Điểm mặt 2 giải nhất cuộc thi Vietnam Startup Wheel 2019: T-Farm bán máy trồng cây bất chấp điều kiện khí hậu, AirIoT giúp tiết kiệm 30% điện tại các căn hộ cho thuê Airbnb
T-Farm đưa ra giải pháp để chống lại sự biến đổi khí hậu, tiết kiệm nguồn nước ngọt và cung cấp nhiều thực phẩm hơn để đối mặt với dân số ngày càng tăng.
Vietnam Startup Wheel là Cuộc thi được bảo trợ bởi Hội LHTN Việt Nam TP.HCM, Hội Sinh viên Việt Nam tại TPHCM, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Văn phòng Đề án 844 (ISEV). Năm nay có gần 200 dự án khởi nghiệp từ 11 quốc gia dự thi với tổng giá trị giải thưởng lên đến 10 tỷ đồng.
Ban giám khảo cuộc thi (từ phải qua trái): Bà Lê Diệp Kiều Trang CEO Go Việt, Giáo sư Vũ Ngọc Tâm – Sáng lập và Giám đốc phòng thí nghiệm Mobile and Networked System Laboratory, bà Trương Lý Hoàng Phi – Tổng giám đốc VinTech City, Ông Lê Trí Thông – Tổng giám đốc PNJ, Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch hội đồng quản trị Thế giới di động, Bà Phan Thị Tuyết Mai – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Tài Nguyên và Công ty TMTM, Ông Jungkyu Kim – Phó chủ tịch Phân mảng Phát triển doanh nghiệp Tập đoàn SK
10 dự án khởi nghiệp lọt vào chung kết cuộc thi bao gồm:
- Go Eat Me - Founder Jonathan Việt Phạm: Nền tảng du lịch và ẩm thực giúp người dùng tìm kiếm được nhà hàng và các món ăn theo nhu cầu khi du lịch tại Việt Nam và Châu Âu. Hiện nền tảng này đã kết nối được 6.000 nhà hàng tại 5 quốc gia.
- AirIot - Founder Trần Nguyễn Duy Tuấn: Công cụ giúp tiết kiệm điện tại các căn hộ cho thuê như Airbnb.
- T-Farm - Founder Phạm Anh Tuấn: sản xuất hệ thống trồng cây thông minh trong nhà
- Tichluy.vn - Founder Vũ Hoàng Mạnh Hải: Nền tảng cho phép người dùng được cash back khi đi mua sắm 5-10% qua các trang thương mại điện tử
- Robot cho mọi người - Founder Hoàng Anh: dạy học về robotic online và cung cấp các bộ kit lắp ráp robot
- Kidups - Founder Vương Thành Chung: Phần mềm giáo dục sớm phát triển tư duy kích hoạt 2 bán cầu não cho trẻ từ 2-7 tuổi
- TripHunter - Founder Hồ Anh Tuấn: Nền tảng lên lịch trình du lịch tự động cho các khách du lịch tự túc, cho phép khách đặt khách sạn, vé máy bay và đặt vé tham quan trên cùng một nền tảng.
- Unica - Founder Cao Xuân Hoài Vương: Nền tảng đào tạo online cho các doanh nghiệp
- BePos - Founder Phạm Nguyễn Bách: Phần mềm quản lý bán hàng 4.0
- Tubudb - Founder Vũ Thị Thái An: nhằm kết nối khách du lịch với người bạn bản địa phương (Buddy) biết ngoại ngữ. Qua đó giúp khách tránh khỏi những bỡ ngỡ và rào cản về ngôn ngữ khi lần đầu bước chân đến một vùng đất mới.
Top 10 dự án vào vòng chung kết Vietnam Startup Wheel 2019
Kết quả, T-Farm dành giải nhất bảng doanh nghiệp, trong khi AirIoT giành giải nhất bảng cá nhân. Unica giành giải nhì, Robot cho mọi người giành 2 giải ba và dự án sáng tạo nhất.
Đáng chú ý, là trong phần hỏi đáp, hai dự án giành giải nhất bị ban giám khảo "xoay" khá nhiều về tính ứng dụng, triển khai thực tế và khả năng nhân rộng của dự án.
T-Farm: 30 triệu đồng/máy trồng cây thông minh bất chấp điều kiện khí hậu
Tuấn Phạm, nhà sáng lập Treant Protector, là công ty tiên phong trong việc thu nhỏ các nhà máy Vertical Farming thành các cỗ máy mini di động, đưa vào sử dụng trong nhà.
Công ty hiện có 2 sản phẩm là T-Farm máy trồng cây thông minh trong nhà và Vnwalls Garden máy giả lập khí hậu.
Founder Phạm Anh Tuấn T-Farm
Theo lời giới thiệu, máy trồng cây thông minh giúp người dùng có thể trồng bất kỳ loại cây nào họ muốn bất chấp điều kiện về khí hậu thổ nhưỡng. Hoạt động hoàn toàn tự động tất cả các giai đoạn: Phân tích, Chuẩn bị, Tưới tiêu, Quang hợp, Cân bằng dinh dưỡng, Vệ sinh … giúp người dùng không cần bất kỳ kiến thức nào về trồng cây. Người dùng chỉ việc cho hạt giống vào máy, chọn loại cây muốn trồng trên ứng dụng di động và xác nhận. Theo lời giới thiệu của Tuấn Phạm, sản phẩm của anh theo công nghệ khí canh.
Máy điều khiển và theo dõi tự động các dữ liệu sinh trưởng của cây trồng, cho phép mọi người có thể trồng bất kỳ loài thực vật nào dù ở bất cứ đâu trên thế giới, có thể trồng cây châu Á ở châu Âu, hoặc trồng cây châu Âu ở châu Phi, v.v … T-Farm kỳ vọng tạo ra những khu vườn trong nhà có thể phá vỡ các đặc trưng vùng miền, giúp mọi người có thể trồng wasabi Nhật Bản, nhân sâm Hàn Quốc, đông trùng hạ thảo … tại nhà riêng của họ, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới trong tương lai tới đây.
Sản phẩm đã qua 2,5 năm nghiên cứu với tổng số tiền đầu tư là 14 tỷ đồng, Sản phẩm hiện sở hữu hai bằng sáng chế tạm thời ở Hoa Kỳ: một bằng sáng chế về thiết bị mô phỏng khí hậu, một bằng sáng chế về công nghệ giả lập khí hậu và thổ nhưỡng và cho biết rất ít công ty trên thế giới làm được công nghệ này. Công ty đang trong giai đoạn sản xuất theo đơn hàng.
Công ty hiện đang tập trung vào hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, tập trung vào khu vực căn hộ.
T-Farm hiện mới có 2 option, và Vnwalls Gargen đã nâng cấp lên 8 option trồng cây tự động.
Công ty muốn huy động vốn 6 tỷ để tăng khả năng sản xuất và bình dân hóa sản phẩm. Thời điểm hiện tại máy được bán giá 30 triệu đồng/máy tự động hóa hoàn toàn và 15 triệu đồng với máy bán tự động. Nếu chuyển mô hình sản xuất theo đơn đặt hàng xuống sản xuất tồn kho, công ty có thể giảm giá thành sản xuất 30-35%. Công ty cung cấp chất dinh dưỡng, hạt giống, khách hàng sẽ mất khoảng 220.000 đồng/tháng.
AirIot - Công cụ giúp tiết kiệm điện
AirIot có tham vọng giải quyết vấn đề về năng lượng, tập trung ở phân khúc thị trường Airbnb (hiện đang có 45.000 căn hộ cho thuê) và tham vọng chiếm 1/3 thị trường vào năm 2020. Thực tế hiện nay diễn ra tại các căn hộ cho thuê là khách ra ngoài không tắt điện gây lãng phí điện. Việc lắp đặt hệ thống nhét thẻ ngắt điện và kích hoạt điện như tại các khách sạn quá phiền phức, buộc phải đục tường để làm đường dây trong khi giải pháp của AirIoT giống như một bộ điều khiển wifi nếu mang thiết bị ra xa khỏi phòng thì điện tự ngắt.
Founder Trần Nguyễn Duy Tuấn AirIoT
AirIoT đã có 10 tháng thử nghiệm sản phẩm trên 100 căn hộ cho thuê, kết quả mỗi tháng các căn hộ này tiết kiệm 25% tiền điện, hiện dự án đã nhận 300 đơn hàng và dự định giao hàng vào tháng 9.
Giá bán của sản phẩm khoảng 1 triệu/bộ, với pre order giảm 30% cho khách. Ban giám khảo cho rằng nếu khách cầm thiết bị và bị mất và họ phải đền 1 triệu/bộ thì có quá đắt? Founder Tuấn Trần cho rằng 1 triệu đồng là phí lắp đặt toàn bộ thiết bị còn thẻ điều khiển chỉ có giá khoảng 100.000 đồng, bằng với thẻ card tại các khách sạn hiện nay.
Công ty cho biết đang nghiên cứu phát triển tính năng đo điện năng tiêu thụ, đo thời gian khách ra ngoài, thời gian lau dọn trong phòng, thiết bị có thể tracking được và gửi về data server.
Công ty có tham vọng không chỉ dừng ở mảng căn hộ cho thuê Airbnb mà có thể tiến sang mảng khách sạn, office và nhà máy. Công ty hợp tác với một dự án quản lý khách sạn để có thể tích hợp với hệ thống quản lý khách sạn của họ. Năm 2020 sẽ tiến sang mảng khách sạn.
2020 dự kiến doanh thu đạt 10 tỷ.