Điểm nóng mùa ĐHĐCĐ ngân hàng 2021: Vật đổi sao dời?
Nhiều điểm nóng dự kiến sẽ đặt ra tại các NHTM cụ thể trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay.
- 06-03-2021Eximbank đã bị bỏ lại phía sau như thế nào?
- 04-03-2021Bóng dáng Sunshine trong lĩnh vực tài chính hậu "thay máu" Kienlongbank
- 27-02-2021Nhiều biến động nhân sự cấp cao ngân hàng
Khoảng một tháng tới, các ngân hàng thương mại (NHTM) bước vào mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021. "Vật đổi sao dời" dự kiến sẽ là điểm chung và điểm nóng sáp nhập chờ đợi câu trả lời từ nhiều thành viên. Trong khi đó, thay đổi sở hữu cổ đông lớn, triển vọng kinh doanh và cổ tức cũng là những điểm cổ đông quan tâm.
BizLIVE tập hợp những nội dung dự kiến sẽ là điểm nóng tại ĐHĐCĐ một số NHTM điển hình năm nay.
Dự kiến ngày 30/3 tới, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex – PGBank tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Một trong những vấn đề "nóng" sẽ được đưa ra bàn bạc tại đại hội lần này là chính là câu chuyện sáp nhập của nhà băng, vốn đã bị trì hoãn hơn 5 năm qua.
Được biết, sau khi "lỡ duyên" với VietinBank, chuyện "kết hôn" của PGBank tiếp tục không mấy suôn sẻ khi mới đây Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, sẽ xin ý kiến cổ đông ngừng sáp nhập với một ngân hàng khác là HDBank. Nguyên nhân là do thời gian sáp nhập kéo dài làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng.
Trong khi đó, trong những tháng cuối năm 2020, thị trường lại rộ lên tin đồn PGBank sắp về một nhà với MSB khi liên tục "người nhà" MSB sang nắm các chức vụ cao cấp tại PGBank.
Cụ thể, hồi đầu tháng 11/2020, ông Nguyễn Phi Hùng - nguyên Phó tổng giám đốc MSB được bổ nhiệm làm Quyền Tổng giám đốc PGBank.
Trước đó, ông Hoàng Xuân Hiệp, người từng đảm nhiệm nhiều cương vị cấp cao tại MSB như Phó tổng giám đốc, Tổng giám đốc công ty quản lý và Khai thác tài sản MSB được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc đảm nhiệm vai trò điều hành và xử lý các công việc của Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ tại PGBank.
Được biết, MSB và PGBank vốn đã có quan hệ gắn bó từ trước đó. Báo cáo thường niên năm 2018 của MSB ghi nhận, tại ngày 31/12/2018, MSB là cổ đông lớn của PGBank với tỷ lệ sở hữu 9,98%.
Tới đầu năm 2019, lãnh đạo ngân hàng MSB cho biết, đã bán số cổ phiếu này với giá 13.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, vẫn chưa có thêm thông tin liên quan đến giao dịch và bên nhận chuyển nhượng lượng cổ phiếu này.
Và câu hỏi về tương lai ngân hàng với những dự định sáp nhập mới sẽ là một trong những vấn đề "nóng" tại đại hội ngân hàng sắp tới.
Trong khi đó, tại Kienlongbank, sự xuất hiện của hàng loạt nhân sự liên quan đến Sunshine Group nắm giữ các chức vụ quan trọng tại ngân hàng trong thời gian gần đây, cùng khả nâng đổi tên ngân hàng cũng làm dấy lên tin đồn đổi chủ.
Trước đó, ngày 30/1/2021, tại phiên họp đầu tiên của HĐQT Kienlongbank sau Đại hội đồng cổ đông bất thường vào 28/1 vừa qua, ông Lê Hồng Phương (cựu CEO BB Group) đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT trong khi đó, bà Trần Thị Thu Hằng (CEO Sunshine Group) được bầu là 1 trong 3 Phó Chủ tịch ngân hàng Kiên Long nhiệm kỳ 2018 – 2022.
Đặc biệt, nhiều thông tin cho biết, thời gian gần đây ông Lê Hồng Phương liên tục xuất hiện tại tòa nhà Sunshine Center số 16 Phạm Hùng, Hà Nội. Sau Đại hội cổ đông Kienlongbank ngày 28/1, ông Phương cũng đã "úp mở" câu chuyện Kienlongbank sẽ có thêm trụ sở ở ngay tại khu vực Mỹ Đình và mở rộng mạng lưới kinh doanh ra khu vực Hà Nội. Theo giới thạo tin, nhiều khả năng trụ sở mới mà ông Phương nhắc tới sẽ nằm trong Sunshine Center, hiện cũng chính là trụ sở của Sunshine Group.
Thêm một động thái đáng chú ý khác cũng liên quan đến nhân sự của Sunshine Group tại Kienlongbank là mới đây ngân hàng này đã bổ nhiệm một tân Phó tổng giám đốc là ông Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1977), người đang được biết đến là Phó Chủ tịch HĐQT công ty Sunshine Tech – Công ty phát triển công nghệ thuộc Tập đoàn Sunshine.
Tại Sacombank, tin đồn thay đổi cổ đông lớn đã kéo dài hơn hai năm qua. Cụ thể, hồi đầu tháng 9/2020, thị trường râm ran về khả năng Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) của ông Trần Bá Dương sẽ mua gần 176 triệu cổ phiếu STB (gần 10% cổ phiếu đang lưu hành) từ Kienlongbank. Tuy nhiên tin đồn này nhanh chóng bị phủ nhận.
Trước đó, vào giữa năm 2020, thị trường cũng xuất hiện đồn đoán về khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ xúc tiến kế hoạch thoái khoảng 53% cổ phần đang nhận ủy quyền tại Sacombank thông qua VAMC.
Dù chỉ là những đồn đoán và cũng như đã có thông tin các bên phủ nhận, nhưng xét với tình hình hiện tại, thì khả năng có những cuộc thoái vốn hoặc giao dịch lớn trong tương lai tại Sacombank là điều tiếp tục chờ đợi xác nhận tại ĐHĐCĐ sắp tới.
Nếu có thay đổi lớn như những tin đồn hai năm qua, đặc biệt rộ lên cuối 2020 thì sẽ có ảnh hưởng lớn, thậm chí quyết định đến tương lai và triển vọng của ngân hàng này.
Tại LienVietPostBank, trong một thông báo của ngân hàng hồi đầu tháng 2 năm nay, ông Nguyễn Đức Thụy - tức bầu Thụy xuất hiện với tư cách là đại diện cổ đông lớn của cả LienVietPostBank và Thaiholdings.
Đây là lần đầu tiên bầu Thụy chính thức được nhắc đến trên cương vị là đại diện cổ đông lớn của LienVietPostBank. Trước đó, thị trường đã có nhiều đồn đoán khi Chủ tịch Thaiholdings tham gia sự kiện chào sàn HOSE cổ phiếu LPB của LienVietPostBank và nằm trong hàng ngũ lãnh đạo thực hiện nghi lễ đánh cồng.
Trụ sở chính của LienVietPostBank cũng đã được chuyển về Tòa nhà Thaiholdings Tower, số 210 Trần Quang Khải, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, vốn thuộc sở hữu của bầu Thụy.
Dù vậy, cho tới thời điểm hiện tại, cả Thaiholdings và LienVietPostBank đều chưa hề công bố bất kỳ thông tin nào đến các giao dịch cổ phiếu giúp ông Thụy trở thành cổ đông lớn của ngân hàng. Có thể, trong đại hội sắp tới, bầu Thụy sẽ xuất hiện tại LienVietPostBank với nhiều vai trò cụ thể hơn. Và nếu vậy, thêm một trường hợp nữa, bóng dáng của tổ chức đầu tư bất động sản lại có trong cơ cấu cổ đông lớn của một NHTM.
Trong khi câu chuyện sáp nhập, đổi chủ đang là chủ đề "nóng" ở một số ngân hàng tầm nhỏ và trung thì tại một số ngân hàng tư nhân lớn như MBB, Techcombank hay VPBank, câu chuyện cổ tức chính là vấn đề thu hút sự chú ý của cổ đông tại đại hội sắp tới khi 2020 là tiếp tục là một năm kinh doanh khá ấn tượng của bộ ba này.
Riêng tại Techcombank và VPBank, sau năm đạt lợi nhuận ấn tượng, điều chờ đợi tại đại hội tới là khả năng chia cổ tức năm nay hay không, hay tiếp tục thêm một năm giữ lại lợi nhuận mà không chia cổ tức.
Với PVcomBank, câu chuyện ồn ảo rủi ro tiền gửi với nhứng khoản giá trị lớn xẩy ra vừa qua vẫn là "điểm nóng" thu hút sự quan tâm của cổ đông. Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh đã khả quan lên hay chưa cũng sẽ là vấn đề được cổ đông quan tâm trong đại hội sắp tới.
Với NCB, bên cạnh kế hoạch kinh doanh trong năm tới thì câu chuyện tăng vốn và tìm kiếm đối tác chiến lược dự kiến cũng sẽ là những vấn đề được quan tâm đại hội sắp tới.
Trước đó, tại đại hội năm 2017, lãnh đạo ngân hàng cho biết, đã có rất nhiều cuộc làm việc với rất nhiều đối tác trong nước và nước ngoài, mong muốn làm đối tác của ngân hàng. Ngân hàng cũng đã chọn ra được 3, 4 đối tác để đánh giá, lựa chọn. Kế hoạch tăng vốn theo đó cũng khá táo bạo khi dự kiến vốn điều lệ tăng gấp đôi lên 6.010 tỷ đồng ngay trong năm 2017.
Tuy vậy, 4 năm đã trôi qua, thông tin về đối tác chiến lược của ngân hàng vẫn chưa được công bố. Trong khi đó, vốn điều lệ mới đang ở mức 4.010 tỷ đồng.
Tại SHB, điểm cổ đông quan tâm và băn khoăn nhất là vì sao vẫn chưa thể chia cổ tức hai năm qua. Bên cạnh đó, trong khi hàng loạt thành viên đã thực hiện "lời hứa" chuyển sàn từ HNX sang HOSE như ACB, VIB, LPB thì hiện SHB vẫn chưa thực hiện được. Đây có lẽ cũng là một trong những vấn đề được cổ đông SHB chất vấn tại kỳ đại hội tới.
Với MSB, như trên, vẫn sẽ là câu hỏi về tin đồn "mối lương duyên" với PGBank. Bên cạnh đó, kế hoạch IPO vốn đã được nhà băng công bố từ vài năm trước nhưng tời giờ vẫn chưa thực hiện được cũng là một vấn đề được cổ đông quan tâm.
Được biết, để thực hiện kế hoạch này, MSB đã mua lại cổ phiếu quỹ ngoài thị trường với gần 70 triệu cổ phiếu với giá 11.000 đồng/cổ phiếu. MSB cũng đã thực hiện một loạt roadshow tại Thái Lan, Singapore với sự tham gia của nhiều định chế tài chính như JPMorgan hay IFC để giới thiệu cơ hội đầu tư vào ngân hàng này.
Trong khi đó, với Eximbank, "cuộc chiến vương quyền" vẫn chưa ngã ngũ khiến hoạt động kinh doanh của ngân hàng liên tục đi xuống. Sau khi liên tiếp đại hội cổ đông và đại hội cổ đông bất thường nhiều lần bị trì hoãn, thì câu chuyện nhân sự cấp cao hội đồng quản trị sẽ tiếp tục là tâm điểm sự chú ý trong cuộc họp vào cuối tháng 4 tới.
Trước đó, đại diện các cổ đông sở hữu trên 10% vốn của Eximbank từng có đề nghị hội đồng quản trị đưa vào chương trình họp đại hội cổ đông thường niên 2020 việc miễn nhiệm đối với 4 thành viên HĐQT là các ông Yasuhiro Saitoh, Lê Minh Quốc, Cao Xuân Ninh và Lê Văn Quyết.
Trong khi đó, cổ đông chiến lược nước ngoài là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) yêu cầu hội đồng quản trị bổ sung nội dung vào Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 3 việc thanh lọc hội đồng quản trị thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với từng thành viên.
Tại ba "ông lớn" Vietcombank, BIDV và VietinBank, kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu và tăng vốn vẫn chưa thực sự có điểm mở chính thức. "Nút thắt" này hẳn là điểm cổ đông quan tâm, bên cạnh khả năng có thay đổi lớn về nhân sự cấp cao sau khi có hai lãnh đạo ở nhóm ngân hàng này vừa trở thành Ủy viên Trung ương Đảng.
BizLIVE