MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ GAS: Giá dầu giảm sâu có ảnh hưởng nhưng không lớn đến hiệu quả kinh doanh

Nói về chỉ tiêu 2020 giữa biến động giá dầu trên thế giới, đại diện GAS nhấn mạnh giá dầu giảm sâu cũng có ảnh hưởng nhưng không lớn tới hiệu quả kinh doanh của Công ty. Ngược lại, tác động bởi dịch Covid-19 lên dự án thì chắc chắn là có.

Ngày 5/5, Tổng Công ty khí Việt Nam (PVGAS, GAS) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 nhằm báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019 cũng như kế hoạch cho thời gian tới.

Năm 2020 dự tăng cổ tức lên 45% dù đặt chỉ tiêu lợi nhuận giảm mạnh

Dự báo tình hình kinh doanh năm nay, GAS cho biết các nguồn khí trong nước suy giảm, nguồn khí mới LNG bổ sung từ GAS chưa kịp thời, xuất hiện đơn vị ngoài ngành cung cấp LNG cạnh tranh trực tiếp với hoạt động cung cấp khí.

Mặt khác, sự cố thiết bị gây gián đoạn cấp khí/dừng cấp khí của phía thượng nguồn ngày một tăng; các chi phí ngày một tăng (tăng chi phí bảo dưỡng sửa chữa, tăng chi phí thu dọn mỏ, tăng chi phí mua khí PM3-Cà Mau).

Công ty cũng phải huy động nguồn lực lớn cho nhiều dự án đang triển khai như giai đoạn 2 dự án đường ống dẫn khí NCS2 điều chỉnh; dự án đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt; dự án kho chứa LNG 1 MMTPA tại Thị Vải; dự án mở rộng, nâng công suất kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải lên 3 triệu tấn/năm…

Với những luận điểm trên, GAS trình kế hoạch doanh thu 66.163,5 tỷ - giảm 12% và lợi nhuận sau thuế 6.636 tỷ - giảm mạnh 45% so với kết quả thực hiện năm 2019. Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 dựa trên dự tính giá dầu 60 USD/thùng.

Đáng chú ý, mặc dù chỉ tiêu thấp, GAS dự kiến chi cổ tức 2020 với tỷ lệ 45%, tăng mạnh so với mức 30% của năm 2019.

ĐHĐCĐ GAS: Giá dầu giảm sâu có ảnh hưởng nhưng không lớn đến hiệu quả kinh doanh - Ảnh 1.

Tác động bởi dịch Covid-19 lên dự án thì chắc chắn là có

Nói về chỉ tiêu 2020 giữa biến động giá dầu trên thế giới, đại diện GAS nhấn mạnh giá dầu giảm sâu cũng có ảnh hưởng nhưng không lớn tới hiệu quả kinh doanh của Công ty. Ngược lại, tác động bởi dịch Covid-19 lên dự án thì chắc chắn là có.

Một mặt, chỉ thị giãn cách ly xã hội tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới khiến việc nhập khẩu vật tư thiết bị sản xuất bị đình trệ. Mặt khác liên quan đến các chuyên gia dự án, kỹ thuật viên người nước ngoài tại GAS.

"GAS đang chờ đợi tình hình dịch tại các quốc gia khác như là Hàn Quốc, Malaysia… Thời gian qua có chuyện buồn đó là một số các chuyên gia dự án của chúng tôi có mắc bệnh và dương tính với Covid-19. Một số chuyên gia chính khác đi cùng chuyến bay cũng đang trong giai đoạn bị cách ly", đại diện GAS chia sẻ với cổ đông.

Song, hiện GAS vẫn làm việc với các nhà thầu, nhà thầu phụ để xem xét, điều chỉnh kế hoạch để tối ưu lại tiến độ cũng như rút ngắn thời gian. Theo kế hoạch, tiến độ sẽ thực hiện đúng vào quý 3 thay vì kéo dài qua sang năm, "Chúng tôi hy vọng sẽ có biện pháp hỗ trợ kỹ thuật để khắc phục tác động kép Covid-19 và giá dầu thấp".

Chia sẻ thêm về tiến độ dự án Lô B, GAS cho biết dự án đang triển khai. Tuy nhiên, dự án có đặc thù chuyển ngang giá khí cho nơi tiêu thụ cuối cùng là các nhà máy điện: việc này ảnh hưởng đến giá điện tổng thể của khâu phát điện tại Việt Nam, do đó cần có quy chế cụ thể từ phía Chính phủ. Bởi nguyên nhân này, dự án đang chậm tiến độ do với kế hoạch, đến nay đang trong quá trình chọn nhà thầu EPC.

Đến nay, dự án Lô B do GAS sở hữu 51%, tập đoàn PVN nắm 28%, cùng các đối tác Thái Lan và Nhật khoảng 21%.

Điều chỉnh hợp đồng khí theo giá thị trường sẽ cho Chính phủ cùng các bên quyết định, không phải phía doanh nghiệp

Trả lời cổ đông về tiến độ ký kết hợp đồng khí bao tiêu cũng như chênh lệch giá khí như thế nào? Đại diện Công ty cho biết đối với phần bán khí của GAS cho các tụ của PVN thì ít nhất theo chỉ đạo Chính phủ, nên thực tế không có vấn đề gì lớn.

Còn đối với các hợp đồng BOT thì phức tạp hơn, do phải có sự bảo lãnh Chính phủ với nhà đầu tư nước ngoài cũng như chủ nợ. Bởi, tất cả hợp đồng này đều rất chặt chẽ và liên kết mật thiết, do đó nếu có bất kỳ thay đổi nào đều phải có sự đồng ý của các bên không chỉ Chính phủ mà còn cả luật sư, chủ nợ, ý kiến của các cổ đông…

Chia sẻ về chênh lệch giá khí so với thị giá hiện nay, theo ban lãnh đạo GAS: "Trước đây hợp đồng ký kết theo giá cố định trong bao tiêu. Bây giờ nếu tính theo giá thị trường thì phải do Nhà nước quyết định chứ không phải phía doanh nghiệp. Do đó, để có cơ sở hạch toán cho GAS ghi nhận, Bộ Tài chính mới đây có xây dựng quy chế riêng, thông tư riêng về vấn đề này và đã có dự thảo để xin ý kiến các ban ngành liên quan. Sau khi có quyết định chính thức, khoản chênh lệch có thể GAS sẽ được ghi nhận doanh thu hoặc theo quyết định khác của Chính phủ".

Vấn đề được quan tâm cuối cùng liên quan đến kế hoạch thoái vốn Nhà nước. GAS cho hay, vốn Nhà nước Tổng Công ty hiện là 95,76%. Trước đây, Chính phủ có cho phép GAS giảm về 65%, nhưng sau khi chuyển về cơ quan quản lý vốn nhà nước thì không nhất thiết phải thoái và chưa có kế hoạch thoái vốn.

ĐHĐCĐ GAS: Giá dầu giảm sâu có ảnh hưởng nhưng không lớn đến hiệu quả kinh doanh - Ảnh 2.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên