Điểm sáng ngành hàng không: Thị trường quốc tế tăng gấp 5,2 lần cùng kỳ, Vietnam Airlines và Vietjet đang dần hồi sinh
Trong bối cảnh thị trường nội địa có xu hướng giảm do người dân thắt chặt chi tiêu, thì doanh thu cốt lõi của các doanh nghiệp hàng không vẫn hồi phục mạnh mẽ trở lại, nhờ thị trường quốc tế bùng nổ. Mặc dù vậy, hoạt động cốt lõi đến nay vẫn chưa thể có lãi.
- 21-08-2023Gần 90% thị phần vận tải hàng không thuộc về nước ngoài
- 19-08-2023Hàng không sẽ tăng chuyến dịp nghỉ lễ 2/9
- 12-08-2023Hơn 6.300 chuyến bay bị chậm trong tháng 7: Hãng hàng không nào nhiều nhất?
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo cập nhật hoạt động của các hãng hàng không.
Sản lượng hành khách hàng không nội địa giảm tốc nhưng quốc tế đang bứt phá nhanh
Sản lượng vận tải hành khách trên các chuyến bay nội địa và quốc tế của các hàng hàng không Việt Nam lần lượt giảm 0,2% so với cùng kỳ và tăng 595% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023. Trong đó, sản lượng hành khách của nhóm Vietnam Airlines tăng 21% so với cùng kỳ (nội địa/quốc tế thay đổi -3%/+431%) và sản lượng hành khách của Vietjet tăng 33% so với cùng kỳ (nội địa/quốc tế thay đổi -3%/+918%).
Tổng số chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam trong quý 2/2023 và tháng 7/2023 đã giảm lần lượt -14% và -18% so với cùng kỳ, khiến số liệu lũy kế 7 tháng 2023 giảm -2%.
Điều này là do thị trường hàng không đã bình thường hóa trở lại so với thời điểm bùng nổ hậu Covid (quý 2-quý 3/2022). Ngoài ra, việc người dân thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn cũng khiến nhu cầu du lịch yếu hơn so với năm trước và là một yếu tố khiến tổng số chuyến bay giảm trong mua cao điểm năm nay bất chấp việc thị trường quốc tế đang phục hồi nhanh.
Theo Outbox Consulting, ngân sách du lịch của phần đông du khách Việt nằm trong khoảng từ 1 đến 5 triệu đồng/người trong khi tỷ lệ khách chi trên 10 triệu đồng/người ở quý 2 chiếm khoảng 30%, đã giảm 5,4% so với quý 1 khi tình hình kinh tế khó khăn hơn, thu nhập bình quân tháng của người lao động giảm so với quý 1 và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý 2 tăng so với quý 1.
Trên thực tế, thị phần nội địa của các hãng hàng không giá rẻ ít bị ảnh hưởng hơn so với các hãng hàng không khác. Theo đó, thị phần của Pacific Airlines/Bamboo Airways/ Vietravel Airlines /Vietjet thay đổi +2%/+2%/+0%/-1% so với cùng kỳ, trong khi thị phần của Vietnam Airlines giảm 3%.
Mặc dù vậy, thị trường quốc tế vẫn là điểm sáng của các hãng hàng không Việt Nam với sản lượng vận tải tăng gấp 5,2 lần cùng kỳ, đạt 8,4 triệu hành khách, và thị phần tăng thêm 6% trong 7 tháng 2023.
Doanh thu cốt lõi của Vietnam Airlines và Vietjet Air đã có sự tăng trưởng đáng kể nhờ thị trường quốc tế tăng tốc
Doanh thu vận tải và phụ trợ của Vietnam Airlines trong 6 tháng 2023 tăng 57% so với cùng kỳ và bằng 86% cùng kỳ năm 2019. Đối với Vietjet, hai khoản doanh thu này tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ và thậm chí cao hơn 20% mức trước dịch khi hãng này chủ trọng phát triển thị trường quốc tế hơn trong năm nay.
Tỷ trọng sản lượng hành khách quốc tế/doanh thu bay quốc tế của Vietjet chiếm 29%/41% trong tổng cơ cấu nửa đầu năm 2023, thay đổi lần lượt +24%/+27% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tỷ trọng sản lượng hành khách các chuyến bay quốc tế của nhóm Vietnam Airlines hiện chiếm 25% trong tổng cơ câu sản lượng (tăng 18%), nếu tính riêng Vietnam Airlines thì con số này là 28% (+21% so với cùng kỳ) do VASCO không bay quốc tế và Pacific Airlines ưu tiên phục vụ thị trường nội địa.
Mặc dù tình hình tài chính đã cải thiện đáng kể nhờ sản lượng phục hồi nhanh chóng, nhưng về cơ bản các hãng hàng không vẫn chưa thể có lãi từ hoạt động cốt lõi tính đến hết 6 tháng 2023
Để đánh giá riêng về hoạt động vận tải hàng không, Chứng khoán Rồng Việt sử dụng báo cáo tài chính công ty mẹ của Vietnam Airlines (phản ánh hoạt động vận tải hàng không của Vietnam Airlines + VASCO), và báo cáo tài chính hợp nhất của Vietjet (loại trừ hoạt động bán quyền mua động cơ, máy bay). Theo đó, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 1.361tỷ đồng trong khi Vietjet lỗ 73 tỷ đồng từ hoạt động cốt lõi.
Biên gộp tuy hồi phục đáng kể nhưng vẫn còn mỏng. Giá nhiên liệu bay hiện tại đang cao hơn khoảng 30% mặt bằng của năm 2019 (~75 USD/thùng) khiến chi phí hoạt động vẫn duy trì ở mức cao và là nguyên nhân chính bào mòn biên lợi nhuận. Mặt khác, các hãng hàng không cũng không thể chuyển toàn bộ mức biến động của chi phí nhiên liệu vào giá vé khi áp lực cạnh tranh cao hơn, chưa kể đến tác động từ việc ngân sách du lịch thắt chặt hơn của các du khách. Kể từ năm 2019, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và Vietjet liên tục nhận nhận thêm các tàu bay về để củng cố thị phần.
Chi phí tài chính cũng là một gánh nặng không nhỏ với các hãng hàng không khi vừa phải chịu áp lực lỗ tỷ giá (với các khoản nợ bằng USD) kể từ quý 3/2022 khi đồng USD tăng giá mạnh bởi chính sách tiền tệ thắt chặt của FED, và xu hướng tăng của lãi vay.
Mặc dù bức tranh lợi nhuận chưa thể thực sự khởi sắc trong thời gian cao điểm quý 2/2023 vừa qua, nhưng việc số lỗ đã giảm đi đáng kể cũng là những tín hiệu rất khích lệ của các doanh nghiệp vận tải hàng không. Trong thời gian tới, Rồng Việt cho rằng có 2 yếu tố để các hãng có được lợi nhuận cốt lõi một cách ổn định hơn bao gồm:
Thứ nhất là sự hồi phục tiếp diễn của thị trường quốc tế sẽ giúp các hãng tiếp tục tối ưu hóa được hoạt động đội bay và tăng trưởng được doanh thu cũng như cải thiện dòng tiền HĐKD.
Thứ hai, giá nhiên liệu bay giảm và duy trì ổn định ở mức dưới 100 USD/thùng.
Đối với Vietnam Airlines, việc theo đuổi chiến lược tái cơ cấu toàn diện với trọng tâm là tái cơ cấu tài sản là cũng là một điểm nhấn nhằm cải thiện bức tranh tài chính và đẩy nhanh tốc độ hồi phục của lợi nhuận thông qua việc tăng thu nhập tài chính, cải thiện dòng tiền, cũng như cắt giảm hơn nữa chi phí tài chính của công ty. Theo kế hoạch tái cơ cấu, hai hoạt động đáng chú ý được thực hiện trong quý 3này sẽ là đấu giá 3 tàu bay A321CEO và chuyển nhượng vốn của Vietnam Airlines tại Skypec sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Nhịp sống thị trường