MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 02/12 – 08/12] Chứng khoán Việt Nam và thế giới trầm lắng

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần lễ giao dịch trầm lắng khi hầu hết những nỗ lực đều thất bại vào cuối những phiên giao dịch gần cuối tuần…

1.TTCK Việt Nam tiệm cận ngưỡng hỗ trợ mạnh 960 điểm

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường giao dịch trầm lắng. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa dừng ở mức 963.56 điểm và HNX-Index chốt phiên ở 102.5 điểm.

[Điểm nóng TTCK tuần 02/12 – 08/12] Chứng khoán Việt Nam và thế giới trầm lắng - Ảnh 1.

Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây


VN-Index đã có một tuần mở cửa đầu tuần với sắc xanh nhưng đà tăng đã không giữ vững được và bị giảm nhẹ trong những phiên giao dịch cuối tuần.

Theo các chuyên gia VDSC, VN-Index tiếp tục thể hiện sự lưỡng lự quanh mức tham chiếu với nến Star sau phiên hạ nhiệt. Đà giảm của chỉ báo kỹ thuật MACD tiếp tục được hãm và lưỡng lự tại mức -10, RSI cũng lưỡng lự trên mức 30.

Điều này cho thấy VN-Index vẫn đang trong nhịp chỉnh nhẹ và lưỡng lự sau phiên tăng mạnh tạo nhịp hồi phục kỹ thuật, đồng thời vẫn chưa đủ dấu hiệu để nhận định nhịp hồi phục kỹ thuật này đã kết thúc. Chỉ số vẫn có khả năng dần hồi phục trở lại sau nhịp điều chỉnh hiện tại.

Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự giảm về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần hơn so với tuần trước. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt mức trung bình, tương ứng đạt 94.702 hợp đồng.

2. TTCK Thế giới có 1 tuần giao dịch trầm lắng

Các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm trong tuần khi báo cáo tăng trưởng việc làm tốt không bù đắp được những tín hiệu đáng lo ngại về thương mại. Vào đầu tuần, quyết định áp thuế quan với thép và nhôm đối với Brazil và Argentina gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường. Động thái này báo hiệu sự trở lại với lập trường thương mại cứng rắn hơn của Nhà Trắng.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế lại trở nên bừng sáng vào cuối tuần, khi số lượng đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hàng tuần đã giảm xuống còn 203.000, gần mức thấp nhất trong năm thập kỷ. Kết thúc tuần, chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 28.015 điểm (giảm 0,33%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 8.656 điểm (giảm 0,18%), và chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 3.145 điểm (tăng 0,06%).

Chứng khoán châu Âu đã giảm nhẹ trong tuần do tình hình thương mại toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu được giải quyết dứt điểm. Thị trường đã bị ảnh hưởng tiêu cực khi có thông tin rằng thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể bị trì hoãn cho đến sau cuộc bầu cử năm 2020 của Mỹ. Chỉ số FTSE 100 của Vương quốc Anh đóng cửa ở 7.239 điểm (giảm 1,46%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 13.166 điểm (giảm 0,74%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.871 điểm (giảm 0,66%).

Đồng bảng Anh tăng lên mức cao nhất trong bảy tháng so với đồng đô la Mỹ và đồng euro, đánh dấu mức cao nhất dưới thời Thủ tướng Boris Johnson. Sự phục hồi của đồng Bảng Anh diễn ra khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Đảng Bảo thủ cầm quyền đang duy trì vị trí dẫn đầu trước cuộc tổng tuyển cử ngày 12/12.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản không có nhiều thay đổi trong tuần. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 23.354 điểm (giảm 0,15%). Đồng Yên đã mạnh hơn tuần trước và đóng cửa ở mức 108,67 Yên/đô la Mỹ. Trong tuần, thị trường Nhật Bản nhận được thông tin hỗ trợ từ thủ tướng Shinzo Abe, khi ông tiết lộ về gói kích thích tài chính trị giá 13 nghìn tỷ Yên (khoảng 120 tỷ đô la) để thúc đẩy nền kinh tế do tăng thuế, xuất khẩu giảm và thiên tai.

Mặc dù nền kinh tế Nhật Bản đã tiếp tục tăng trưởng trong năm nay, nhưng hầu hết các nhà kinh tế đều coi mức tăng này là không chắc chắn do các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc, Brexit và căng thẳng ở Trung Đông, tất cả đã góp phần vào sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu.

Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm trở lại sau ba tuần giảm liên tiếp, khi các nhà đầu tư cảm thấy lạc quan rằng các gói kích thích kinh tế sẽ giúp Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mặc dù căng thẳng thương mại với Mỹ và Trung Quốc chưa được giải quyết. Trong tuần, chỉ số Shanghai Composite Index đóng cửa ở 2.912 điểm (tăng 1,4%), chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 26.498 điểm (tăng 0.09%).

Dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 11 bất ngờ trở lại tăng trưởng lần đầu tiên sau 7 tháng. Theo các chuyên gia, điều này đang cho thấy tác động tích cực của các gói kích thích kinh tế và nới lỏng tiền tệ của Bắc Kinh có thể giảm bớt ảnh hưởng xấu từ chiến tranh thương mại.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên