ĐHĐCĐ OCH: Thống nhất bầu Chủ tịch Đầu tư Everland vào HĐQT
Tại đại hội, ông Lê Đình Vinh, Chủ tịch EVG được HĐQT đề cử vào HĐQT của OCH, tuy nhiên điều này vướng phải ý kiến của cổ đông.
Sáng ngày 26/6, CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (HNX: OCH) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018 với sự tham gia của 18 cổ đông, đại diện cho hơn 163 triệu cp, tương đương hơn 81,6% vốn.
Đại hội tiến hành thông qua kế hoạch kinh doanh năm và bầu bổ sung thành viên vào HĐQT.
ĐHĐCĐ OCH sáng 26/6 tại Hà Nội
Nhiều ý kiến cổ đông về bầu ông Lê Đình Vinh vào HĐQT
Công ty đã có tờ trình bầu ông Lê Đình Vinh vào HĐQT, thay thế cho bà Đỗ Thị Tú Chi có đơn từ nhiệm trước đó. Ông Lê Đình Vinh hiện đang là Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư EverLand (HOSE: EVG).
Trước tờ trình bầu thành viên HĐQT, một số cổ đông đã có ý kiến rằng việc bầu ông Vinh không đúng với nghị định 71 và điều lệ doanh nghiệp. Việc đề cử ông Vinh vào HĐQT đã có từ năm trước nhưng không được cổ đông thông qua, đến nay lại được HĐQT đề cử vào. Đồng thời, cổ đông cũng cho rằng phương pháp bầu cử không phù hợp và đề xuất phải bầu theo nguyên tắc dồn phiếu.
Thêm nữa, cổ đông có ý kiến nhiệm kỳ HĐQT là 2014-2018, năm nay ĐHĐCĐ cần tiến hành bầu nhiệm kỳ mới.
Ông Lê Đình Vinh cho rằng việc bầu bổ sung thành viên vào HĐQT là phương án tạm thời do HĐQT thiếu người, cá nhân do HĐQT đề cử dựa trên năng lực. Đối với cách thức bỏ phiếu, theo ông Vinh phương pháp bầu hiện tại vẫn phù hợp với nguyên tắc.
Về nhiệm kỳ HĐQT, đại diện công ty cho biết, nhiệm kỳ 2014-2018 sẽ kết thúc vào tháng 4/2019 và tiến hành bầu lại tại ĐHĐCĐ thường niên 2019.
Trước ý kiến của ông Vinh và đại diện công ty, cổ đông cho rằng hiện tại ông Vinh là Chủ tịch của EVG, giá cổ phiếu trên thị trường của doanh nghiệp này chỉ 5.110 đồng/cp, giảm từ mức đỉnh 18.000 đồng/cp năm 2017. Theo đó, cổ đông đặt nghi vấn về khả năng điều hành, năng lực của ông Vinh với doanh nghiệp và liệu bầu ông Vinh vào có lợi ích cho OCH.
Ông Vinh cho rằng, việc ông làm Chủ tịch tại EVG và tham gia HĐQT của OCH hoàn toàn không liên quan quan đến nhau. Bầu thành viên HĐQT là lựa chọn dựa trên kinh nghiệm và đánh giá năng lực của công ty. Cổ đông nếu không tin tưởng có thể biểu hiện bằng lá phiếu của mình.
Năm 2017 thu được 1,2 tỷ từ ông Hà Trọng Nam
Một vấn đề khác được cổ đông quan tâm là khoản phải thu hơn 500 tỷ đồng của ông Hà Trọng Nam, Chủ tịch HĐQT đối với OCH. Cổ đông cho biết, đây là khoản phải thu lớn ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài chính của doanh nghiệp, theo bản phụ lục hợp đồng thời hạn 3 năm đối với khoản phải thu này đã đến hạn, do đó cổ đông cần biết về tình hình và tiến độ thu hồi.
Theo đại diện công ty, ông Hà Trọng Nam, bản thân là Chủ tịch của công ty rất trăn trở về khoản nợ này. Tuy nhiên, tình hình hiện tại ông Nam chưa thể thanh toán do các tài sản của ông Nam liên quan đến ông Hà Văn Thắm, đang trong vụ án điều tra nên chưa thể xử lý, tất toán. Nếu không bán các tài sản này, ông Nam không thể giải quyết khoản nợ đối với công ty.
“Ông Nam chưa bao giờ quên khoản nợ này”, đại diện ban lãnh đạo chia sẻ.
Năm qua, công ty cũng đã thu nợ khoảng 1,2 tỷ đồng dựa trên thu nhập của ông Nam, dù con số này rất nhỏ so với tổng nợ. Mặt khác, công ty cũng chưa ký thêm bất cứ phụ lục nào với ông Nam mà tạm thời sẽ cùng ông Nam phối hợp giải quyết và xử lý khoản phải thu.
Trong suốt buổi thảo luận của các vấn đề, ông Hà Trọng Nam không phát biểu.
Ông Hà Trọng Nam (thứ 2 từ trái sang) và ông Lê Đình Vinh (thứ 2 từ phải sang)
Doanh thu và lợi nhuận 2018 công ty mẹ tăng 23% và 38%
Năm 2018, công ty mẹ OCH đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 210 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước và lợi nhuận trước thuế tăng 56%, đạt gần 29,6 tỷ đồng. Lãi ròng công ty mẹ dự kiến ở mức 23,6 tỷ đồng, tăng trưởng 38%.
Với kế hoạch hợp nhất, doanh thu 2018 mục tiêu tăng 12%, đạt 1.195 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 146% đạt hơn 89,4 tỷ đồng. Công ty kế hoạch có lãi sau thuế hơn 35,8 tỷ đồng.
OCH cho biết, không đưa kết quả dự phóng của dự án Sài gòn Airport vào chỉ tiêu kinh doanh do không chủ động được thời điểm chuyển nhượng. Với mảng thực phẩm, OCH dự kiến doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng trưởng 12-15%. Mảng kinh doanh khách sạn, công ty đặt mục tiêu doanh thu các khách sạn tăng 10-12%, nâng cao tỷ lệ lấp đầy phòng.
Năm 2017, OCH ghi nhận doanh thu 1.106 tỷ đồng, tăng 11%. Tuy nhiên, công ty vẫn lỗ ròng hơn 3,7 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ, doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 170,7 tỷ đồng và 19 tỷ đồng, tương đương 57% và 104% chỉ tiêu đề ra.
Lý giải việc doanh thu không đạt kế hoạch và tiếp tục lỗ ròng, công ty cho biết, năm trước dự án Sài Gòn Airport chưa hoàn thành chuyển nhượng nên không ghi nhận doanh thu do chưa được cơ quan chức năng cho phép. Ước tính nếu chuyển nhượng được dự án, công ty có thể mang về lợi nhuận khoảng 28 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc bàn giao condotel chậm hơn kế hoạch đầu năm do khách hàng không bố trí được nguồn vốn, công ty phải thực hiện thủ tục thu hồi lại các condotel không được thanh toán và tiến hành chào bán lại.
Tính hết quý I/2018, công ty đã chuyển nhượng và bàn giao 15/24 căn condotel phải thu hồi.
Năm trước, chuỗi khách sạn Starcity và Sunrise của OCH đều vượt các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, khách sạn Sunrise Nha Trang có công suất phòng đạt mức 81,2%, doanh thu thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch 5% và tăng 15% so với 2016; khách sạn Sunrise Hội An ghi nhận công suất phòng đạt mức 78,8%, doanh thu vượt chỉ tiêu kế hoạch 10,6%; khách sạn StarCity Hạ Long công suất phòng đạt 75%, doanh thu vượt chỉ tiêu kế hoạch 8,2%; khách sạn StarCity Nha Trang công suất phòng đạt 91,3%, doanh thu thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch 29,6%.
Công ty đã bàn giao 79 căn hộ condotel tại dự án Star City Nha Trang cho khách hàng và ghi nhận lợi nhuận vào kết quả kinh doanh trong kỳ.
Kết thúc đại hội, các nội dung đã được thông qua.
NDH