả năng huy động vốn và các chỉ số tài chính luôn được đảm bảo. Ba là công ty sở hữu 670ha đất tại TP.HCM và 2000ha đất phát triển du lịch. Cuối cùng là chiến lược dài hạn đầu tư các đô thị vệ tinh. Còn 4 yếu tố bên ngoài đó là vĩ mô ổn định, Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, sự phát triển hạ tầng...Điều đó cho thấy cổ phiếu NVL còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Dự kiến năm 2019 sẽ giới thiệu khoảng 4.500 sản phẩm căn hộ, nhà phố, biệt thự…; và nỗ lực bàn giao khoảng 5.900 sản phẩm. Trong đó, bàn giao một số dự án như Victoria Village, Garden Mansion, Rivergate, Sunrise Riverside…Tập đoàn bung ra khoảng 2.000 sản phẩm BĐS đầu tư là nhà phố nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng (second-home), shophouse…
Trí Thức Trẻ