ĐHĐCĐ Đèo Cả: Kế hoạch doanh thu tăng 50% lên 6.700 tỷ đồng
Chia sẻ tại Đại hội, Đèo Cả cho biết được chỉ định là nhà thầu thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư 20.469 tỷ đồng.
- 08-02-2023Hạ tầng Đèo Cả (HHV) tiếp tục trúng thầu dự án hơn 500 tỷ đồng ở tỉnh Lâm Đồng
- 09-01-2023VNDirect: Hưởng lợi từ siêu dự án Long Thành và cao tốc Bắc Nam, nhóm công ty hàng đầu như Vinaconex, Hạ tầng Đèo Cả, Hoà Bình, Coteccons... bứt phá ngay đầu năm
- 28-12-2022Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) sắp khởi công gói thầu 3.800 tỷ đồng thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn
Sáng ngày 20/6/2023, Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023, thông qua kế hoạch doanh thu năm 2023 với 6.700 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022. Với chỉ tiêu trên, Tập đoàn dự chia cổ tức tối đa 80% lợi nhuận sau thuế.
Chia sẻ tại Đại hội, Đèo Cả cho biết được chỉ định là nhà thầu thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư 20.469 tỷ đồng. Đây là dự án có quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Tiếp đó, Đèo Cả đứng đầu liên danh thực hiện gói thầu XL1 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong với giá trị hơn 4.300 tỷ đồng.
Dài hơi hơn, giai đoạn 2023 – 2025 Đèo Cả sẽ tham gia đấu thầu các dự án sân bay, đường sắt và một số đường cao tốc ở nhiều địa phương khác nhau… Tổng mức đầu tư các dự án khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn dự kiến tham gia khoảng 11.500 tỷ giá trị hợp đồng xây lắp triển khai từ cuối năm 2023 - 2025.
Song song với việc tăng quy mô hoạt động thi công xây lắp, Đèo Cả tích cực thúc đẩy hoạt động đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công – tư, tiếp tục xúc tiến triển khai các dự án PPP đang nghiên cứu tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Lâm Đồng, Điện Biên, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang…
Đáng chú ý, chiến lược đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao và hệ thống tàu điện ngầm metro ở thành phố Hà Nội và Tp.HCM đã được xác định thực thi trong giai đoạn 2025-2030. Đây là loại công trình hạ tầng giao thông có giá trị rất lớn, công nghệ cao và là một phần trong định hướng chiến lược của Đèo Cả. Công ty cũng thông tin đã hợp tác với đối tác có kinh nghiệm của nước ngoài như Sany, PowerChina… song song nghiên cứu các mô hình tối ưu sản xuất của Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Năm 2022, Tập đoàn đạt doanh thu thuần đạt 4.184 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 419 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,2%, tương ứng với mức biên lợi nhuận 10%.
Năm qua, Công ty đã huy động vốn và thực hiện dự án dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo với tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng. Cũng trong năm này, Tập đoàn trúng nhiều gói thầu tại các dự án đường ven biển Bình Định, dự án nâng cấp, mở rộng Đèo Prenn tại Lâm Đồng, dự án cầu Hải Giang…
Đèo Cả có tiền thân là CTCP Đầu tư Xây dựng Cầu đường Sài Gòn, thành lập năm 2015. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực: Đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng giao thông; tổng thầu thiết kế, thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị,...
Đèo Cả được biết đến là chủ đầu tư thi công nhiều dự án lớn như tuyến hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân 2 thuộc Dự án hầm đường bộ Đèo Cả; Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn; dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam.
Tại ngày 31/12/2022, Đèo Cả có 8 công ty con, 4 công ty liên doanh liên kết và 5 đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc. Các công ty này đều hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng, thu phí BOT… Trong đó, CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) là công ty con niêm yết trên HoSE với mã cổ phiếu HHV.
Nhịp sống thị trường