ĐHĐCĐ MSB: Ban lãnh đạo nói gì về kế hoạch nhận sáp nhập một ngân hàng và không chia cổ tức?
Chiều nay 21/4/2023, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
- 21-04-2023MSB và định hướng tăng trưởng bền vững năm 2023
- 31-03-2023Vì sao MSB được cấp hạn mức tín dụng cao nhất ngành ngân hàng?
- 31-03-2023MSB chính thức công bố kế hoạch nhận sáp nhập một ngân hàng, dự kiến lợi nhuận năm 2023 đạt 6.300 tỷ đồng
Kế hoạch nhận sáp nhập một ngân hàng
Tại đại hội, Hội đồng quản trị (HĐQT) MSB trình cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam.
Ngân hàng cho biết mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập nhằm hướng tới việc tăng quy mô hoạt động của MSB, triển khai thành công chiến lược số hoá ngân hàng. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn liền với xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, MSB đã có kinh nghiệm từ năm 2015 nhận sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB), mua lại Công ty Tài chính Dệt may cũng như việc hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của NHNN.
Tờ trình cũng cho biết, dự kiến TCTD sáp nhập vào MSB là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.
HĐQT MSB trình cổ đông thông qua việc giao/uỷ quyền cho HĐQT thực hiện toàn bộ các công việc, nội dung liên quan đến việc chuẩn bị, triển khai và thực hiện việc sáp nhập. Trong đó, HĐQT được quyết định lựa chọn ngân hàng thương mại mà MSB nhận sáp nhập, thực hiện đàm phán, ký kết Hợp đồng nhận sáp nhập trên cơ sở đảm bảo tối đa lợi ích cổ đông, khách hàng và các bên liên quan.
Ngoài ra, HĐQT được quyết định các nội dung liên quan đến việc nhận sáp nhập bao gồm nhưng không giới hạn ở nội dung phương án sáp nhập, các điều kiện thực tế triển khai, thời hạn cụ thể nhận sáp nhập, phương án phát hành, hoán đổi cổ phiếu trái phiếu, chuyển đổi tài sản (bao gồm cả trường hợp có giá trị từ 20% trở lên so với vốn điều lệ của MSB ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc một tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại điều lệ của MSB, nếu có).
Mục tiêu lợi nhuận 6.300 tỷ
Đại hội cũng xem xét thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, với lợi nhuận trước thuế đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến tăng 8% lên 230 nghìn tỷ; dư nợ tín dụng tăng 15%, đạt 141,7 nghìn tỷ; huy động vốn thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn tăng 10% đạt 142 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.
Kế hoạch 2023 được đặt ra trên cơ sở thận trọng, vừa duy trì tăng trưởng hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn vốn, giảm thiểu các rủi ro tín dụng, kiểm soát nợ xấu. MSB sẽ đẩy mạnh tiến độ chiếm thị phần mảng khách hàng cá nhân của Ngân hàng bán lẻ để mảng này trở thành động lực tăng trưởng chính của MSB.
Không chia cổ tức, cổ phiếu thưởng
Theo phương án phân phối lợi nhuận trình cổ đông, ban lãnh đạo MSB đề xuất không có kế hoạch chia cổ tức, cổ phiếu thưởng trong năm 2023. Ban lãnh đạo cho biết, tình hình thị trường cổ phiếu nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực từ xu thế lãi suất, yêu cầu chú trọng quản trị rủi ro cao từ cơ quan quản lý. Vì vậy, ngân hàng muốn giữ nguyên phần vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ như hiện tại để tạo nguồn vốn đệm vững chắc cho ngân hàng. Khi tình hình thị trường diễn biến tích cực hơn, HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ phương án chia cổ tức/cổ phiếu thưởng phù hợp cho lợi nhuận tạo ra năm 2022. Theo báo cáo, lợi nhuận còn lại sau thuế và trích các quỹ của MSB năm 2022 là 3.922 tỷ đồng.
Hỏi đáp với cổ đông
Vì sao lợi nhuận trước thuế/vốn điều lệ chỉ đạt 25%, thấp hơn các ngân hàng lớn khác?
Đại diện MSB: Hoạt động ngân hàng được giám sát rất chặt chẽ về chi phí vốn, đầu vào - đầu ra. NIM của MSB hiện từ 4 – 5% là tương đối cao so với mặt bằng chung hệ thống ngân hàng. MSB vừa hoạt động kinh doanh song cũng cần quản trị rủi ro.
"Tỷ suất sinh lời của MSB cũng không phải thấp so với vốn đầu tư. Có thể thấy nhiều ngân hàng có tỷ suất sinh lời cao nhưng hoạt động ngân hàng cần bền vững, chúng ta cần nhìn hoạt động của ngân hàng ở chu kỳ dài. Diễn biến giá cổ phiếu không chỉ phụ thuộc vào khả năng sinh lời", Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết.
Vì sao lợi nhuận trước thuế 5.700 tỷ đồng và hệ số CAR 12,9% ở mức khá cao rồi mà lại không chia cổ tức để tăng lợi ích cho cổ đông?
Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh: Không phải ngân hàng không chia cổ tức. Lợi nhuận để lại ngoài việc trích lập quỹ, phần còn lại là tài sản, giá trị của cổ đông. Tuy nhiên, ngân hàng vừa tăng mạnh vốn lên 20.000 tỷ đồng, ban lãnh đạo cũng kỳ vọng có thể bán công ty tài chính FCCOM và sẽ có được mức cổ tức cao hơn.
"MSB sẽ thực hiện chia cổ tức, chúng ta chỉ đang cân nhắc mức chia cổ tức sao cho cao nhất", Đại diện MSB nhấn mạnh.
Cổ đông lớn đại diện khoản vốn 1.200 tỷ đề nghị chia cổ tức bằng tiền mặt khi ngân hàng tiềm lực tài chính tốt.
Đại diện MSB: Lợi nhuận vẫn là của chúng ta thôi. Việc chia bao nhiêu và vào thời điểm nào thì HĐQT sẽ cân nhắc và xin ý kiến cổ đông khi triển khai.
Ngân hàng trình kế hoạch sáp nhập 1 ngân hàng đang hoạt động bình thường, đó là ngân hàng nào? Sau khi sáp nhập thì tình hình hoạt động của MSB ra sao?
Đại diện MSB: MSB đã có kinh nghiệm ngân hàng MDB, lãnh đạo ngân hàng cũng rất thận trọng trong việc sáp nhập. Nhìn vào việc sáp nhập trong những năm vừa qua với MDB thì MSB có những kinh nghiệm quản trị hoạt động, không ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận, kết quả hoạt động cũng như vấn đề xử lý nợ.
"Trước mắt, sẽ xin ý kiến cổ đông rồi HĐQT sẽ tiếp tục đánh giá để đưa ra quyết định cuối cùng", Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết.
Kinh nghiệm sáp nhập như các ngân hàng khác là khá rủi ro, chúng tôi muốn nghe ý kiến của các cổ đông lớn về việc sáp nhập.
Chủ tịch HĐQT Trần Anh Tuấn: Việc sáp nhập sẽ do NHNN quyết định cuối cùng. NHNN sẽ kiểm tra đánh giá xem năng lực của MSB có đủ khả năng hay không rồi mới phê duyệt. Việc đưa ra ĐHĐCĐ chỉ là bước xin chủ trương ban đầu. Đồng ý hay không đồng ý thì cổ đông có thể bỏ phiếu biểu quyết.
"Lát nữa kết quả biểu quyết sẽ cho chúng ta thấy được ý kiến của các cổ đông lớn, tôi tin cổ đông lớn sẽ cân nhắc kỹ về vấn đề này", Tổng Giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho biết thêm.
Đề nghị chia sẻ về kết quả kinh doanh quý I/2023
Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh: Trong quý I, tổng tài sản ngân hàng ước đạt 236.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2022; tín dụng tăng 13,17%; cho vay khách hàng đạt 136.800 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng đạt 126.000 tỷ đồng; tổng thu nhập hoạt động tăng 19%; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.500 tỷ, tăng 2%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.200 tỷ đồng; CAR theo quy định là 11,55%; NIM ở mức cao so với mặt bằng chung đạt 5,1%.
Room tín dụng của MSB cao nhất hệ thống nhưng đã sử dụng hết, đề nghị làm rõ nguyên nhân giúp MSB tăng trưởng mạnh trong quý I?
Đại diện MSB: Quy mô dư nợ của ngân hàng không quá lớn so với các ngân hàng khác. Do đó, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 13% là cao nhất nhưng mức tăng trên thực tế không lớn.
TGĐ Nguyễn Hoàng Linh: Cuối năm 2022, nhu cầu tăng trưởng tín dụng đã sẵn có, nên khi được cấp room ra thì ngân hàng đã giải ngân ngay. Danh mục tăng trưởng tín dụng được NHNN kiểm soát rất kỹ. Khi NHNN cấp hạn mức tín dụng cũng yêu cầu các ngân hàng được cấp tăng trưởng cao thì phải tập trung cho vay lĩnh vực ưu tiên thì NHNN mới xét tiếp nên không thể đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như BĐS, chứng khoán,...
Theo ông Linh, hiện nay tăng trưởng tín dụng MSB đã 13,17% gần chạm hạn mức được giao. Trong thời gian tới MSB sẽ tái cơ cấu danh mục, thu hồi lại các khoản nợ đến hạn để tối đa hóa NIM. Đồng thời, MSB sẽ xin NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng.
Kết thúc đại hội, 11/12 tờ trình của MSB được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Riêng tờ trình về việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng chỉ được hơn 56% cổ phần có quyền biểu quyết tán thành; do đó, tờ trình này không được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Nhịp sống Thị trường