Đi tìm lý do cổ phiếu của "cô gái đẹp" Vinamilk giảm giá
Theo nhận định của một CTCK thì thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã bán ra VNM để đầu tư vào các cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng khác mới niêm yết như QNS và SAB.
- 19-12-2016Tỷ giá giảm do thương vụ 500 triệu USD đấu giá cổ phần VNM?
- 19-12-2016Không bán được VNM như đăng ký, Công ty Đầu tư SCIC bèn đăng ký mua thêm
- 12-12-2016Nhóm F&N đã mua hơn 78 triệu cổ phiếu VNM với giá 144.000 đồng/cp
Tại Việt Nam, Vinamilk (VNM) được đánh giá là một trong số ít những doanh nghiệp đủ tầm vươn ra khu vực. Với hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định, doanh thu hàng năm lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, không khó hiểu khi Vinamilk luôn nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường.
Trong những tháng cuối năm 2016, SCIC bắt đầu thực hiện thoái vốn khỏi Vinamilk với bước đầu là đấu giá công khai 9% cổ phần. Thông tin này khiến giới đầu tư trong nước kỳ vọng cổ phiếu VNM sẽ tăng mạnh.
Tuy vậy, thực tế diễn ra hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng của giới đầu tư khi cổ phiếu VNM đã điều chỉnh khá sâu trước áp lực bán ròng của khối ngoại. Tính từ mức đỉnh 156.000 đồng được thiết lập vào cuối tháng 8 tới nay, cổ phiếu VNM đã giảm khoảng 20%.
Đợt đấu giá 9% cổ phần VNM do SCIC nắm giữ mới đây dù là "deal" lớn nhất Đông Nam Á năm 2016 nhưng cũng không như mong đợi ban đầu của nhà đầu tư khi chỉ có 2 nhà đầu tư thuộc nhóm cổ đông F&N tham gia. Tổng khối lượng đặt mua của nhóm nhà đầu tư này chỉ là 5,4% cổ phần VNM, tương ứng 60% lượng đấu giá đợt 1 của SCIC.
Nhiều ý kiến cho rằng phiên đấu giá Vinamilk không như mong đợi bởi SCIC không thực hiện bán trọn lô mà chia nhỏ để bán, dẫn tới khó thu hút sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược. Tất nhiên, đây là một lý do để giải thích, nhưng có vẻ là chưa đủ để lý giải.
VNM giảm mạnh kể từ khi lên đỉnh vào cuối tháng 8
Doanh thu có thể tăng trưởng mạnh thời gian tới nhưng lợi nhuận có thể chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu sữa
Nhìn lại giai đoạn những năm 2012- 2014, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk chỉ đạt quanh ngưỡng 35%. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 2015 đến nay, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk đã tăng vọt lên trên 40%.
Hiện tại, Vinamilk đang nhập khẩu khoảng 70% nguyên liệu sữa bột đầu vào từ New Zealand, Úc, Mỹ và Châu Âu. Trong khi đó, giá sữa bột thế giới bất ngờ giảm mạnh từ cuối năm 2014 và điều này là nguyên nhân giúp biên lợi nhuận gộp Vinamilk được cải thiện đáng kể.
Tuy vậy, theo nhận định của một số công ty chứng khoán, trong thời gian gần đây, giá sữa bột đã hồi phục trở lại và điều này sẽ khiến Vinamilk khó lòng đạt được biên lợi nhuận ấn tượng như trong năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016.
Dù kết quả kinh doanh ước tính quý 4 cho thấy, Vinamilk tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí, lợi nhuận vượt 13% kế hoạch mà đại hội cổ đông giao phó nhưng nhà đầu tư vẫn khá e ngại vấn đề nguyên liệu sữa tăng giá ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh tới đây của "cô gái đẹp" Vinamilk.
Biên lợi nhuận gộp Vinamilk từ năm 2015 tăng đáng kể nhờ giá sữa bột giảm
Với hàng loạt kế hoạch ra sản phẩm mới, nhất là sản phẩm Organic và cách thức phân phối mới, dự báo của các CTCK cho rằng doanh thu Vinamilk nhiều khả năng vẫn sẽ tăng trưởng mạnh trong năm tới. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận sẽ ở mức vừa phải do giá sữa nguyên liệu tăng trong khi công ty không thể chuyển 100% chi phí gia tăng sang người tiêu dùng.
Giá nguyên liệu sữa bột dần hồi phục trong năm 2016
Giá cổ phiếu VNM bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện của nhiều cổ phiếu FMCG mới
Với dân số đông thứ 3 khu vực Đông Nam Á và gần 70% trong độ tuổi lao động, Việt Nam được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Trước đây, số lượng doanh nghiệp FMCG giao dịch trên sàn chứng khoán là không nhiều và chỉ có Vinamilk, Kido là những gương mặt đáng chú ý. Do đó, giới đầu tư cũng không có nhiều cơ hội giải ngân vào nhóm ngành này.
Tuy vậy, mọi chuyện đang dần thay đổi khi một loạt tên tuổi lớn thuộc lĩnh vực FMCG đã và sắp lên sàn như Sabeco, Habeco, Đường Quảng Ngãi, Masan Consumer, Vocarimex, Vissan… Điều này sẽ giúp giới đầu tư có nhiều lựa chọn hơn, thay vì chỉ có VNM, KDC như trước.
Theo nhận định của một CTCK thì thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã bán ra VNM để đầu tư vào các cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng khác mới niêm yết như QNS và SAB. Và thậm chí dù các giao dịch mua vào ở các cổ phiếu tiêu dùng khác vẫn chưa xuất hiện thì có vẻ như nhà đầu tư đang tích lũy tiền mặt cho các giao dịch này. Việc tích lũy tiền cho các cơ hội mới lạ có thể là một trong những nguyên nhân lớn khiến cổ phiếu VNM giảm thời gian gần đây.
Trí Thức Trẻ