MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm danh những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hiện nay

17-08-2022 - 15:20 PM | Tài chính - ngân hàng

Điểm danh những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hiện nay

Bức tranh nợ xấu ngân hàng có sự phân hóa mạnh, chỉ có 7 trong 28 ngân hàng được thống kê có tỷ lệ nợ xấu dưới mức 1%.

Song song với câu chuyện lợi nhuận thì chất lượng tài sản là một trong những mối quan tâm hàng đầu khi đánh giá hiệu quả hoạt động của các ngân hàng.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2022 của 28 nhà băng (bao gồm Agribank và 27 ngân hàng đang giao dịch trên sàn chứng khoán), bức tranh nợ xấu có sự phân hóa khá mạnh.

Có chưa đến 10 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm trong nửa đầu năm nay trong khi phần lớn ghi nhận nợ xấu tăng lên. Đáng chú ý, những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt thì ngày càng tốt hơn, trong khi những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thì lại chủ yếu có xu hướng tiếp tục tăng lên.

Nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hiện nay, dưới mức 1% có thể kể đến Techcombank, Vietcombank, BacABank, ACB, TPBank, MB, HDBank.

Tại HDBank, theo báo cáo tài chính riêng lẻ, dư nợ cho vay khách hàng tăng 17% trong nửa đầu năm lên 222.012 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu của HDBank không tăng mà còn giảm khá mạnh, từ 2.385 tỷ đồng xuống còn 2.072 tỷ, tương đương giảm 13,2%.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này được cải thiện đáng kể, giảm từ 1,26% cuối năm 2021 xuống còn 0,93% vào cuối tháng 6/2022, từ đó góp mặt vào nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất.

Song song với việc nợ xấu giảm xuống, nhà băng này cũng tiếp tục tăng bộ đệm dự phòng. Số dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tại nhà băng này tại ngày 30/6/2022 đã đạt 2.251 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu do đó tăng từ 82% lên 109%, có nghĩa cứ một đồng nợ xấu thì ngân hàng đã dự phòng tương ứng gần 1,1 đồng.

Tương tự tại Techcombank, tỷ lệ nợ xấu nhà băng này giảm từ 0,66% hồi đầu năm xuống còn 0,6%, là mức thấp nhất trong 28 ngân hàng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 171,6%.

"Ông lớn" Vietcombank cũng duy trì chất lượng tài sản ở nhóm tốt nhất khi tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,64% xuống 0,61%. Đồng thời, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại nhà băng này đã được nâng từ 424% hồi đầu năm lên 506% vào cuối tháng 6, là mức cao nhất hệ thống từ trước đến nay.

TPBank ghi nhận nợ xấu có tăng nhưng vẫn duy trì chất lượng tài sản ở nhóm đầu ngành. Cuối quý 2, tỷ lệ nợ xấu nhà băng này ở mức 0,85%, đồng thời tỷ lệ nợ xấu tăng từ 153% cuối năm 2021 lên hơn 161% cuối tháng 6/2022.

MB (riêng lẻ) cũng ghi nhận nợ xấu tăng nhưng vẫn duy trì ở mức thấp dưới 1%. Nợ xấu nội bảng của ngân hàng mẹ MB đã tăng khá mạnh (59%) lên 3.704 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của MB tăng từ 0,68% lên 0,95%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của MB giảm nhưng vẫn thuộc top đầu ngành, đạt 271% vào cuối quý 2/2022.

Ngoài những ngân hàng trên, 2 ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% là BacABank (0,73%) và ACB (0,76%), những chỉ số này đều tốt hơn so với cuối năm 2022.

Trước những biến động trên thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu trong nước cũng như những tác động tiêu cực từ quốc tế về lạm phát và làn sóng tăng lãi suất, vấn đề chất lượng tài sản của các nhà băng lại càng được quan tâm hơn.

Thêm vào đó, một điểm cần lưu ý liên quan đến nợ xấu là Thông tư 14 năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp do dịch Covid-19 đã chính thức hết hạn vào ngày 30/6/2022.

Tuy nhiên, trong báo cáo phân tích gần đây, Chứng khoán BSC nhận định, mặc dù có sự ảnh hưởng giảm chất lượng tài sản do ảnh hưởng bởi Nghị định 153 và kết thúc Thông tư 14, với chính sách kiểm duyệt tín dụng chặt chẽ và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, các ngân hàng có thể quản lý chất lượng tài sản tốt và duy trì mức hiện nay.

Theo BSC, một số ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng và cải thiện mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu, giúp họ có bộ đệm dự phòng lớn, phòng trừ rủi ro biến động thị trường trong thời gian tới.

Trong khi đó, Chứng khoán VCBS cho rằng, nợ xấu dự báo sẽ tăng lên trong nửa cuối năm 2022 khi Thông tư 14 hết hiệu lực. Tuy nhiên, áp lực dự phòng được giảm thiểu khi các ngân hàng đã tăng cường bộ đệm dự phòng đối với các khoản nợ tái cơ cấu lên cao hơn mức quy định 30% trong bối cảnh nguồn thu nhập dồi dào. Nợ xấu và nợ tái cơ cấu nhìn chung được cải thiện nhờ sự phục hồi của nền kinh tế.

Theo Thu Thủy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên