MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm danh những doanh nghiệp "hào phóng" nhất năm 2016

29-12-2016 - 08:40 AM | Doanh nghiệp

Vinamilk có lẽ là doanh nghiệp dẫn đầu khi chia cổ tức 60% bằng tiền, cổ phiếu thưởng 20% và còn phát hành thêm số cổ phiếu ESOP trị giá gần 1.300 tỷ đồng...

Năm 2016, nhiều cổ đông đã bất ngờ khi nhận được phần cổ tức - cổ phiếu thưởng “khủng” ngoài mong đợi. Không những cổ đông của những doanh nghiệp lớn – mà nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng thực hiện chia cổ tức và thưởng lớn bất ngờ.

Hào phóng nhất phải kể đến Vinamilk (VNM). Năm 2016 cũng là năm nhiều thông tin lớn đến với doanh nghiệp này khi SCIC quyết định thoái vốn Nhà nước. Bên cạnh tin thoái vốn, cổ đông Vinamilk cũng đón nhận thêm nhiều tin vui khi công ty đã chi trên 7.200 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền trong năm 2016 với tỷ lệ chia lên đến 60%, trong đó 20% trả cho đợt 2/2015 và 40% cho đợt 1/2016.

Ngoài ra Vinamlik còn chia thưởng 20% bằng cổ phiếu do thực hiện tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Số cổ phiếu VNM phát hành chia thưởng lên đến 242 triệu cổ phiếu. Giá trị phát hành theo mệnh giá đã 2.420 tỷ đồng. Tuy nhiên, tạm tính giá trị trên thị trường 130.000 đồng/cổ phiếu thì số cổ phiếu thưởng này có giá trị lên đến trên 31.400 tỷ đồng.

Không những thế, cuối năm 2016, Vinamilk còn phát hành thêm hơn 8,9 triệu cổ phiếu mới kết hợp với hơn 522.795 cổ phiếu quỹ hiện có thời điểm đó để phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động. Giá phát hành và bán cho người lao động chỉ 37.720 đồng/cổ phiếu, chưa đến 30% giá trị thực tế của cổ phiếu VNM. Như vậy, nhân viên Vinamilk chỉ chi ra khoảng 356 tỷ đồng nhưng nhận về số cổ phiếu trị giá xấp xỉ 1.300 tỷ đồng, "tạm lãi" gần 1.000 tỷ đồng ngay khi vừa nhận cổ phiếu ESOP.

Mới đây, Vinamilk cũng đã công bố dự kiến kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2016 với tổng doanh thu ước đạt 46.200 tỷ đồng, vượt 4% so với chỉ tiêu ĐHĐ giao phó và tăng 15% so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế cả năm ước đạt 9.310 tỷ đồng, vượt gần 13% kế hoạch lợi nhuận cả năm và tăng gần 20% so với năm 2015.

Một doanh nghiệp lớn cũng vừa gây sốc cho cổ đông là Masan Group (MSN). Masan vừa chốt quyền nhận 30% cổ tức bằng tiền cho năm 2016 và đã thông qua kế hoạch chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 50%. Đây là thông tin có thể xem là “món quà năm mới” cho cổ đông. Với tỷ lệ chia 30% cổ tức bằng tiền, Masan sẽ chi khoảng 3.500 tỷ đồng trả cho cổ đông.

Việc phát hành cổ phiếu thưởng sẽ chờ sau khi hoàn tất phát hành riêng lẻ 12 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư. Như vậy, ngay cả cổ đông “mới” mua riêng lẻ cổ phiếu Masan cũng sẽ được nhận “quà thưởng”.

Doanh nghiệp ngành cao su – Casumina (CSM) cũng vừa chia thưởng 40% bằng cổ phiếu cho cổ đông và trả 20% cổ tức còn lại năm 2015 đồng thời tạm ứng 10% cổ tức cho năm 2016. Tổng cộng, cổ đông Casumina nhận về 50% cổ tức trong năm 2016.

Cao su Đà Nẵng (DRC) vừa trả 15% cổ tức năm 2016. Trước đó, tháng 6/2016 đã trả 30% cổ tức cho năm 2015 và chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 10:3. Tổng cả cổ tức và cổ phiếu thưởng trong năm 2016 cổ đông Cao su Đà Nẵng nhận được lên đến 75%. Cả Casumina và Cao su Đà Nẵng đều là những “đứa con” của Vinachem.

Một doanh nghiệp khác do Vinachem làm cổ đông lớn nữa là Pinaco (PAC). Năm 2016, công ty đã thông qua việc tăng tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2015 từ 15% lên 25%. Thực tế, cổ đông Pinaco đã nhận được 2 lần cổ tức bằng tiền tổng cộng 17% trong năm 2016 và số cổ phiếu thưởng tỷ lệ 50%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, PAC đạt 1.687,6 tỷ đồng doanh thu thuần tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ; LNST đạt gần 82 tỷ đồng, tăng trưởng 24%. Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân lợi nhuận tăng trưởng là do trong kỳ doanh thu tăng và công ty đã kiểm soát tốt chi phí.

Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp khác chi cổ tức lớn như Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS). Ngoài việc chi trả cổ tức hàng năm rất lớn, mới đây, NCS đã bán ưu đãi gần 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phần trong khi trên thị trường giá cổ phiếu NCS giao dịch trên mức giá xấp xỉ 84.000 đồng/cổ phiếu thời điểm đó.

Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài (Nasco – NAS) cũng là doanh nghiệp thường xuyên chỉ trả cổ tức cao cho cổ đông. Mới đây, Nasco đã chuẩn bị các thủ tục để đăng ký giao dịch trên UpCOM.

Hay như doanh nghiệp “bé hạt tiêu” Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng - Masco (MAS). Đây là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận hàng năm đáng mơ ước. Cổ đông Masco thường xuyên nhận được mức cổ tức cao đều đặn hàng năm khoảng 80%/năm. Đặc biệt, năm 2016 này, Masco đã phát hành thêm 1,27 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ lên 42,7 tỷ đồng. Giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi thời điểm đó cổ phiếu MAS đang giao dịch trên thị trường ở mức 153.000 đồng/cổ phiếu.

Một doanh nghiệp nhỏ khác nhưng tỷ lệ chia cổ tức hàng năm luôn rất cao là Bao Bì Vinh (VBC). Với vốn điều lệ chưa đến 30 tỷ đồng, cổ phiếu của doanh nghiệp này hiện đang giữ mức giá 75.000 đồng/cổ phiếu. Mới đây, Bao bì Vinh đã chia cổ tức 70% cho cổ đông, trong khi năm 2015 cổ đông VBC cũng nhận được 50% cổ tức bằng tiền. Trên thị trường chứng khooán, cổ phiếu VBC cũng hầu như rất ít giao dịch khớp lệnh. Cổ đông của Bao bì Vinh hầu như chỉ giữ cổ phiếu để nhận khoản cổ tức đều đều hàng năm.

Nhưng có lẽ cổ đông của Muối Khánh Hòa (KSC) lại là những người “sung sướng” hơn ai hết. Số cổ phiếu họ sở hữu có thị giá vỏn vẹn mấy trăm đồng, nhưng hàng năm đều được nhận số cổ tức khá lớn. Lần gần đây nhất là 1.200 đồng/cổ phiếu vào tháng 10 vừa qua. Thị giá cổ phiếu này mấy năm gần đây đều thấp hơn rất nhiều so với giá trị cổ tức nhận về, và cũng do vậy, giá cổ phiếu này cũng không bị điều chỉnh sau mỗi lần nhận cổ tức. Hiện giá cổ phiếu KSC đang ở mức 400 đồng/cổ phiếu, và giá này đã được giữ nguyên rất lâu. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân cổ phiếu KSC hầu như không có giao dịch khớp lệnh trên thị trường. Cổ đông Muối Khánh Hòa cứ yên tâm giữ số cổ phiếu “giá rẻ” của mình để hưởng cổ tức hàng năm.

Thạch lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên