MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 08/04– 14/04] TTCK Việt Nam giằng co, thế giới biến động nhẹ

Các chỉ số đang tạm thời lưỡng lự để kiểm tra lại xu hướng, tuy nhiên cần lưu ý rủi ro của thị trường sau nhịp sụt giảm gần đây…

1. Chứng khoán Việt Nam giằng co

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua chứng kiến sự đan xen tăng giảm nhịp nhàng, tuy nhiên biến động là không đáng kể. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 982,9 điểm (-0,64%) và HNX-Index chốt phiên ở 107,7 điểm, (-0,15%) so với tuần liền trước.

Thị trường bước vào phiên giao dịch đầu tuần với sắc xanh hiện hữu từ rất sớm. Tuy nhiên mức độ tăng của các điểm số là chưa nhiều bởi hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn chưa có sự bứt phá đáng kể. Giá dầu Brent ngày 05/04 lần đầu vượt mốc 70 USD/thùng trong 5 tháng, giá dầu WTI hôm 5/4 là 63,34 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 11/2017.

Lý do đến từ số liệu việc làm tốt trong tháng 3, kỳ vọng Mỹ - Trung Quốc sớm đạt thỏa thuận thương mại cũng như việc OPEC tiếp tục cắt giảm sản lượng. Thông tin này thúc đẩy dòng tiền chảy mạnh vào nhóm ngành dầu khí (GAS, PLX, PVD, PVS,…) dẫn dắt đà tăng cho thị trường. Sự tích cực còn được lan tỏa qua các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán với nhiều cổ phiếu tăng mạnh.

Trong những phiên giao dịch tiếp theo, thị trường mở cửa phiên giao dịch với sắc đỏ bao trùm khi chỉ số tiếp cận ngưỡng 1000 điểm. Hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn đều có mức giảm khá mạnh khiến chỉ số 3 sàn đồng loạt lùi sâu dưới mốc tham chiếu. Đã có thời điểm Vn-Index giảm tới 11 điểm trước khi hồi phục trở lại nhờ lực cầu giá thấp hoạt động trở lại. Điểm sáng trong phiên giao dịch hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu thủy sản khi ngược dòng bất tăng mạnh mẽ với 3 mã tăng trần là FMC, CMX và ACL.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13), với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. FMC được chọn là bị đơn bắt buộc duy nhất cho đợt xem xét hành chính đợt này, do đó biên độ phá giá tính cho FMC sẽ được áp dụng cho các công ty còn lại. FMC đã thuyết phục DOC đưa mức thuế từ 25,39% xuống 4,58% và bây giờ là 0%. Bên cạnh đó cổ phiếu ACL của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cưu Long An Giang còn đón nhận một thông tin tích cực nữa từ kết quả hoạt động kinh doanh, lãi sau thuế quý I đạt 54,6 tỷ đồng, gấp 9,26 lần cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy các nhóm ngành khác (ngân hàng, chứng khoán, bất động sản xây dựng,…) vẫn còn chìm sâu trong sắc đỏ đi kèm trạng thái giao dịch kém tích cực. Đặc biệt cổ phiếu CTD tiếp tục giảm sàn với thanh khoản cao đột biến cùng sự bán ròng tới từ khối ngoại sau thông tin kém tích cực từ phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2019.

Thị trường bước vào phiên giao dịch cuối tuần trước kỳ nghỉ lễ trong sắc đỏ chiếm chủ đạo. Trong khi các cổ phiếu bluechips là tác nhân chính gây sức ép khiến chỉ số VN-Index đảo chiều giảm điểm, thậm chí có thời điểm chỉ số lùi sâu về mốc 980 điểm, thì CTD hồi phục trở lại sau 2 phiên giảm sàn liên tiếp và là trụ duy nhất nâng đỡ thị trường trong phiên sáng.

Sau khi chạm mốc 980 điểm, VN-Index đã đảo chiều bật ngược đi lên. Tuy nhiên với lực cầu khá yếu, cùng sự phân hóa nhẹ ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, chỉ số đã không thể lấy lại mốc tham chiếu mà diễn biến lình xình đi ngang trong suốt cả phiên. Điểm sáng phiên hôm nay vẫn đến từ nhóm dầu khí khi nhóm này bất ngờ hồi phục trong phiên chiều trong bối cảnh giá dầu quay đầu giảm mạnh vào phiên ngày hôm qua

Theo quan điểm của các chuyên gia VDSC nhận định, các chỉ số đang tạm thời lưỡng lự để kiểm tra lại xu hướng, tuy nhiên cần lưu ý rủi ro của thị trường vẫn đang ở mức cao sau nhịp sụt giảm gần đây. Do dó, nhà đầu tư nên theo dõi sát diễn biến của thị trường tại những cột mốc quan trọng để có thể đưa ra các quyết định hợp lý, đồng thời tập trung quản trị rủi ro và hạn chế sử dụng đòn bẩy.

Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch trầm lặng hơn mang tâm lý do dự. Điểm nhấn đặc biệt là basis tuần qua tiếp tục thu hẹp trong những phiên giao dịch gần hết tuần lễ. Điểm nhấn tuần qua là dường như cả bên mua và bên bán đều không thể giành được quyền kiểm soát thị trường. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua không có nhiều xáo trộn. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đang ở ngưỡng không quá cao, đạt 84.926 hợp đồng.

2. Chứng khoán thế giới biến động nhẹ trong tuần qua

Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều biến động nhẹ trong tuần. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 26.412 điểm (giảm 0,05%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.984 điểm (tăng 0,58%) và chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.907 điểm (tăng 0,52%) gần với mức cao nhất mọi thời đại được thiết lập vào tháng 9 năm 2018.

Khối lượng giao dịch của tuần qua khá yếu do các nhà đầu tư mang tâm lý chờ đợi kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp sắp được công bố. Thị trường lao động cũng có thông tin tích cực khi Bộ Lao động Mỹ đã báo cáo rằng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969.

Các nhà đầu tư tại châu Âu cũng tỏ ra thận trọng trong tuần giao dịch vừa qua. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.437 điểm (giảm 0,17%), DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.999 điểm (giảm 0,08%), và CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.502 điểm (tăng 0,47%).

Tuần qua EU đã gia hạn đàm phán Brexit với Anh và ECB quyết định giữ tỷ lệ tái cấp vốn ở mức 0%. Sự không chắc chắn của tiến trình Brexit đã khiến các nhà đầu tư rút 304,5 triệu đô la từ các quỹ đầu tư vào cổ phiếu của Anh trong tuần qua, nâng tổng số tiền rút ròng trong năm qua lên 1 tỷ đô la và 24,8 tỷ đô la kể từ cuộc bỏ phiếu Brexit được tiến hành khoảng ba năm trước. Trong khi đó chính phủ Italia thừa nhận rằng tăng trưởng kinh tế sẽ giảm mạnh trong năm 2019 so với dự báo trước đó, và phê duyệt một kế hoạch ngân sách mới, dự báo tăng trưởng sẽ là 0,2% trong năm 2019. Ước tính này phù hợp với nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và phần lớn các nhà kinh tế độc lập.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng có biến động nhẹ trong tuần. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 21.870 (tăng 0,3%). Đồng yên đứng ở mức 111,94 yên /đô la Mỹ, yếu hơn một chút trong tuần. Đơn đặt hàng máy móc thiết bị giảm trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng Hai, phản ánh tác động của kinh tế toàn cầu đang suy yếu. Các công ty đang hạn chế chi tiêu và cắt giảm kế hoạch chi tiêu vốn trong ba tháng đầu năm 2019.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2019 xuống còn 1% vào thứ ba, do dữ liệu yếu kém về xuất khẩu và sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, IMF đã không cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế 0,5% của Nhật Bản cho năm 2020, do tác động của gói hỗ trợ tài chính bổ sung.

Các chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã giảm trong tuần. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.188 điểm (giảm 1,79%) và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 29.909 điểm (giảm 0,09%). Mặc dù sự sụt giảm trong tuần của Shanghai Composite là tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2019, chứng khoán Trung Quốc vẫn nằm trong số những thị trường có diễn tốt nhất thế giới, vì các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng một thỏa thuận thương mại đang đến rất gần giữa Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời, Bắc Kinh đã thực hiện một loạt các biện pháp nới lỏng để bù đắp sự tăng trưởng kinh tế bị suy giảm.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên