MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 13/01 – 19/01] Chứng khoán Việt Nam và chứng khoán thế giới đồng loạt phục hồi

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần lễ hồi phục mạnh…

1. TTCK Việt Nam nỗ lực hồi phục

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần mở đầu với sắc đỏ nhưng vẫn nỗ lực hồi phục vào gần cuối tuần. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa dừng ở mức 978.96 điểm và HNX-Index chốt phiên ở 103.88 điểm.

[Điểm nóng TTCK tuần 13/01 – 19/01] Chứng khoán Việt Nam và chứng khoán thế giới đồng loạt phục hồi - Ảnh 1.

Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây

VN-Index đã có một tuần hồi phục. Cùng với sự khởi sắc của nhóm ngân hàng chung, các Bluechips cũng đồng loạt hồi phục hơn tuần trước đó giúp đà phục hồi thị trường được củng cố.

Theo các chuyên gia VDSC, sau khi bứt phá thành công qua ngưỡng kháng cự 970 điểm, VN-Index đang hướng tới ngưỡng kháng cự tiếp theo là 982 điểm (tương ứng đường SMA(100)). Nếu điều chỉnh, VN-Index sẽ được hỗ trợ ở vùng 972-977 điểm.

Các chỉ báo kỹ thuật như MACD và RSI đều đã hình thành xu hướng tăng mạnh. Đường MACD đã bắt đầu cắt lên trên ngưỡng 0, trong khi RSI đã vượt 60. Phân kỳ dương của hai chỉ báo với VN-Index cũng đã được xác nhận.

Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều giảm về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần hơn so với tuần trước. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt mức trung bình khá, tương ứng đạt 68.390 hợp đồng.

2. TTCK Thế giới hồi phục

Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục, sau khi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc được ký kết. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 29.348 điểm (tăng 1,82%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 9.388 điểm (tăng 2,29%) và chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 3.329 điểm (tăng 1,96%).

Tuần qua đã có một số doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 sớm như Citigroup, JPMorgan Chase và Wells Fargo. Cùng với đó, một số dữ liệu kinh tế tích cực cũng xuất hiện vào cuối tuần. Chỉ số hoạt động của các nhà máy đã tăng tốt hơn dự báo và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng. Số lượng nhà ở mới được xây dựng cũng lên mức cao nhất kể từ năm 2006.

Chứng khoán châu Âu tăng điểm khi căng thẳng thương mại được giảm bớt. Chỉ số FTSE 100 của Vương quốc Anh đóng cửa ở 7.674 điểm (tăng 1,15%). Chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 13.526 điểm (tăng 0,32%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 6.100 điểm (tăng 1,04%).

Dựa trên các dữ liệu kinh tế mới nhất, thị trường đang suy đoán về việc cắt giảm lãi suất tới đây của Ngân hàng Anh (BoE) với tỷ lệ 0,25%. Chỉ số giá tiêu dùng của Anh đã tăng 1,3% trong tháng 12 so với một năm trước đó, thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2016. Tỷ lệ lạm phát cơ bản đã chậm lại ở mức 1,4% ở dưới mức mục tiêu 2% của BoE từ tháng 8.

Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm trong tuần với chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 24.041 điểm (tăng 0,8%). Đồng yên suy yếu và đóng cửa ở mức 110 Yên/ đô la Mỹ. Theo một cuộc khảo sát của Reuters , các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản đang tỏ ra lo ngại về sự yếu kém trong nhu cầu ô tô và các hàng hóa khác trên toàn cầu, và việc tăng thuế giá trị gia tăng trong tháng 10 sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dịch vụ được khảo sát lại tỏ ra lạc quan hơn hẳn.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục đã giảm nhẹ trước khi Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Nhưng sau khi thỏa thuận được ký kết, thị trường cũng không hồi phục. Kết thúc tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.075 điểm (giảm 0,8%). Tuy nhiên tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng Index vẫn tăng điểm và đóng cửa ở 29.056 điểm (tăng 1,46%).

Nhiều nhà quan sát trong khu vực đã xem thỏa thuận này chỉ nhằm mục tiêu chính trị trước kỳ bầu cử Tổng thống của Mỹ chứ không phải là một giải pháp cho xung đột thương mại giữa hai nước. Trung Quốc đã cam kết nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ và cũng duy trì đồng Nhân dân tệ ổn định. Giới chuyên gia cũng lo ngại rằng mục tiêu tăng 200 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ trong hai năm tới sẽ rất khó đạt được.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên