MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Địa phương đang xây dựng sân bay tỷ đô lớn nhất Việt Nam có tiềm năng thế nào?

Địa phương đang xây dựng sân bay tỷ đô lớn nhất Việt Nam có tiềm năng thế nào?

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia với quy mô vốn khoảng 5 tỷ USD (khoảng 110 nghìn tỷ đồng). Chính phủ đặt mục tiêu đón chuyến bay đầu tiên vào ngày 2/9/2025.

Sân bay Long Thành nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thuộc quy hoạch của huyện Long Thành - tỉnh Đồng Nai để trở thành khu đô thị tầm cỡ, với trung tâm là khu vực cảng hàng không, sân bay.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, Sân bay Long Thành được xây dựng tại Đồng Nai là một trong những địa phương có nền sản xuất công nghiệp phát triển nhất của Việt Nam với rất nhiều khu công nghiệp.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai, với vị thế là sân bay lớn nhất cả nước khi hoàn thành xây dựng, dự kiến từ sau năm 2030, sân bay Long Thành sẽ trở thành sân bay trung chuyển khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Mục tiêu này được đặt ra bởi sân bay Long Thành có lợi thế rất lớn về vị trí địa lý. Từ sân bay Long Thành, sẽ chỉ mất khoảng 3 giờ bay là có thể bay đến tất cả các nước Đông Nam Á, châu Á, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Chính vì vậy, trong tương lai, sân bay Long Thành sẽ là “cửa ngõ” thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới về mặt kinh tế.

Hơn nữa, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh có vị thế rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội khi nằm rất gần với trung tâm TP.HCM, đô thị lớn nhất cả nước. Một lợi thế khác của sân bay Long Thành là việc nằm gần với hệ thống cảng biển nước sâu lớn của cả nước là Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), cách khoảng 40km.

Chình vì thế, khi Đồng Nai sẽ có thêm sân bay Long Thành là sân bay lớn nhất cả nước, tỉnh sẽ có đầy đủ 5 phương thức về giao thông đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa. Từ đó, tỉnh có được nhiều thuận lợi về tiềm năng phát triển logistics trong giao thương hàng hải quốc tế.

Trên thực tế, Đồng Nai là tỉnh luôn nằm trong nhóm những tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu chục tỷ USD của cả nước.

Địa phương đang xây dựng sân bay tỷ đô lớn nhất Việt Nam có tiềm năng thế nào? - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai từ năm 2015 đến nay. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Từ năm 2015 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai luôn lọt top 10 cả nước. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 20,78 tỷ USD, tăng 18,7% so cùng kỳ.

Xét về vị trí địa lý, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai liền kề TP.HCM, nằm giữa 4 vùng kinh tế trọng điểm và mạng lưới hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Theo đó, Đồng Nai nối liền Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên, toàn bộ đồng bằng Sông Cửu Long và là cửa ngõ trọng yếu phía đông của TP.HCM.

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai sở hữu hệ thống hạ tầng cơ sở toàn diện, từ mạng lưới giao thông quốc gia đến hệ thống đường kết nối liên tỉnh, liên huyện. Các công trình hạ tầng hiện hữu, những hệ thống giao thông liên kết kinh tế chính của địa phương gồm có: quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc lộ 51, tuyến đường sắt Bắc Nam, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Về đường sắt, tỉnh Đồng Nai hiện chiếm hơn 5% tổng chiều dài đường sắt Việt Nam, với 8 nhà ga đường sắt để vận tải hàng hóa và con người. Đặc biệt, theo dự kiến, dự án sân bay quốc tế Long Thành với năng suất phục vụ 100 triệu khách/năm, luân chuyển hàng hóa hơn 5 triệu tấn/năm.

Hơn nữa, Đồng Nai là trung tâm giao thông vùng nên giảm được nhiều chi phí vận chuyển hàng hóa ra cảng, các tỉnh, thành khác.

Do đó, theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, những tiềm năng về logistics trên góp phần giúp Đồng Nai trở thành trung tâm logistics, công nghiệp và dịch vụ hàng đầu Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Bên cạnh đó, Đồng Nai còn có tiềm năng lớn trong phát triển các KCN. UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh hiện có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trong phát triển KCN khi sở hữu quỹ đất lớn . Trên thực tế, Đồng Nai là tỉnh đang có số KCN đang hoạt động nhiều nhất cả nước, 31 KCN.

Theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, ba KCN được Đồng Nai quy hoạch mở rộng là khu công nghiệp Long Khánh (Thống Nhất), khu công nghiệp Dầu Giây và khu công nghiệp Tân Phú (Tân Phú) với diện tích mở rộng là 745 ha.

Tổng diện tích các khu công nghiệp đầu tư mới là hơn 4.300 ha gồm khu công nghiệp Hàng Gòn (TP Long Khánh), khu công nghiệp đô thị dịch vụ Xuân Quế (Cẩm Mỹ), khu công nghiệp dịch vụ cảng Phước An (Nhơn Trạch); Bàu Xéo 2 (Trảng Bom).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, tận dụng tiềm năng về logistics và tiềm năng phát triển các KCN, các nhà đầu tư rót vốn vào tỉnh Đồng Nai dễ dàng nhận được nhiều thuận lợi trong việc liên kết cung cấp sản phẩm đầu vào và xuất khẩu nhờ lợi thế về logistics và liên kết của các KCN.

Trong nhiều năm nay, Đồng Nai luôn nằm trong số các địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, lợi thế trong thu hút dòng vốn FDI có được nhờ vào việc tỉnh đã đi đầu trong phát triển công nghiệp từ nhiều năm về trước với những khu công nghiệp trọng điểm như Amata, KCN Biên Hòa, KCN Nhơn Trạch.

Địa phương đang xây dựng sân bay tỷ đô lớn nhất Việt Nam có tiềm năng thế nào? - Ảnh 2.

Lũy kế tổng vốn đầu tư FDI vào Đồng Nai từ 2015 đến nay. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Từ năm 2015 đến nay, Đồng Nai luôn nằm trong top 5 tỉnh, thành thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước. Tính đến tháng 9/2022, đã có hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai, với lũy kế tổng vốn đầu tư FDI đạt 34,73 tỷ USD.

Minh Tiến

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên