MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Điểm nóng” của du lịch Việt Nam: phát triển bền vững và nguồn nhân lực

15-06-2017 - 13:30 PM | Sống

Là ý kiến chung của các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm Tương lai tươi sáng cho Du lịch Việt Nam được tổ chức ngày 7/6 tại Khách sạn Pan Pacific Hà Nội.

Khi bà Tori Dixon-Whittle, Giám đốc Phòng thương mại Úc đồng thời là chủ tọa, yêu cầu các chuyên gia dùng một từ để mô tả về du lịch Việt, ông Ole Dross, Giám đốc Marketing của Asiatica Travel, đã chọn “đa dạng”, trong khi “tiềm năng” là lựa chọn của Tiến sĩ Michael Palmer, Giảng viên Khoa Kinh doanh & Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam. Ông Marc Emmanuel, Giám đốc điều hành Khách sạn Pan Pacific, chọn “cơ hội” và nhà sáng lập của KOTO – ông Jimmy Phan lại chọn “thân thiện”.

Có thể thấy, các chuyên gia tham gia tọa đàm đều đánh giá rất cao tiềm năng và cơ hội phát triển của du lịch Việt. Và một trong những lợi thế lớn nhất của du lịch Việt Nam chính là sự đa dạng - đa dạng các kiểu khí hậu theo từng vùng và từng thời điểm trong năm, đa dạng về địa hình với những bãi biển tuyệt đẹp dành cho nghỉ dưỡng, hay vùng núi non hùng vĩ dành cho những du khách yêu thích khám phá.

Từ những thành phố lớn hiện đại cho đến các khu di tích lịch sử hay những làng quê yên bình, Việt Nam chính là điểm đến có thể đáp ứng được mọi nhu cầu của du khách, với những kỳ nghỉ hạng sang cho đến các gói du lịch được thiết kế theo khả năng của từng đối tượng khách.

Tuy nhiên, trong hơn một tiếng thảo luận sau đó, các chuyên gia cũng đã thẳng thắn chỉ ra những thách thức mà du lịch Việt Nam đang phải đối mặt. Và một trong những thách thức lớn nhất chính là làm thế nào để phát triển du lịch một cách bền vững.

Buổi toạ đàm nhận nhận được nhiều sự quan tâm.
Buổi toạ đàm nhận nhận được nhiều sự quan tâm.

Hiện chưa có định nghĩa chính xác về du lịch bền vững, tuy nhiên, phổ biến nhất là phát triển du lịch bền vững cần đồng hành với phát triển môi trường bền vững. Ngoài ra, hệ sinh thái cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng khác. Một hệ sinh thái bền vững đồng nghĩa với việc điểm du lịch cũng sẽ được hưởng lợi về mặt tài chính từ hoạt động du lịch để cải tạo cơ sở hạ tầng và đầu tư cho giáo dục, đồng thời đời sống xã hội cũng được cải thiện nhờ có thêm nhiều công ăn việc làm.

Trong khi đó, hiện du lịch Việt còn đang phát triển theo nhu cầu, chú trọng vào lượng du khách. Hệ quả dễ nhận thấy, theo ông Ole Dross, là vài điểm du lịch có tiếng ở Việt Nam, như Nha Trang, Phú Quốc và sắp tới rất có thể là Đà Nẵng, đang bị khai thác quá mức. Do đó, Việt Nam cần có kế hoạch cũng như chiến lược phát triển du lịch phù hợp nhằm cân bằng nhu cầu của du khách với bảo tồn cảnh quan tự nhiên, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Bên cạnh yêu cầu cấp bách về phát triển du lịch theo hướng bền vững, rào cản lớn nhất của ngành hiện nay chính ở nguồn nhân lực. Theo đánh giá của các chuyên gia tham dự tọa đàm, nguồn nhân lực trong ngành du lịch Việt Nam hiện chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như tiềm năng của ngành. Theo ước tính, trong số hơn hai triệu người đang làm việc trong ngành du lịch và khách sạn ở Việt Nam, chỉ có khoảng 3,2% có trình độ cao.

Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ trong những năm tới là nâng con số này lên 25%. Đây thực sự là một thách thức lớn, tuy nhiên không phải là không thể thực hiện được, Tiến sĩ Michael Palmer cho biết. Cũng theo ông Palmer, phát triển giáo dục và đào tạo không chỉ giúp nâng cấp chất lượng dịch vụ mà còn hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững:

“Phát triển du lịch bền vững trên thực tế là thách thức lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ Việt Nam. Và đã gọi là thách thức thì đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Nhưng thông qua giáo dục, chúng ta có thể học hỏi được những kinh nghiệm, bài học đồng thời tránh lặp lại những sai lầm của những quốc gia đi trước. Theo đó, RMIT Việt Nam rất mong muốn được hợp tác với Chính phủ, với các đối tác trong ngành du lịch để đưa ra một chương trình đào tạo về quản trị du lịch và khách sạn phù hợp nhất với nhu cầu của thị trường Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng được góp phần vào tương lai tươi sáng của ngành du lịch Việt Nam.”

A.D

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên