MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam để né tránh thuế quan khi căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, nhiều doanh nghiệp đã "trễ tàu"?

10-05-2019 - 11:51 AM | Tài chính quốc tế

Các chuyên gia chỉ ra những thách thức mà các doanh nghiệp đến sau sẽ đối mặt khi dời nhà máy sang Việt Nam, đó là: số lượng công ty ngày một đông, giá bất động sản tăng nhanh chóng và nhiều nhân công tay nghề chưa cao.

Theo SCMP, khi Ernie Koh mở nhà máy sản xuất đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1993, với mục đích sản xuất đồ nội thất, thì quốc gia Đông Nam Á này vẫn chưa lọt vào "tầm ngắm" của nhiều công ty. Thế nhưng, chỉ khoảng 20 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã di chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.

Đòi hỏi thù lao cao và các quy định về môi trường ngày càng được thắt chặt khiến trung tâm sản xuất ở tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc, không còn duy trì được mức nhân công rẻ như trước đây. Vậy nên, đối với nhiều công ty, Việt Nam được coi là một lựa chọn thay thế hợp lý. 

Thêm vào đó là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn trở nên căng thẳng hơn khi kế hoạch tăng thuế đối với 200 tỷ hàng hoá Trung Quốc từ 10% lên 25% của Mỹ sẽ được thực hiện vào ngày 10/5. Điều này khiến họ còn lo ngại hơn và muốn né tránh thuế quan càng sớm càng tốt.

Nhiều công ty có thể đã "chậm chân"

Ernie Koh, giám đốc điều hành của công ty sản xuất đồ nội thất của Singapore là Koda, đang quản lý các nhà máy tại Malaysia và Việt Nam. Dù "toàn tâm toàn ý" với các khoản đầu tư tại Việt Nam, nhưng hiện tại ông lo ngại rằng nhiều địa phương tại đây đang phải "chật vật" để đối mặt với số lượng lớn công ty đang tràn vào, rất nhiều trong số đó đang tìm cách chạy trốn khỏi thuế quan thương mại.

Koh cho hay: "Những toà nhà đang được xây dựng ở khắp mọi nơi. Đường phố trở nên đông đúc hơn, tình trạng kẹt xe cũng tồi tệ hơn. Cảnh tắc nghẽn giao thông có sự khác biệt lớn trong 2 năm qua. Giờ đây, chúng tôi phải đặt chỗ trên tàu từ trước 2 tuần. Chúng tôi chưa từng trải qua tình trạng này trước đây."

Di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam để né tránh thuế quan khi căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, nhiều doanh nghiệp đã trễ tàu? - Ảnh 1.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,7% trong năm ngoái và thu hút được rất nhiều công ty đa quốc gia đặt nhà máy tại đây. Những cái tên nổi bật có thể kể đến như Intel, Samsung và LG, các công ty này đều thực hiện những thương vụ đầu tư rất lớn.

Fred Burke, đối tác quản lý tại trụ sở Việt Nam của công ty luật Baker McKenzie, nhận thấy một loạt các nhà sản xuất ở Trung Quốc di chuyển đến Việt Nam từ trước khi chiến tranh thương mại diễn ra. Ông nói: "Tất cả các công ty đều đến. Một số nói rằng họ bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu của Mỹ lên hàng xuất khẩu Trung Quốc. Vì thế, họ bắt đầu sản xuất tất cả những loại hàng hoá bị tính thêm phí khi sản xuất tại Trung Quốc, như biển báo lối thoát hiểm khẩn cấp, dây cáp phanh,..."

"Làn sóng" di dời khỏi Trung Quốc của các công ty đã được dự báo từ trước là sẽ tiếp tục diễn ra, đặc biệt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp đưa những căng thẳng của cuộc chiến thương mại lên một nấc thang mới. Nhưng với chi phí lao động ngày một tăng, cảng và đường phố ngày càng đông đúc thì các chuyên gia cảnh báo rằng những công ty chưa di dời sản xuất có thể đã "lỡ tàu". 

Kong Xiangping, tổng giám đốc Ever Win Service Group chi nhánh TP.HCM, cho hay: "Năm ngoái, có một số nhà sản xuất cố gắng dời địa điểm đến Việt Nam để tránh những tác động của cuộc chiến thương mại. Giá đất khi đó là khoảng 60 USD/m2. Những công ty đó rút lại quyết định tới Việt Nam, bởi họ nghĩ rủi ro từ chiến tranh thương mại đã được giảm bớt. Chắc hẳn họ đang cảm thấy hối hận. Bởi giá đất hiện tại đã tăng vọt, lên 100 USD vào năm nay."

Những hạn chế các doanh nghiệp phải đối mặt ở Việt Nam

Tuy nhiên, trong khi các trung tâm công nghiệp chính của Trung Quốc nổi tiếng với chất lượng sản xuất cao và cơ sở hạ tầng thuộc "top đầu", thì Việt Nam lại là địa điểm vẫn còn nhiều điểm yếu cần khắc phục.

Burke nhận định: "Nhân công Việt Nam chưa được đào tạo đến trình độ như Trung Quốc. Trung Quốc có cơ sở hạ tầng rất tốt và rất nhiều người cho rằng những điều kiện di chuyển thuận lợi như đường cao tốc 4 làn, tàu siêu tốc là điểu hiển nhiên. Nhưng Việt Nam mới ở giai đoạn xây dựng những cơ sở vật chất đó. Phải đến năm tới hoặc 2 năm nữa thì tuyến tàu điện ngầm đầu tiên mới chính thức đi vào hoạt động."

Hơn nữa, diện tích nhỏ nên Việt Nam không thể đón nhận lượng công nhân nhập cư lớn như Quảng Đông. Điều này có nghĩa là các công ty đã đặt nhà máy tại Việt Nam đã chọn được đội ngũ nhân công lành nghề, ghi nhận mức doanh thu cao và thu hút được nhiều nhân tài, khiến nhiều công ty đến sau phải lo ngại.

Di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam để né tránh thuế quan khi căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, nhiều doanh nghiệp đã trễ tàu? - Ảnh 2.

Hơn nữa, các công ty này cũng gặp trở ngại khi tuyển dụng những nhân sự biết tiếng Trung Quốc, đặc biệt là ở các trung tâm công nghiệp lớn như TP.HCM.

Zhang Diansheng, tổng giám đốc Hang Sinh Consultant Company trụ sở TP.HCM, cho biết: "Các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc đã gia tăng đầu tư vào Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng lại thiếu những nhân sự biết tiếng Trung Quốc. Việc tuyển dụng công nhân quanh khu vực TP.HCM trở nên khó khăn hơn. Các nhà máy thậm chí còn "đấu đá" nhau để tuyển dụng. Tìm nhận sự ở các khu vực vùng sâu vùng xa có thể dễ dàng, nhưng ở những thành phố chưa phát triển thì công nhân lại có tay nghề chưa cao."

Bởi những hạn chế này, một số công ty "đến trễ" lại nhắm đến những địa điểm khác tại Đông Nam Á, dù cơ sở hạ tầng chưa được như Việt Nam, ví dụ như Malaysia và Batam của Indonesia.

Hương Giang

SCMP

Trở lên trên