MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đi xin việc hơn thua nhau ở THÁI ĐỘ, không chỉ trong buổi phỏng vấn mà còn cách thể hiện sự cảm ơn vào thời điểm quan trọng này

14-12-2020 - 16:36 PM | Sống

Đi xin việc hơn thua nhau ở THÁI ĐỘ, không chỉ trong buổi phỏng vấn mà còn cách thể hiện sự cảm ơn vào thời điểm quan trọng này

Các nhà tuyển dụng không chỉ nhìn vào kỹ năng, kinh nghiệm mà đang có sự quan tâm đến thái đó của ứng tuyển viên. Một trong những thứ giúp bạn thể hiện rõ nhất là thư cảm ơn sau buổi phỏng vấn, nhưng viết thư cũng cần có những chiến lược và quy tắc cụ thể.

Theo dữ liệu thông tin mới nhất từ TopResume, thể hiện sự kính trọng, cảm ơn người tuyển dụng sẽ mang lại cơ hội cao hơn khi đi xin việc. 

Sau khi khảo sát hơn 300 người quản lý, tuyển dụng, chuyên gia quản trị nhân sự, TopResume đã kết luận rằng kể từ sau tháng 3 – thời điểm dịch Covid bùng nổ, những người nắm trong tay quyền lựa chọn quan tâm nhiều hơn đến thái độ của ứng viên, cụ thể là cách những người này viết thư cảm ơn sau buổi phỏng vấn.

Phần đông các nhà tuyển dụng đồng ý rằng lời cảm ơn đóng vai trò rất quan trọng (68%), 1/5 đứng trung lập trong chủ đề này, và chỉ 12% không đồng tình.

Dưới đây là những chiến lược rất hữu ích sẽ giúp bạn viết một lời cảm ơn đúng trọng tâm và thể hiện năng lực của bản thân:

Chuẩn bị từ lúc phỏng vấn

Nhớ những nội dung quan trọng trong lúc phỏng vấn sẽ giúp bạn có nhiều điều để nói và đánh đúng trọng tâm điều họ quan tâm. Khi về nhà và bắt đầu viết lời cảm ơn, bạn cần trả lời được những câu hỏi như:

- Bạn biết gì về người tuyển dụng trong lúc trò chuyện để hiểu đối phương/ công ty? Hẫy tìm những điểm chung giữa hai người: trường học, quê quán, triết lý làm việc hay sở thích của bản thân.

- Bạn có những bằng cấp hay chứng chỉ nào nào khiến người tuyển dụng hứng thú?

- Người phỏng vấn có đặt câu hỏi hay có vấn đề với những thông tin gì trong hồ sơ xin việc của bạn? Cần giải thích rõ lại về kỹ năng, kinh nghiệm đó.

Hãy nhớ xác nhận email cá nhân của người tuyển dụng cũng như viết đúng tên của họ.

Quy tắc 24h

Dĩ nhiên thời đại hiện nay, hiếm ai sẽ viết thư tay và gửi đường bưu điện. Nếu có thì thật đáng trân trọng nhưng thời gian mỗi người là có hạn, do vậy cần gửi lời cảm ơn ngay sau đó để họ nhớ về bạn, nên viết một email là tiện lợi hơn cả. 

Hãy nhớ phải gửi email cảm ơn sau 24h kể từ lúc kết thúc buổi phỏng vấn.

Đi xin việc hơn thua nhau ở THÁI ĐỘ, không chỉ trong buổi phỏng vấn mà còn cách thể hiện sự cảm ơn vào thời điểm quan trọng này  - Ảnh 1.

Thể hiện sự trân trọng

Cách tốt nhất để mở đầu email là cảm ơn vì đã dành thời gian cho bạn. Về lý thuyết, những buổi phỏng vấn là để đưa thêm thông tin về công việc cũng như giúp bạn và công ty cân nhắc liệu bên kia có phù hợp với mình. Do vậy, cho dù bạn có ý định không ứng tuyển vào vị trí đó nữa, cũng hay viết lời cảm ơn người phỏng vấn. Biết đâu trong con đường sự nghiệp sau này, hai người lại gặp lại nhau.

Khơi gợi sự hứng thú với công việc

Nếu cảm thấy phù hợp với vị trí nào đó, hãy chắc chắn truyền đạt lại thông tin trong email. Viết thật ngắn gọn, xúc tích để người đọc hiểu rõ thành ý. Nên trình bày lý do vì sao bạn lại quan tâm đến vị trí này như vậy, nó sẽ thể hiện sự quyết tâm và chân thành đến với người tuyển dụng.

Nhắc họ nhớ về bạn

Chính lời cảm ơn này là bước để kết nối lại mối quan hệ đã xây dựng với người tuyển dụng trong lúc phỏng vấn. Hãy viết một chút thông tin về người đó mà bạn biết trong cuộc trò chuyện, việc này sẽ cá nhân hóa bưc thư và khiến lời cảm ơn đặc biệt hơn vì người phỏng vấn nhận ra bạn thực sự quan tâm đến họ.

Nổi bật hóa điểm mạnh bản thân

Không cần phải liệt kê toàn bộ bằng cấp, tường học hay chứng chỉ đã viết trong hồ sơ, nhưng phải nhấn mạnh vào phần người tuyển dụng hứng thú nhất. Thông thường, người phỏng vấn sẽ tập trung vào những kỹ năng, chứng chỉ phù hợp cho công việc mà bạn ứng tuyển. Hãy ghi nhớ đâu là phần gây sự hào hứng nhất và viết vào email để chứng tỏ bạn là một người có năng lực cho vị trí này.

Đi xin việc hơn thua nhau ở THÁI ĐỘ, không chỉ trong buổi phỏng vấn mà còn cách thể hiện sự cảm ơn vào thời điểm quan trọng này  - Ảnh 2.

Vượt qua rào cản

Nếu cảm thấy người tuyển dụng lo lắng bạn bị thiếu kinh nghiệm hay có vấn đề liên quan thì email này chính là vũ khí để đánh tan suy nghĩ đó.

Đừng viết những cụm từ như "Hãy tin tôi, nếu có được cơ hội làm ở vị trí này….". Người phỏng vấn không muốn nghe những lời nói suống mà cần bằng chứng thực lực. Thay vì những lời hứa, hãy giải thích tại sao bạn lại thích hợp với công việc và các bước cụ thể sẽ thực hiện để nâng cao hiệu quả làm việc sắp tới.

Thêm thắt những điều mới lạ

Trong lúc phỏng vấn, dù có thể hiện sự bình tĩnh đến đâu thì cũng có khả năng bạn quên mất điều gì đó có ích cho việc thăng tiến ở công ty, vậy thì hãy bổ sung vào lời cảm ơn.

Viết để tạo ảnh hưởng

Cần chú ý về văn phong và cách trình bày của email, thể hiện đúng tính cách mà bạn thể hiện trong buổi phỏng vấn.

Thể hiện sự chân thành và cảm kích song đây cũng là cơ hội nâng cao vị thế của bản thân và thể hiện bạn là ứng cử viên xứng đáng. Sau khi trình bày nội dung, hãy cẩn thận chỉnh sửa lại tổng thể lá thư, cách lựa chọn ngôn từ vì một lời nhắn gửi sẽ tạo ra một cơ hội lớn.

* Theo Fastcompany

An Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên