ể chuẩn bị cho hai con - đứa lớn sắp vào tiểu học, đứa nhỏ bắt đầu đi học mẫu giáo, tôi nâng lên đặt xuống nhiều cái tên trường liên cấp (từ mầm non đến bậc trung học phổ thông) với mục đích tiện đưa đón các con và có thể hưởng chính sách ưu đãi của trường dành cho các phụ huynh có hai con cùng theo học tại trường. Từng đọc vô số các bài báo giới thiệu về trường học tại Nhật Bản và cũng vô cùng tâm đắc với triết lý giáo dục trẻ em của Nhật, tôi mang theo những ao ước về "trường học tiêu chuẩn Nhật" khi đến tìm hiểu về trường Quốc tế Nhật Bản - JIS.
Trường Quốc tế Nhật Bản - JIS
Khoảng cách từ nhà đến trường không quá xa, chỉ khoảng gần 6 km nhưng tôi mất khá nhiều thời gian để di chuyển vào khung giờ "nhà nhà đưa con đi học, đi làm" do tuyến đường từ Lê Văn Lương đến Tố Hữu, Vạn Phúc, Hà Đông - là địa điểm của trường, khá đông đúc. Cảm giác uể oải trước viễn cảnh hàng sáng đưa con đi học thoáng qua rất nhanh, vì tôi nghĩ có thể lựa chọn phương án đi xe tuyến của trường.
Khi đọc trước thông tin về trường, tôi rất ấn tượng với mô hình kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là việc tối ưu không gian xanh cho học sinh của trường. Vì thế, cảm giác đầu tiên của tôi khi bước chân vào trường là… hơi thất vọng. Do mới xây dựng nên các khoảng không gian xanh trên mặt bằng diện tích của trường còn khá ít, nếu mùa hè thì hầu như khu vực sân chơi sẽ chưa có bóng cây xanh mát che phủ cho lũ trẻ vui chơi vận động. Hôm tôi đến thăm, nhà trường đang cho thi công một bức tường cây leo phía mặt đường Tố Hữu, tuy nhiên, dự kiến phải mất hàng năm, bức tường này mới xanh mát như mong muốn của trường.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những gì tôi nhìn thấy. Không gian xanh thực sự ấn tượng của trường chính là khu vườn rộng khoảng 2.000m2 bao phủ trên toàn bộ tầng thượng của tòa nhà khối mầm non và tiểu học. Ở đây có đủ mọi chủng loại rau xanh, củ quả đang vào mùa, cả các giống rau đặc trưng của Nhật. Được biết, khu vườn này được thiết kế, chăm sóc và giám sát theo những tiêu chuẩn cao nhất về an toàn của Nhật. Đây cũng là nguồn cung cấp rau xanh sạch cho toàn bộ học sinh và cán bộ nhân viên của trường; cũng là không gian tuyệt vời để các bạn nhỏ trải nghiệm, quan sát, tìm hiểu về cây cối.
Hi vọng rằng, với sự chăm sóc tỉ mỉ và hiện đại như vậy, các không gian xanh khác ở sân trường, xung quanh trường cũng sẽ tỏa mát sau một vài năm nữa.
Một điều khác biệt khá rõ nữa so với các trường học mà tôi đã thăm quan là trường Quốc tế Nhật Bản có vẻ "bề ngoài" khá đơn điệu với màu trắng - xám phủ khắp các tòa nhà chứ không được trang hoàng cờ hoa, sơn màu rực rỡ. Đem thắc mắc này hỏi thầy Sasano Hitoshi, Phó hiệu trưởng kiêm Phụ trách khối Giáo dục của trường, thầy đã trả lời tôi một cách vô cùng thuyết phục, đại ý rằng: Tiêu chuẩn đầu tiên của các trường học Nhật Bản đó là an toàn và sạch sẽ, mọi không gian trong trường đều được tính toán tỉ mỉ để đảm bảo sự an toàn và tiện lợi cho học sinh, giáo viên. Đặc biệt, việc sử dụng màu sơn trắng - xám sẽ giúp học sinh dễ dàng nhìn ra những vị trí bị bẩn, từ đó học cách giữ gìn vệ sinh lớp trường.
Sau một vòng đi thăm quan, tôi cũng nhận ra rằng, sự sạch sẽ và ngăn nắp được nhà trường vô cùng chú trọng. Các bồn rửa tay được bố trí dọc hành lang lớp học, khu vực nhà ăn… ở vị trí vừa tầm với học sinh từng cấp học, luôn có nước rửa tay và khăn lau tay sẵn sàng. Nhà vệ sinh trong các lớp học cũng được thiết kế vô cùng hợp lý và sạch sẽ với các khu vệ sinh nam - nữ phân chia riêng cho từng lớp học. Những tờ hướng dẫn học sinh mầm non vệ sinh đúng cách được thiết kế sinh động và đặt ở các vị trí thuận lợi cho học sinh nhất có thể.
Tôi cảm thấy vô cùng thích thú khi lần đầu tiên được quan sát một cô giáo người Nhật dạy trẻ mầm non. Điều tôi cảm nhận được rõ nhất là năng lượng của các cô với công việc vô cùng dồi dào, cử chỉ nhanh nhẹn, dứt khoát và đặc biệt gần gũi. Nhìn cách các cô kiên nhẫn với từng học sinh cũng như truyền cảm hứng cho lũ trẻ bằng sự đáng yêu, thu hút của mình, tôi hoàn toàn bị thuyết phục rằng, mọi học sinh của các cô đều sẽ vô cùng vui vẻ và hạnh phúc mỗi ngày đến trường. Hiện nay, tất cả các lớp học đều có thầy cô giáo Nhật phụ trách.
Mọi trang thiết bị trong các lớp học, các học cụ của học sinh đều đạt tiêu chuẩn Nhật khắt khe hay các phòng chức năng được bố trí và thiết kế chuẩn mô hình trường học Nhật (như phòng khâu vá, phòng thư pháp), nhiều học liệu cũng như đồ dùng của học sinh đều là hàng nhập từ Nhật, cùng với chế độ dinh dưỡng kiểu Nhật được kiểm soát chặt chẽ… khiến những bà mẹ vốn đã hâm mộ tinh thần Nhật như tôi cảm thấy vô cùng yên tâm.
Trong số tất cả các hạng mục cơ sở vật chất của trường, tôi hào hứng hơn cả với khu nhà thể chất. Tất cả các hạng mục thể chất (ngoài một sân bóng mini và sân tennis ngoài trời) đều được thiết kế hiện đại trong khu nhà thể chất. Khi thăm quan bể bơi, tôi không chú ý lắm tới phần giới thiệu đây là bể bơi nước nóng với công nghệ xử lý nước của Mỹ bằng muối và không có hoá chất, nhưng rất thích cách trường thiết kế khu vực thay đồ và tắm tráng khép kín một vòng cực kì riêng tư và an toàn cho học sinh. Bể bơi cũng được phân chia thành hai khu riêng biệt cho học sinh mầm non, tiểu học và học sinh các khối lớp lớn hơn.
Nhà trường hiện có hai chương trình giảng dạy là Quốc tế (học bằng tiếng Nhật, Việt, Anh) và Song ngữ (học bằng tiếng Anh, Việt). Đặc biệt các môn Toán, Đạo đức và Khoa học sẽ được giảng dạy theo chương trình tiêu chuẩn của Nhật Bản bằng sách giáo khoa (SGK) được biên soạn riêng cho trường với điểm nhấn là sự nhân văn và mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh.
Đi cùng với những giá trị Nhật về chương trình là mức học phí cũng khá cao từ 9 đến 15 triệu đồng/ tháng (tương ứng với hệ Song ngữ và hệ Quốc tế) đối với bậc mầm non và 22 - 23 triệu đồng/ tháng đối với bậc tiểu học và trung học cơ sở. Đặc biệt là khoản phí nhập học 25 triệu đồng cho suốt thời gian học ở trường nộp sau khi nhận được Thư mời nhập học là khoản khá "chát" và hơi "lạ" so với các trường khác.
Khoản học phí khá "nặng đô" nếu phải lo cho cả hai con khiến tôi hơi "chùn" bước, nhưng khi tìm hiểu kĩ về chương trình học và phương pháp giảng dạy của trường thì tôi thấy rằng, đó là một khoản đầu tư xứng đáng. Ví dụ, trong số các môn học được học hoàn toàn bằng SGK và chương trình tiêu chuẩn của bộ Khoa học giáo dục Nhật Bản như Toán, Đạo đức, Khoa học thì mỗi môn lại có một điểm đặc sắc riêng. Cách dạy Toán ở Nhật Bản là giúp học sinh tăng cường suy nghĩ một cách logic để phát triển trí tuệ, chứ không đơn thuần là dạy cách tìm ra kết quả nhanh nhất một cách máy móc. Học sinh được học từ trực quan sinh động, thực tế cuộc sống, rồi mới dẫn dắt đến lý thuyết và sau đó là thực hành (làm thủ công).
Chương trình Toán của Nhật Bản được xây dựng sớm hơn theo chiều rộng, được lặp đi lặp lại theo từng lớp và cấp học với sự tiếp nối và chiều sâu kiến thức tăng dần giúp học sinh dễ nhớ, nhớ lâu và hiểu biết sâu rộng hơn sau mỗi bài học. Ngoài ra, những bài toán thực tế, bài tập thủ công giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn vấn đề. Đặc biệt "Góc sổ tay toán học" trong SGK ở từng lớp rèn cho học sinh có cách học, nếp học chủ động, phương pháp ghi nhớ, so sánh, diễn đạt… được hình thành từ sớm.
Hay như chương trình Đạo đức của Nhật, học sinh sẽ tự cảm nhận về chủ đề mình đang học, từ đó có thái độ và cách đối xử đúng đắn với đối tượng giao tiếp. Các con sẽ được học về Đạo đức từ những điều rất nhỏ, như cách cư xử đúng mực với mọi người, cách chào hỏi, cách dùng từ ngữ, cách ăn cơm, cách pha trà theo truyền thống, học cảm ơn bằng một số ngôn ngữ khác nhau trên thế giới đến những điều thực sự có ý nghĩa với bản thân các em như sự khiêm nhường, giữ gìn truyền thống, hứng thú đối với học tập và công việc, sự an toàn, tiết kiệm năng lượng và về gia đình.
Với bộ SGK xuyên suốt các cấp học, mỗi độ tuổi khác nhau các con được học và thực hành với mức độ khác nhau để hình thành các đức tính cần thiết cho bất cứ công việc nào các em có thể làm như: Giữ đúng cam kết, cảm nhận sự tuyệt vời khi làm việc, làm đến cùng việc mình đã làm và hiểu được tầm quan trọng của công việc mình và mọi người đang làm.
Một điểm nữa cũng khiến tôi cảm thấy khoản học phí xứng đáng hơn, đó là môi trường đa ngôn ngữ mà con có thể tiếp cận từ nhỏ. Khối Mầm non, các con sẽ được học tiếng Nhật song song như tiếng mẹ đẻ cùng với thời lượng học tiếng Anh với giáo viên Anh - Mỹ khá lớn. Tiếp lên đến khối học phổ thông thì tùy theo khối lớp các con sẽ được học tiếng dần dần để có thể học hoàn toàn bằng tiếng Nhật trong các lớp kế tiếp.
Đặc biệt, khi học đến bậc Trung học Phổ thông, Nhà trường còn tạo cơ hội để học sinh để quyết định theo một trong hai lựa chọn là học chuyển tiếp sang các trường kết nghĩa tại Nhật như trường trung học Ikuei Sendai Gakuen ở Sendai, trường THPT Yachiyo Shoin ở Chiba, trường trung học Quốc tế Gyosei ở Kisarazu… đều là những trường có uy tín lâu đời ở Nhật; hoặc có thể học hết THPT ở Việt Nam, dựa trên thành tích học tập trường sẽ tiến cử sang học ở Đại học Chuo. Các chương trình giáo dục Việt Nam cơ bản cũng được đảm bảo để học sinh có thể chuyển ngang sang hệ thống trường phổ thông của Việt Nam trong quá trình học.
Có một chia sẻ của thầy Hiệu phó Sasano Hitoshi khiến tôi nhớ mãi, đó là thầy mong muốn, những điều các học sinh được thụ hưởng, được truyền dạy, được chăm sóc ở trường sẽ giúp các em tìm được hạnh phúc của chính bản thân mình. Trước khi trở thành một ai đó thành công, có những cống hiến cho đất nước và nhân loại thì các em sẽ trở thành một người hạnh phúc, được sống với đam mê của mình và được sống trong yêu thương.
Tôi cảm nhận được niềm mong ước đó qua ánh mắt giản dị và tận tụy của thầy Hiệu phó, khi thầy đứng ở một góc nhà ăn quan sát các học trò của mình tận hưởng bữa trưa, bữa ăn có những món rau củ tươi ngon được chế biến từ chính khu vườn của nhà trường, có những ánh mắt chăm chú dõi theo cô giáo khi được cô hướng dẫn học về các thành phần dinh dưỡng của bữa ăn hôm đó - một bài học dinh dưỡng trực quan và sinh động, có những tiếng mời cơm thầy cô và bạn bè đầy biết ơn, có những bạn nhỏ hào hứng, cẩn thận với vai trò "người chia cơm" của mình…
Dù vẫn còn ngổn ngang nhiều nỗi băn khoăn trong lòng, nhưng cảm giác yêu mến và tin tưởng đến từ những điều nhỏ bé và giản dị tôi bắt gặp sau gần một ngày đến thăm trường khiến tôi thêm quyết tâm. Dù sẽ còn phải tính toán về quãng đường đi học, sẽ còn phải nâng lên đặt xuống khoản học phí "nặng đô"… nhưng chắc chắn rằng, tôi sẽ đưa hai em bé của mình đến thăm quan trường một lần nữa, để xem chúng thích thú như thế nào khi khám phá khu vườn xanh ngút mắt với những quả su su lúc lỉu trên giàn hay những khóm bí ngồi xum xuê quả mà chúng chưa từng nhìn thấy bao giờ; để xem chúng phấn khích ra sao với những bài vận động trên nền nhạc đáng yêu và tò mò thế nào khi được nghe cô giáo đọc Ehon cho nghe bằng tiếng Nhật rồi nói "Cảm ơn các em" bằng tiếng Việt… Dù sao thì, chỉ sự lựa chọn và niềm vui của các con mới là quyết định cuối cùng của bố mẹ!
Trí thức trẻ