MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 01/10 – 07/10] Thị trường chứng khoán Việt Nam và Thế giới đồng loạt điều chỉnh

Không thể chinh phục ngưỡng kháng cự MA 200, VN-Index đã xuống mức thấp nhất hai tuần sau phiên điều chỉnh mạnh ngày thứ Sáu…

1. Chứng khoán Việt Nam chịu áp lực điều chỉnh

3/5 phiên giao dịch tăng điểm nhưng tuần giao dịch vừa qua lại là một tuần ghi nhận mức điều chỉnh mạnh nhất kể từ khi VN-Index trở lại mốc 1.000. Hai phiên liên tiếp không thể chinh phục được ngưỡng 1.025 điểm vào giữa tuần khiến phiên giao dịch ngày thứ Sáu chìm trong sắc đỏ với biên độ giảm mạnh nhất trong gần 2 tháng. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đóng cửa ở 1.008,39 điểm (giảm gần 1%), trong khi HNX-Index cũng chốt tuần ở 114,67 điểm (giảm 1,4%).

[Điểm nóng TTCK tuần 01/10 – 07/10] Thị trường chứng khoán Việt Nam và Thế giới đồng loạt điều chỉnh - Ảnh 1.

Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây

Trạng thái tiêu cực nhất tuần qua, thực tế, chỉ diễn ra trong phiên cuối tuần và đã nằm trong dự đoán của các thành viên thị trường. Tuy nhiên, điểm khác biệt là mức giảm mạnh hơn nhiều dự báo trước đó. Hai phiên liên tiếp ngày thứ 4 và thứ 5, VN-Index chỉ lên được gần ngưỡng 1.025 điểm trước khi bị lực bán ép xuống đã cho thấy những tín hiệu không mấy tích cực trong ngắn hạn. Việc chinh phục không thành công ngưỡng MA200, cũng là ngưỡng kháng cự mạnh trong trend tăng giá khiến chỉ số rơi vào trạng thái điều chỉnh.

Dòng tiền trong tuần qua vẫn tiếp tục cho thấy sự phân hóa khi tập trung vào nhóm vốn hóa trung bình (midcap), với tâm điểm là nhóm cổ phiếu dầu khí và những ngân hàng thuộc top giữa bảng xếp hạng.

PVD, PVS, BSR, OIL hay POW có những phiên tăng điểm và hút tiền vào đầu tuần khi xuất hiện những thông tin tích cực về giá dầu, đặc biệt là những dự báo cho thấy giá "vàng đen" có thể nhanh chóng tái lập mốc 100 USD. Nhóm ngân hàng có mức vốn hóa trung bình như VPB, TCB, HDB hay BID cũng bật tăng, trở thành đầu tàu thay thế những ngân hàng thuộc nhóm trên như VCB, CTG. Tuy nhiên, khi thị trường đứng trước áp lực điều chỉnh, những cổ phiếu này cũng trở thành "nạn nhân" đầu tiên.

PVD bị đánh sàn trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, trong khi PVS giảm hơn 5%. Hầu hết những cổ phiếu tăng mạnh trước đó đều trở thành "tội đồ" khiến VN-Index lao dốc.

Thanh khoản trong tuần qua cũng bị bóp méo đáng kể với những phiên giao dịch thỏa thuận của cổ phiếu Masan. Chỉ tính riêng hai phiên giao dịch ngày 2/10 và 5/10, giá trị giao dịch thỏa thuận đã lên hơn 19.000 tỷ đồng. Nếu loại trừ nhóm giao dịch đột biến, nhìn chung thanh khoản của thị trường giữ ở mức trung bình và có sự sụt giảm nhẹ so với tuần trước. Sự chậm rãi của thị trường có thể đến từ khoảng trống thông tin trong giai đoạn đang chờ KQKD quý III.

Điểm tích cực là phiên "rũ hàng" ngày thứ Sáu với mức giảm sâu khiên chỉ số cũng như nhiều cổ phiếu đã trở về mặt bằng giá thấp hơn. Những điều kiện thuận lợi này có thể kích hoạt trạng thái "gom hàng" dần dần chờ tin KQKD quý III. Nhiều dự báo cho rằng khả năng chỉ số giảm về dưới mức 1.000 điểm sẽ khó có thể xảy ra và nghiêng về phương án đi ngang trong khoảng 1.005 – 1.015 điểm. Sự bùng nổ của thị trường có thể đến khi có những thông tin hỗ trợ mang tính tích cực hơn.

Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch trầm lắng vào đầu tuần mới nhưng lại khá sôi động trong phiên ngày thứ 6, mang tâm lý hứng khởi với các hoạt động trading chủ yếu đến từ các vị thế short mạnh mẽ khi ngưỡng MA200 tiệm cận với VN-Index từ thị trường cơ sở. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự cải thiện. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 54.916 hợp đồng.

2. Thị trường thế giới đồng loạt giảm điểm

Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trong tuần. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.885 điểm (giảm 1,4%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 26.447 điểm (giảm 0,6%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.788 điểm (giảm 3,7%). Khối lượng giao dịch được nâng lên, đặc biệt là vào các phiên cuối tuần, và chỉ số biến động của CBOE (VIX) tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4.

Trong các nhóm ngành, các cổ phiếu năng lượng có diễn biến tốt nhất nhờ sự gia tăng của giá dầu khi Mỹ đang chuẩn bị thực hiện các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran vào đầu tháng 11. Cổ phiếu tài chính cũng tăng trưởng tốt, được hỗ trợ bởi sự tăng lên của lãi suất dài hạn.

Đối với thị trường chứng khoán châu Âu, ghi nhận tuần giảm điểm cùng với chứng khoán Mỹ trong bối cảnh lãi suất trái phiếu toàn cầu tăng lên và lo ngại về kế hoạch chi tiêu của chính phủ Ý. Kết thúc tuần, chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.318 điểm (giảm 2,5%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.111 điểm (giảm 2,2%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.359 điểm (giảm 2,5%). Cổ phiếu của các ngân hàng Ý giảm xuống gần mức thấp nhất trong năm do giới đầu tư lo ngại Ý sẽ bị hạ cấp tín nhiệm.

Những lo ngại mới về các ngân hàng Hy Lạp cũng gây áp lực cho các cổ phiếu ngân hàng châu Âu. Các nhà đầu tư ngày càng lo ngại trong suốt tuần qua rằng các ngân hàng Hy Lạp có thể cần phải bơm vốn mới để xử lý các khoản nợ xấu. Hy Lạp đã rời chương trình cứu trợ kéo dài tám năm vào cuối tháng 8 và gần đây đã đệ trình các kế hoạch mới đầy tham vọng để giảm các khoản nợ xấu cho đơn vị giám sát ngân hàng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng giảm điểm trong tuần. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 23.783 điểm (giảm 1,39), chỉ số TOPIX Index đóng cửa ở 1.792 điểm (giảm 1,2%). Đồng yên đóng cửa ở mức 113,89 yên /đô la Mỹ, yếu hơn so với tuần trước. Trong tuần qua, thông tin đáng chú ý là bà Lagarde ,giám đốc quản lý Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cảnh báo rằng những rủi ro đối với nền kinh tế Nhật Bản đã tăng lên kể từ năm ngoái. Sau một chuyến thăm đến Nhật Bản, bà Lagarde bày tỏ lo ngại về sự suy giảm tiềm năng trong tăng trưởng kinh tế do kế hoạch tăng thuế tiêu thụ (từ 8% lên 10%) vào năm tới. Bà cũng lưu ý rằng các sự kiện thương mại hoặc địa chính trị có thể dẫn đến sự gia tăng của đồng yên.

Đồng thời, về phía Trung Quốc, thị trường đã đóng cửa trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài một tuần, nhưng căng thẳng thương mại vẫn rình rập trong bối cảnh Bắc Kinh cho biết sẽ giảm thuế đối với một loạt các sản phẩm để làm dịu tác động của thuế quan của Mỹ. Bắt đầu từ ngày 1 tháng 11, chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với hàng trăm sản phẩm bao gồm dệt may, kim loại, thép, các sản phẩm gỗ và giấy. Đây được xem là nỗ lực để ngăn chặn các ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế của của Trung Quốc trong khi cuộc chiến thương mại với Mỹ đang kéo dài.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên