"Đi thi Olympia bị 0 điểm chẳng phải là vấn đề gì quá quan trọng!"
Nhiều người, trong đó có những du học sinh giành được học bổng danh giá đang học tập ở nước ngoài và cả những người đã về nước thành công đều cho rằng việc bị 0 điểm trong cuộc thi Olympia chẳng phải là vấn đề gì quá quan trọng.
Ngày 11/2, cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 18 (tuần 3, tháng 3, quý II) đã khép lại với màn tranh tài của 4 thí sinh, chiến thắng thuộc về thí sinh Nguyễn Đăng Tuấn Anh (THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội). Thí sinh Nguyễn Thanh Lịch đến từ THPT Phan Văn Hòa, Vĩnh Long ra về với 0 điểm sau 4 vòng thi.
Sự việc này đã gây ra sự tranh cãi nảy lửa trong cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra nhưng hầu hết đều cho rằng việc thí sinh Thanh Lịch ra về trắng tay trong cuộc thi không phản ánh được điều gì về năng lực, khả năng hay tương lai sau này của bạn ấy.
Thí sinh Nguyễn Thanh Lịch.
Đi thi bị 0 điểm là điều quá bình thường
Việc thí sinh Thanh Lịch bị 0 điểm trong cuộc thi Olympia - theo nhiều người trẻ, đây là điều hết sức bình thường. Nhất là với một cuộc thi đánh giá kiến thức tổng quát như Olympia, việc nắm rõ tất cả các môn học, am hiểu nhiều lĩnh vực không phải là một điều dễ dàng. Chưa kể, với nhiều người, điểm số không phải là cái có thể đánh giá thực lực hay tương lai của bất cứ ai.
Anh Lê Tâm Khôi, cựu du học sinh Việt tại Anh và tốt nghiệp thạc sĩ ở 3 quốc gia Italy, Pháp, Đức và Tây Ban Nha, hiện đang là giám đốc phát triển chương trình của 1 tập đoàn giáo dục cho biết: "Theo mình, số điểm số không nói lên điều gì cả, nếu bị 0 điểm thì chỉ có thể nói rằng bạn đó không phù hợp với cuộc thi này thôi.
Chuyện điểm kém hay thi rớt môn trong lúc còn đi học là chuyện quá bình thường. Có thể do đó không phải là thế mạnh của mình, mình chỉ cần tập trung vào các môn học khác mà mình giỏi, mình yêu thích thôi. Thi rớt hay bị 0 điểm không ảnh hưởng gì đến tương lai sau này cả."
Cựu du học sinh Lê Tâm Khôi.
Đoàn Thị Minh Phượng, Thạc sĩ Quản trị Công trường Đại học Indiana và Trưởng ban Đối ngoại Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng: "Mình nghĩ đây chắc là một "tai nạn" của thí sinh đi thi. Mình không đánh giá bất cứ ai chỉ qua một kì thi, nhất là chưa hiểu nguyên nhân thật sự đằng sau.
Em ấy còn bé nên hãy cho em ấy một cơ hội. Nếu thật sự em ấy không có khả năng mà vẫn được cho đi thi thì mình nghĩ nên trách người lớn nhiều hơn vì vô tình đẩy em ấy vào những việc ngoài ý muốn."
4 thí sinh trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 18 (tuần 3, tháng 3, quý II).
Nguyễn Chí Long, người từng giành học bổng Tiến sĩ toàn phần của chính phủ Nhật tại ĐH Y Tohoku - một trong những ngôi trường danh giá nhất về đào tạo ngành Y tại đất nước này cho biết: "Các cuộc thi chỉ là sân chơi để trải nghiệm và va chạm, đôi khi cũng có nhiều yếu tố may rủi, yếu tố tinh thần kết hợp, đặc biệt với những cuộc thi yêu cầu kiến thức rộng, bản lĩnh với những áp lực lớn như đường lên đỉnh Olympia. Xác xuất không biết câu nào nhỏ nhưng không thể không có xảy ra. Điểm số chỉ đánh giá phần nào chứ không nói lên tất cả cũng như quyết định tương lai sẽ như thế nào. Chắc hẳn ai cũng có lần bị điểm 0 và nó không phải là điều quá lạ. Tuy nhiên, 0 điểm trên truyền hình đôi khi sẽ không hay ho cho lắm so với việc nhận được điểm 0 trên lớp. Đó cũng là một kỉ niệm vui, nhớ đời, và là động lực cố gắng của mình sau này."
Điểm số không quyết định tương lai của một con người
Trên thế giới đã có rất nhiều trường hợp các tỷ phú hàng đầu không học đại học hay bị trượt đại học nhiều lần. Nếu thời đi học bị điểm kém, không may mắn thi trượt đại học hoặc bắt buộc phải bỏ học vì một lý do nào đó, cũng không nên quá thất vọng vì đó chưa phải là dấu chấm hết. Khả năng của một con người được đánh giá qua nhiều yếu tố.
Những người có kết quả học tập không tốt tất nhiên sẽ gặp bất lợi về mặt bằng cấp hay đôi chút về kiến thức so với những người học giỏi, thế nhưng khi xét về khía cạnh thành công thì đó không phải là tất cả. Thành công hay không trong cuộc sống phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh cọ sát thực tế, thái độ làm việc và cả may mắn.
Nguyễn Thúy Quỳnh, nữ sinh 17 tuổi ở Nam Định giành học bổng du học tại Texas, Mỹ trị giá 4 tỷ đồng chia sẻ: "Mình nghĩ bạn ấy được chọn để đại diện cho trường tham gia cuộc thi chắc hẳn bạn ấy cũng có một nền tảng kiến thức rất chắc chắn. Cái bạn ấy thiếu có lẽ là một chút may mắn và sự bình tĩnh, cẩn thận. Chưa có ai thành công mà chưa từng nếm trải thất bại. Nên mình tin là phần thi này sẽ là một bước đệm để bạn ấy có được những kinh nghiệm, bài học hữu ích trong cuộc sống và đạt được thành công trong tương lai."
Nguyễn Nhật Huy (sinh năm 1989 quê Bắc Ninh), cựu du học sinh tại Mỹ, là người Việt vinh dự nhận được thư của cựu tổng thống Obama, đang làm nghề Kiến trúc sư tại Fort Wayne, Indiana, Mỹ đưa ra quan điểm của bản thân: "Việc bị 0 điểm này không có gì quá quan trọng, mọi người không nên làm ầm lên, trách móc, phán xét em ấy. Bị điểm 0, trượt 1 kỳ thi không hề ảnh hưởng đến tương lai sau này của một ai đó. Khả năng và năng lực thật sự mới là điều quan trọng. Một cuộc thi không đánh giá được bản lĩnh, khả năng của ai cả."
Trần Xuân Anh, du học sinh tại University Of Sunderland, Anh cho rằng: "Theo quan điểm của mình thất bại trong thi cử là chuyện bình thường. Bạn ý có thể giỏi nhưng tâm lí không vững, có thể do run. Cái gì cũng có lí do của nó, đã được chọn thi Olympia đã là một quá trình dài, bạn ấy phải là người có khả năng thực sự."
Sinh viên Tạ Văn Thành.
Bạn Tạ Văn Thành, sinh viên trường ĐH Khoa học tự nhiên cho biết: "Mình nghĩ bạn ấy chỉ thiếu may mắn. Yếu tố may mắn trong một kỳ thi là điều khá quan trọng, Sau cuộc thi này bạn ấy sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm hữu ích cho tương lai."
Ai cũng từng bị điểm kém, dù thi trượt hay thất bại, đó cũng chỉ là một dấu mốc, biết đứng lên, cố gắng làm lại mới là điều quan trọng
Chúng ta ai cũng sẽ nếm trải cảm giác thất bại ít nhất một lần, thất bại không phải là từ bỏ mà để đứng lên đi tiếp, nếm trải mọi cay đắng và khi đó thành công sẽ trở nên quý giá hơn. Mỗi lần vấp ngã là một bài học lớn cho mỗi chúng ta. Bản lĩnh của một người sau khi thất bại là đối mặt với nó và đứng lên làm lại.
Tiến Chương (1991), cựu sinh viên đại học Ngoại thương Việt Nam, ứng viên duy nhất trong 12 nghiên cứu sinh ẵm trọn học bổng nghiên cứu sinh toàn phần của đại học Queen Mary, Anh quốc năm 2016 chia sẻ: "Đây là 1 bài học lớn, mọi người nên thông cảm cho bạn ấy, hi vọng bạn ấy vượt qua được thất bại lần này để đứng lên và làm lại. Có thể tâm lý lúc lên trường quay làm mất tập trung khiến bạn ấy lúng túng. Nhưng dù sao đây cũng chỉ là 1 cuộc thi, sẽ còn nhiều cơ hội cho bạn ấy thứ sức lần nữa. Tương lai ở phía trước, sự việc này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến con đường đi sau này."
Sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nguyễn Mai Thương.
Nguyễn Mai Thương, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tâm sự: "Mình rất may mắn là đã có cơ hội trải qua khá nhiều kỳ thi trong quãng thời gian đi học. Và cũng trượt rất nhiều lần. Mình nghĩ là chuyện trượt hay tệ hơn là bị 0 điểm thì nó cũng không có gì quá là nặng nề. Vì mỗi cuộc thi được mở ra để lựa chọn học sinh giỏi là một chuyện, nhưng cũng có thể nghĩ theo hướng khác là một cơ hội để học sinh cọ xát, có những trải nghiệm hay ho và biết được bản thân mình đang đến đâu.
Về việc bạn học sinh kia bị 0 điểm trong Đường lên đỉnh Olympia mình thấy khá bình thường, dù hơi bất ngờ. Dù sao thì đây cũng chỉ là một cuộc chơi mà thôi. Tuy nhiên, mình lại có sự quan ngại về việc nhà trường chọn học sinh đi thi. Liệu có sự sàng lọc chặt chẽ không và có đảm bảo về chất lượng cũng như tầm kiến thức năng lực của học sinh không và ai sẽ quản lý những chuyện đó, mình nghĩ đó là những vấn đề mà chúng ta phải lưu tâm hơn.
Đây chỉ là kì thi đánh giá năng lực học sinh nên mình cảm thấy không có gì quá to tát. Điểm số không nói lên được hoàn toàn điều gì cả. Vấn đề là trong tương lai, mình làm được việc gì và thành công ra sao mà thôi."
Helino