Điểm mặt các dự án đường Vành đai của Hà Nội, số 2 đang được Vingroup làm chủ đầu tư
Vấn đề về ùn tắc giao thông cũng như các tuyến đường bị xuống cấp khiến cho việc di chuyển của người dân trở nên khó khăn hơn. Các tuyến đường vành đai hình thành đã giúp chính phủ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, người dân cũng có thể yên tâm khi di chuyển trên đường.
- 16-02-2022Chuyên gia Singapore: Dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đang có xu hướng cao hơn cả Singapore
- 16-02-2022Samsung sẽ đầu tư thêm 920 triệu USD vào Thái Nguyên
- 16-02-2022Chân dung đại gia Ấn Độ rót vốn chục tỷ đô vào công viên dược ở Việt Nam
Đường Vành đai 1
Đường Vành đai 1 là tuyến giao thông đường bộ vòng tròn của Hà Nội . Đây là đường vành đai đầu tiên của Hà Nội, có từ thời Pháp thuộc (thời Pháp gọi là Route circulaire), chạy qua địa bàn các quận Cầu Giấy , Tây Hồ , Ba Đình , Hoàn Kiếm , Hai Bà Trưng , Đống Đa .
Vành đai 1 còn một dự án để khép kín toàn tuyến là đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài hơn 2,2 km. Đoạn này được dự kiến khởi công trong năm nay và hoàn thiện chậm nhất năm 2030. Dự án có tổng mức đầu tư trên 7.200 tỷ đồng, riêng phần giải phóng mặt bằng chiếm 5.800 tỷ đồng. Vì vậy, đây được coi là “con đường đắt nhất hành tinh” khi mỗi một mét phải chi hơn 3 tỷ đồng.
Đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục
Đường Vành đai 2
Đường Vành đai 2 là tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội, có tổng chiều dài là 43,6 km, chạy qua địa bàn các quận Long Biên, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ, Đông Anh. Tổng mức đầu tư của đường này trên 55.000 tỷ đồng.
Tuyến đường Vành đai 2 trên cao, đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở có tổng vốn khoảng 9.400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Đây là đoạn cuối cùng để khép kín Vành đai 2. Đặc biệt, đây là dự án do Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng.
Đường Vành đai 2,5
Đường Vành đai 2,5 là tuyến giao thông đường bộ phụ trợ tuyến đường vành đai 2 và đường vành đai 3 của Hà Nội, dài khoảng 30 km, đi qua các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, tuyến nằm hoàn toàn trong nội đô Hà Nội.
Vành đai 2,5 được TP Hà Nội quy hoạch đầu tư hơn 10 năm trước, với tổng vốn dự kiến hơn 10.000 tỷ đồng. Hiện tuyến vẫn còn dự án Đầm Hồng tới Giải Phóng dài 2 km (nối quận Thanh Xuân đến đường Giải Phóng - Kim Đồng, Hoàng Mai) chưa bắt đầu khởi công.
Đường Vành đai 3
Tuyến Vành đai 3 có chiều dài khoảng 65 km, được kết hợp nhiều tuyến đường đã có sẵn như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, cầu cạn Pháp Vân, cầu Thanh Trì, quốc lộ 1A mới đoạn từ cầu Thanh Trì đến Ninh Hiệp. Đây được coi là đường Vành đai duy nhất đã hoàn thành sau khi hoàn thành giai đoạn 1.
Hiện đường Vành đai 3 còn giai đoạn 2 từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến trục Nhật Tân - Nội Bài (dài 9,8 km) và từ trục Nhật Tân - Nội Bài đến Quang Minh (dài 5 km), tổng mức đầu tư khoảng 2.450 tỷ đồng.
Đường Vành đai 3,5
Tuyến đường Vành đai 3,5 nối khu vực Bắc và Nam sông Hồng đi qua các quận, huyện như Thanh Trì, Hà Đông, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Mê Linh..., có tổng mức đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng.
Trong báo cáo của về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 trình HĐND TP Hà Nội vào tháng 9/2021, UBND thành phố cho biết sẽ tiếp tục đầu tư đường Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 với chiều dài 3,8 km, vốn đầu tư 1.594 tỷ đồng. Nút giao đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long có vốn đầu tư 2.624 tỷ đồng.
Ngoài ra, thành phố dự kiến cũng sẽ triển khai đoạn từ Phúc La-Văn Phú đến Pháp Vân-Cầu Giẽ, qua địa phận quận Hà Đông có chiều dài 10,8km, vốn đầu tư 4.200 tỷ đồng. Công trình dự kiến được xây dựng và hoàn thành từ năm 2022 đến 2026.
Đường Vành đai 4
Đường Vành đai 4 có chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang tuy nằm ngoài vị trí đầu tư nhưng có điểm tiếp giáp với điểm đầu và điểm cuối tuyến.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng (giảm gần 10.000 tỷ đồng so với mức dự kiến ban đầu), thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028. Dự án đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, Hà Nội có 58,2 km, qua 7 huyện; Hưng Yên 19 km; Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối với quốc lộ 18 dài 9,7km. Dự kiến 60% tuyến đường sẽ đi trên cao.
Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại từ giai đoạn chuẩn bị (khảo sát bằng thiết bị bay không người lái, công nghệ ảnh hàng không…); giai đoạn thực hiện sử dụng các vật liệu mới như bê tông cường độ cao, siêu cao, mặt đường nhựa polymer với nhiều thiết bị và phương pháp thi công mới…
Đường Vành đai 5
Đường Vành đai 5 được phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2014, dài khoảng 331 km (không bao gồm 41 km đi trùng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3).
Vành đai 5 đi qua địa giới hành chính 36 quận, huyện, TP của 8 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Trong đó, đoạn qua Hà Nội dài khoảng 48 km, qua Hòa Bình hơn 35 km; qua Hà Nam hơn 35 km; qua Thái Bình hơn 28 km; qua Hải Dương gần 53 km; qua Bắc Giang hơn 51 km; qua Thái Nguyên gần 29 km, qua Vĩnh Phúc hơn 51 km.