MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Địa phương không được trực tiếp vay nước ngoài?

Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Luật Quản lý nợ công, theo đó không cho phép địa phương trực tiếp đi vay nợ nước ngoài.

Dự luật quy định, nợ công chỉ bao gồm 3 loại: Nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Nợ công không bao gồm các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước, nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, các khoản nợ lẫn nhau giữa các cấp ngân sách.

Dự luật cũng đưa ra các quy định cụ thể về chương trình, dự án được xét cấp bảo lãnh Chính phủ. Theo đó, chỉ những chương trình, dự án đầu thư thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Quốc hội, Chính phủ; không dùng vốn ngân sách nhà nước có tổng giá trị vay từ 300 triệu USD trở lên… mới được xét cấp bảo lãnh Chính phủ. Khoản vay Chính phủ bảo lãnh sẽ được phân loại nợ để phòng ngừa, xử lý rủi ro theo 5 nhóm với mức độ rủi ro tăng dần, Bộ Tài chính sẽ có chế tài áp dụng riêng với từng nhóm.

Với khoản vay của chính quyền địa phương, sau khi HĐND các cấp phép duyệt kế hoạch vay, trả nợ phải báo cáo Bộ Tài chính để thẩm định. Bộ Tài chính sẽ tổng hợp kế hoạch vay hằng năm của trung ương và địa phương trình Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định.

UBND cấp tỉnh không được trực tiếp đi vay nước ngoài, chỉ được vay lại từ nguồn vay của Chính phủ. Ngân sách địa phương ưu tiên các nguồn bội thu, tăng thu so với dự toán, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách để ưu tiên trả nợ.

Dự luật cũng xác định, về tái cơ cấu nợ Chính phủ phải đảm bảo nguyên tắc không sử dụng vốn vay kém ưu đãi hoặc vay thương mại để tái cơ cấu lại khoản vay ưu đãi.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước hết năm 2016, dư nợ công bằng khoảng 64,73% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 53,62% GDP. Theo Bộ Tài chính, nợ công vẫn đảm bảo trong giới hạn cho phép.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành Tài chính (ngày 6/1/2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tỷ lệ nợ công vẫn tăng rất nhanh, nợ công 5 năm qua tăng trung bình 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.

“Nợ công đã sát trần cho phép, nhưng nếu tính đủ đã vượt trần, như nợ bảo hiểm xã hội, nợ xây dựng cơ bản, vốn ứng trước… Tôi nghe chuyên gia cảnh báo, nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi”, Thủ tướng nói.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính xác định định tái cơ cấu tài chính công là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2017, song song với quản lý toàn diện ngân sách nhà nước, và học tập kinh nghiệm các nước, tránh bất cập, hạn chế dồn lại nhiều năm.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

Trở lên trên