MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ VIB: Kế hoạch lợi nhuận hơn 7.500 tỷ đồng trong năm 2021, chia cổ phiếu thưởng tới 40%, tiếp tục tập trung các mảng kinh doanh trọng yếu

24-03-2021 - 09:24 AM | Tài chính - ngân hàng

ĐHCĐ VIB 2021

ĐHCĐ VIB 2021

Theo lãnh đạo VIB, quản trị doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh minh bạch là yếu tố cơ bản, và quan trọng để đưa ngân hàng VIB tiếp tục phát triển bền vững.

Ngày 24/3/2021, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên.

Báo cáo thẩm tra tư cách cổ đông cho biết, tại thời điểm khai mạc đại hội có các cổ đông tham dự và đại diện uỷ quyền cho tổng cộng hơn 987 triệu cổ phần, tương đương 88,99% số cổ đông có quyền biểu quyết.

Phát biểu khai mạc đại hội, ông Đặng Khắc Vỹ, chủ tịch VIB cho biết, năm 2020 của Ngân hàng Quốc Tế đã khép lại với nhiều kết quả tích cực trong nhiều mục tiêu chiến lược quan trọng, tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu thị trường ở những mảng kinh doanh trọng yếu, cùng với các chỉ tiêu tài chính khả quan. Những kết quả này một lần nữa khẳng định những bước đi đúng đắn trong chiến lược phát triển mạnh mẽ và bền vững của VIB. Bước sang năm 2021, VIB tiếp tục chiến lược kinh doanh phù hợp, thích ứng với thị trường nhiều cơ hội và thách thức, đảm bảo phát triển hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, lớn về quy mô và dẫn đầu về chất lượng.

Hiệu quả kinh doanh 2020 ở nhóm đầu ngành

Báo cáo tại đại hội, ông Đặng Khắc Vỹ cho biết, năm 2020, tổng tài sản của VIB tăng trưởng 32,6% so với đầu năm, đạt 245 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 42,2% so với năm 2019, đạt 5.803 tỷ đồng. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn bình quân (ROEE) đạt 30,0%, giúp VIB tiếp tục giữ vững vị trí trong nhóm cao nhất toàn ngành về hiệu quả kinh doanh. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 1,5%.

VIB còn dẫn đầu ở nhiều mảng kinh doanh trọng yếu như thuộc top các ngân hàng có tỷ trọng số lượng giao dịch trực tuyến cao nhất, ở mức 91% so với tổng số lượng giao dịch; có thị phần top đầu về cho vay mua ô tô; về tăng trưởng cho vay bán lẻ với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2017-2020 đạt 42,0%; top dẫn đầu về tăng trưởng số lượng thẻ tín dụng và mức chi tiêu trên thẻ năm 2020, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với trung bình ngành.

Về quản trị rủi ro, VIB là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam triển khai thành công cả 3 trụ cột Basel II theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Thông tư 13/2018/TT-NHNN; đồng thời là ngân hàng tiên phong trong việc áp dụng thí điểm chuẩn mực quản trị thanh khoản theo Basel III.

Bên cạnh hoạt động hiệu quả, VIB còn tối ưu hoá lợi ích cho cổ đông khi chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 20,0%.

Trong bối cảnh xảy ra dịch bệnh Covid-19, VIB đã tập trung nguồn lực chủ động thực hiện Thông tư 01 và Chỉ thị 02 của NHNN liên quan đến quản trị vận hành và hỗ trợ khách hàng trong thời gian Covid-19. VIB là một trong các ngân hàng tiên phong đưa ra gói hỗ trợ cho cả khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, với mức lãi suất giảm từ 0,5% đến 2,0%; đã thực hiện cơ cấu nợ cho hơn 2.500 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng dư nợ trên 3.400 tỷ đồng; thực hiện giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu cho hơn 8.300 khách hàng, mức giảm lãi suất từ 0,5% đến 2,0%, trong đó có 8.100 khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Bên cạnh đó, VIB đã chủ động cho vay mới gần 140 nghìn tỷ đồng với lãi suất giảm từ 0,5% - 1,2% so với năm 2019, trong đó, cho vay khôi phục và duy trì sản xuất cho các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là hơn 12.000 tỷ đồng. Đồng thời, VIB đã miễn, giảm nhiều loại phí giao dịch cho khách hàng, trong đó có giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng, giao dịch thanh toán trực tuyến.

ĐHCĐ VIB: Kế hoạch lợi nhuận hơn 7.500 tỷ đồng trong năm 2021, chia cổ phiếu thưởng tới 40%, tiếp tục tập trung các mảng kinh doanh trọng yếu - Ảnh 1.

Ông Đặng Khăc Vỹ

2021 tập trung vào các mảng kinh doanh trọng yếu, kế hoạch lợi nhuận hơn 7.500 tỷ đồng

Chủ tịch VIB cho biết, trong năm 2021, năm thứ 5 trong chiến lược chuyển đổi 10 năm, VIB tiếp tục kiên định với tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của mình thông qua việc tập trung vào các mảng lĩnh vực kinh doanh trọng yếu của VIB, tiếp tục hoàn thiện mô hình vận hành xuất sắc đi cùng với việc không ngừng xây dựng, phát triển các công cụ vận hành kinh doanh tinh gọn, đảm bảo tiếp tục tăng trưởng bền vững, song song với việc quản trị tốt các rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường, hướng đến một VIB có quy mô và chất lượng hàng đầu.

Các chiến lược quan trọng của VIB đã được truyền thông một cách nhất quán trong thời gian qua, bao gồm tăng trưởng cho vay và huy động mạnh mẽ, song song với các sản phẩm dịch vụ thu phí và các sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao. Tiếp tục giữ số 1 về thị phần tại Việt Nam ở các mảng kinh doanh trọng yếu.

Các chỉ tiêu kinh doanh cụ thể như sau:

ĐHCĐ VIB: Kế hoạch lợi nhuận hơn 7.500 tỷ đồng trong năm 2021, chia cổ phiếu thưởng tới 40%, tiếp tục tập trung các mảng kinh doanh trọng yếu - Ảnh 2.

Kế hoạch tăng vốn lên gần 16.000 tỷ đồng, trong đó chia cổ phiếu thưởng tối đa 40%

Báo cáo tại đại hội, giám đốc tài chính của VIB cho biết ngân hàng đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt, cần vốn để đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo quy định của pháp luật. Vì vậy ngân hàng cần thiết phải tăng vốn.

Đến cuối năm 2020 ngân hàng có hơn 4.800 tỷ đồng lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ, VIB dự kiến sẽ chia cổ phiếu thưởng từ nguồn lợi nhuận này. Tỷ lệ tăng vốn tối đa là 40%, từ 11.093 tỷ đồng hiện tại lên hơn 15.530 tỷ đồng. Việc chia cổ phiếu thưởng VIB dự kiến hoàn thành trước 30/9/2021.

Đồng thời VIB cũng muốn tăng thêm vốn điều lệ khoảng 466 tỷ đồng, lên 15.997 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu, sau khi thực hiện việc tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Với tổng cộng hơn 4.900 tỷ đồng vốn tăng thêm, VIB dự kiến sẽ dành phần lớn (4.400 tỷ) để tăng cường cấp tín dụng, phần còn lại để đầu tư cơ sở vật chất, mạng lưới chi nhánh, đầu tư tài sản thanh khoản...

Thảo luận cổ đông

Cổ đông hỏi tình hình nợ xấu của ngân hàng cao hay thấp?

Giám đốc tài chính VIB Hoàng Linh cho biết, về con số tuyệt đối thì nợ xấu tăng, tuy nhiên tỷ lệ thì thấp, chỉ ở mức 1,46%.

Ông Đặng Khắc Vỹ bổ sung thêm: Nợ xấu của VIB là nợ xấu thực chất, chủ yếu ở nhóm ngân hàng bán lẻ, có tài sản bảo đảm tốt (cho vay mua ô tô) với tỷ lệ 96% dư nợ có tài sản đảm bảo. Ngân hàng có phương án đánh giá thận trọng tương đương giá thị trường. Tỷ lệ mất vốn gần như rất rất ít so với các ngân hàng khác.

Ngân hàng được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đầu năm 8% là khá thấp, căn cứ vào đâu để đặt mục tiêu tăng trưởng 31% trong năm nay?

Ông Đặng Khắc Vỹ: NHNN có định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 12% trong năm nay, nhưng NHNN cũng linh động, phụ thuộc vào diễn biến thị trường, tình hình đại dịch để điều chỉnh kế hoạch tăng hay giảm. Các ngân hàng đều được giao tăng trưởng ban đầu ở mức 7 – 11%, NHNN sau đó sẽ đánh giá độ lành mạnh, sức khoẻ tài chính, sức khoẻ tài chính, độ minh bạch để giao chỉ tiêu bổ sung. Trong 4 năm qua VIB tăng trưởng tín dụng trung bình 25-30%, nên ngân hàng đưa ra con số dựa trên xu hướng và số liệu sác xuất của VIB những năm qua.

CAR của ngân hàng hiện nay?

Ông Đặng Khắc Vỹ: VIB bắt đầu áp dụng Basel II và nội bộ đã áp dụng Basel III, chỉ số CAR đang ở mức hơn 11%, chúng ta quản lý tài sản rất tốt. Nếu CAR thấp hơn 8% thì dưới chuẩn, nhưng nếu quá cao tới 15- 16% thì sẽ không hiệu quả cho cổ đông, con số 9 – 11% đảm bảo lợi ích cổ đông, đảm bảo được cả chuẩn an toàn.

Chiến lược thời gian tới ra sao?

Ông Đặng Khắc Vỹ: Các sản phẩm của VIB về ngân hàng số MyVIB và thẻ tín dụng được đánh giá cao và có tăng trưởng rất mạnh, dẫn đầu xu thế trên thị trường cả về số lượng thẻ lẫn phí giao dịch. VIB lựa chọn hai chiến lược tập trung, tập trung cao độ vào ngân hàng số và thẻ tín dụng trong thời gian tới. 

Kế hoạch ROE, ROA thời gian tới thế nào?

Ông Đặng Khắc Vỹ cho biết ROE của VIB thuộc top cao nhất toàn ngành, lên đến 29%, đây là con số lý tưởng. Có thể khẳng định với ngân hàng có vốn chủ sở hữu 10.000 tỷ đồng trở lên thì VIB là cao nhất. Kỳ vọng ROE của năm 2021 là hơn 29%.

Ông Hoàng Linh, giám đốc tài chính VIB bổ sung: ROA của VIB đạt 2,1%, khá tốt trên thị trường, phản ánh mức ROA của ngân hàng bán lẻ điển hình (84% danh mục dư nợ thuộc bán lẻ).

Về tỷ lệ LLCR là dự phòng trên nợ xấu. Tỷ lệ này dựa vào tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn, chất lượng của tài sản đảm bảo, trên lĩnh vực ấy có bao nhiêu tài sản đảm bảo. VIB với trên 96% có tài sản đảm bảo nên giá trị được khấu trừ trên khoản vay được khấu trừ rất cao. Tỷ lệ LLCR của VIB tính đúng quy định và hiện cũng ở mức cao trên thị trường. 

Tỷ lệ Casa của VIB hiện nay ra sao, kế hoạch thời gian tới?

Ông Đặng Khắc Vỹ: VIB là ngân hàng trẻ hơn, là ngân hàng duy nhất trên thị trường có retail banking chiếm tới 84% trên tổng tín dụng và phát triển vượt bậc trong 4 năm trở lại đây với gần 3 triệu khách hàng cá nhân. Quá trình chuyển dịch đó giúp Casa đi lên đều đặn, chỉ riêng Casa của retail banking trong năm 2020 tăng 71% và tổng Casa của retail hiện nay chiếm 10% trên tổng huy động của retail, Ngân hàng sẽ đưa con số này lên 20% trong vòng 1 đến 1,5 năm tới.

Đại hội biểu quyết

Tất cả các tờ trình cổ đông gồm kế hoạch kinh doanh 2020, kế hoạch 2021, phương án trích lập các quỹ, phân phối lợi nhuận, kế hoạch tăng vốn, thù lao cho HĐQT và BKS, báo cáo công khai danh sách người vay và các lơi ích liên quan đã được các cổ đông biểu quyết thông qua với tỷ lệ nhất trí cao trên 99%./.


Tùng Lâm

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên