ĐHĐCĐ SHB: SHBS có sáp nhập vào SHS hay không?
SHB đã thoái vốn tại công ty chứng khoán SHS. Việc SHBS có sáp nhập vào SHS hay không thì HĐQT cũng đang lựa chọn phương án tốt nhất
Chiều nay (21/4), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016.
14h10: Đại hội bắt đầu
Đọc báo cáo tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết năm 2015, SHB ghi nhận 1.017 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 795 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tổng tài sản của ngân hàng cuối năm 2015 đạt 204.764 tỷ đồng, tăng 21,1% so với đầu năm. Vốn điều lệ tăng 7% tăng từ 8.865 tỷ đồng lên 9.485 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt 131.427 tỷ đồng, tăng 26%. Tổng nguồn vốn huy động đạt 185.648 tỷ đồng, tăng 19,4%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,72%. Năm 2015, SHB chi trả cổ tức 7,5% bằng cổ phiếu.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2016, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 232.036 tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm trước. Vốn chủ sở hữu tăng 15,3%, lên 12.980 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.350 tỷ đồng, tăng 32,7% so với năm trước. Cổ tức dự kiến 8,5% vốn điều lệ.
Cũng trong năm nay, SHB dự kiến tăng vốn điều lệ lên 11.197 tỷ đồng (Bao gồm vốn điều lệ hiện tại : 9.485,9 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng thêm từ việc chia cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu: 711 tỷ đồng và vốn điều lệ tăng thêm từ việc sáp nhập Công ty Tài chính Vinaconex Viettel: 1.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, SHB có kế hoạch thành lập Công ty tài chính TNHH MTV Tiêu dùng SHB với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
SHB dự kiến sẽ thoái toàn bộ vốn khỏi CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHBS) hoặc bán, sáp nhập SHBS vào công ty chứng khoán khác.
Công ty SHBS tiền thân là CTCK Ngân hàng Nhà Hà nội (HBBS). Sau khi thực hiện thành công Giao dịch sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB) vào SHB, công ty trên được đổi tên thành SHBS với số vốn điều lệ là 150 tỷ đồng, trong đó SHB đang nắm giữ 98,47% vốn SHBS.
Theo SHB, với mức vốn điều lệ khá thấp nên SHBS có nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh, không thể mở rộng thêm các hoạt động nghiệp vụ... Trong khi đó SHB cũng không có chủ trương đầu tư thêm vốn vào SHBS vì thế quyết định tái cấu trúc công ty này bằng hình thức sáp nhập, giải thể, thoái vốn bằng hình thức chuyển nhượng cổ phần... nhằm đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng.
15h10': Thay mặt HĐQT, Ông Trần Ngọc Linh đọc tờ trình về việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT độc lập đối với ông Lê Quang Thung. Ông Thung đã có đơn từ nhiệm từ cuối năm 2015 vì lý do sức khỏe. Theo đó, Đại hội sẽ bầu bổ sung thành viên HĐQT độc lập cho nhiệm kỳ 2012-2017 thay thế là ông Võ Đức Tiến (sinh năm 1962).
15h22: Lãnh đạo ngân hàng đọc tờ trình về việc bổ sung nghiệp vụ giao dịch phái sinh hàng hóa, cấp tín dụng dưới hình thức bảo lãnh ngân hàng. Theo SHB, việc mở rộng thị trường phái sinh hàng hóa là hướng đi cần thiết phù hợp với định hướng kinh doanh của ngân hàng.
15h50: Đại hội chuyển sang phần thảo luận
Cổ đông: Năm 2015, ngân hàng chi trả cổ tức 7,5% bằng cổ phiếu thì đồng ý nhưng năm sau mà chi trả bằng cổ phiếu thì không đồng ý. Mức cổ tức năm 2016 kiến nghị HĐQT chi trả bằng tiền mặt, SHB đã tăng vốn điều lệ thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu qua nhiều năm rồi? Cứ nói không ăn còn để đấy nhưng để lâu lắm.
Việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu trong bối cảnh giá cổ phiếu SHB giảm mạnh như hiện tại khiến cổ đông rất thiệt thòi, đề nghị thành viên HĐQT nên mua vào để cứu giá cp, vì giá cp hiện xuống quá thấp.
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Nhiều người thích nhận tiền mặt, tiền tươi thóc thật thì vẫn thích hơn nhưng để phát triển bền vững hơn thì cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu giúp ngân hàng tăng vốn, tăng năng lực tài chính cho SHB, tạo ra nền tảng phát triển. Việc đưa quyết định mức cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt nên để ĐHĐCĐ thường niên năm sau quyết định.
Về việc mua vào cổ phiếu, nhiều khi tôi thấy giá cp quá hấp dẫn thực sự là tôi đã nuốt nước bọt. Nhưng tôi mà mua thì phải báo cáo, công bố, mà nhiều khi lại bị nói làm giá.
Cổ đông yên tâm giá trị SHB và hoạt động SHB bền vững, SHB là 1 trong số ít ngân hàng chia cổ tức cao hơn hoặc tương đương tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Với thế mạnh tiềm năng trong các năm tới, cổ phiếu chắc chắn sẽ lên.
Cổ đông: Đề nghị HĐQT nói rõ hơn kế hoạch về việc thoái vốn khỏi SHBS? Khi công ty tài chính được cấp phép đề nghị đưa vào hoạt động kinh doanh ngay.
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: SHBS được SHB nhận về khi thực hiện sáp nhập với Habubank, với vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Với mức vốn này, hoạt động của CTCK rất khó khăn trong khi SHB cũng không có định hướng tăng vốn. Do vậy, SHB đã đề xuất Đại hội phương án tái cấu trúc công ty này thông qua việc bán cổ phần hoặc sáp nhập, việc này sẽ được HĐQT SHB thực hiện ngay sau khi được ĐHĐCĐ thông qua.
Cổ đông: Lãnh đạo hãy xác nhận có chuyện SHBS có nhận sáp nhập với SHS hay không?
Chủ tịch SHB: Theo định hướng của NHNN, SHB đã thoái vốn tại CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS). Còn việc SHBS có sáp nhập vào SHS hay không thì đang được HĐQT cân nhắc. Chúng tôi cũng đang lựa chọn phương án tốt nhất.
Cổ đông: Đối với việc sáp nhập với VVF, khoản nợ xấu từ công ty tài chính này sẽ được SHB xử lý như thế nào?
Nợ xấu của VVF rất thấp, một số khoản nợ xấu của công ty tài chính này đã được giải trình tại ĐHĐCĐ SHB lần trước. Việc nhận sáp nhập với VVF do định hướng của SHB trong thời gian tới là lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt là đẩy mạnh mảng bán lẻ - tiêu dùng. Công ty này khi đi vào hoạt động sau sáp nhập sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của SHB.
Cổ đông: Áp dụng thông tư 36 có tác động thế nào đến chỉ số an toàn vốn của SHB? Tỷ lệ dùng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là bao nhiêu?
Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê: Hệ số an toàn vốn hiện tại của SHB là 11,4%, cao hơn mức quy định tối thiếu 9%.
Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 32,4%, nếu điều chỉnh thông tư 36 thì tỷ lệ của SHB vẫn đảm bảo tỷ lệ của NHNN và chủ trương của SHB năm 2016 là giảm dần tín dụng trung dài hạn và tăng tín dụng ngắn hạn.
Ngoài ra tỷ lệ về rủi ro tài sản dư nợ, cho vay dư nợ bất động sản đến cuối năm 2015 là 9.315 tỷ đồng chiếm 7,1% tổng dư nợ, các dự án BOT là 8.587 tỷ đồng chiếm hơn 96%, do vậy khi điều chỉnh các thông tư 36 tăng tỷ lệ an toàn vốn, cho vay dư nợ BĐS từ 150% lên 250% thì tỷ lệ dư nợ cho vay BĐS của SHB vẫn ở mức thấp nên không ảnh hưởng nhiều đến SHB.
Cổ đông: Tổng quỹ lương và phụ cấp tăng 36% trong năm 2015, trong khi nhân sự tuyển mới chỉ tăng 9%, điều này cho thấy lương cho nhân viên SHB tăng khoảng 26%. Vậy định hướng trong thời gian tới ngân hàng có tiếp tục tăng lương không và có biện pháp gì để kiểm soát chi phí hoạt động?
Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê: SHB trong năm 2015 đã mở rộng chi nhánh, thành lập ngân hàng con tại Lào, nhưng so với việc tốc độ tăng trưởng nhân sự tăng lên 9% so với mức tăng quỹ lương không chính xác vì còn nhiều nhân sự ra vào. Chủ trương của SHB lương trả trên cơ sở lợi nhuận đóng góp của người lao động với SHB, việc giao chỉ tiêu đến các phòng ban và cá nhân nhân viên trên toàn hệ thống (gọi là lương kinh doanh) trên cơ sở tổng quỹ lương được ĐHĐCĐ thông qua nhằm nâng cao năng suất lao động, đóng góp sự phát triển của SHB trong năm qua.
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển nói thêm: Nếu thu nhập nhân viên thấp hơn mặt bằng tài chính ngân hàng thì chúng ta có phát triển lâu dài hay không, đừng nghĩ nó tăng trong một thời điểm để đánh giá lợi nhuận không đạt, chúng ta phải có đợt tái cấu trúc.
Ngân hàng SHB đang ở top 5, tôi động viên nhân viên của tôi “SHB ở top 5 thì thu nhập của cán bộ nhân viên phải phù hợp với mặt bằng ngân hàng top 5, chúng ta phải cùng cổ gắng để đóng góp vào.”
Cổ đông: Năm 2016, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 33%, vậy động lực tăng trưởng đến từ đâu khi chỉ tiêu tín dụng chỉ tăng 20%?
Trong kế hoạch kinh doanh 2016, HĐQT đã có chủ trương rõ ràng yêu cầu Ban điều hành đưa ra giải pháp tăng tỷ lệ thu từ dịch vụ để vừa nâng lợi nhuận, vừa nâng độ an toàn trong hoạt động.
Ngoài ra, trong năm nay, chúng ta sẽ có lợi nhuận từ công ty tài chính bán lẻ tiêu dùng và lợi nhuận từ việc cấu trúc lại tài sản.
Cổ đông: Khu đất tại Lý Thường Kiệt với dự kiến xây dựng trụ sở SHB hiện được triển khai như thế nào?
UBND thành phố Hà Nội đã trình Thủ tướng về quy hoạch của khu đất tại Lý Thường Kiệt của SHB. Khu đất có diện tích 2.200 m2, 3 “mặt tiền” tại đường Lý Thường Kiệt, Hàng Bài và Vọng Đức đã trình Chính phủ phê duyệt với quy mô từ 13 – 15 tầng.
17h: Đại hội đã thông qua tờ trình miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT độc lập đối với ông Lê Quang Thung và thống nhất bầu cử ông Võ Đức Tiến đảm nhiệm chức vụ này.
17h35: Đại hội thông qua tất cả các tờ trình.
Trí Thức Trẻ