Cổ phiếu dầu khí “dậy sóng”, VN-Index giữ vững mốc 950 điểm
Nhóm dầu khí GAS, PGS, PVB, PVC, PVS, PVD, PVT…giao dịch khởi sắc trong bối cảnh giá dầu thế giới hồi phục mạnh những ngày gần đây.
Phiên giao dịch chiều diễn ra với những nhịp rung lắc mạnh. Có thời điểm VN-Index đảo chiều giảm hơn 4 điểm, qua đó đánh mất mốc 950 điểm. Dù vậy, lực cầu gia tăng trong phiên ATC đã giúp VN-Index giữ được sắc xanh, qua đó lấy lại mốc 950 điểm.
Nhiều cổ phiếu lớn như GAS, HSG, VIC, MWG, VJC, HDB,…tăng điểm giúp VN-Index giữ được sắc xanh trong phiên hôm nay. Nhóm dầu khí GAS, PGS, PVB, PVC, PVS, PVD, PVT…cũng giao dịch khởi sắc trong bối cảnh giá dầu thế giới hồi phục mạnh những ngày gần đây.
Cổ phiếu khu công nghiệp, cao su không quá bùng nổ nhưng vẫn xuất hiện nhiều mã tăng điểm như NTC, PHR, GVR, SZC, D2D, SIP, LHG…
APH của An Phát Holdings có phiên bứt phá mạnh khi tăng hết biên độ lên 80.200 đồng với khối lượng khớp lệnh 566 nghìn đơn vị, đây cũng là thị giá kỷ lục của APH từ khi lên sàn tới nay. Tại mức giá này, vốn hóa An Phát Holdings đạt hơn 10.600 tỷ đồng.
Đà bứt phá của APH trong phiên hôm nay có thể đến từ thông tin lọt vào rổ MSCI Frontier Markets Smallcap Indexes.
Ngoài ra, việc IFC mới đây công bố đầu tư 20 triệu USD vào An Phát Holdings để hỗ trợ việc triển khai nhà máy sản xuất vật liệu compost lớn nhất Đông Nam Á dưới hình thức khoản vay chuyển đổi 7 năm có thể chuyển đổi thành cổ phiếu APH cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực.
Với dự án này, APH sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh, đưa sản phẩm thân thiện với môi trường được ưa chuộng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Dự án có kinh phí 82 triệu USD, dự kiến khởi công đầu năm 2021 tại Hải Phòng, xây dựng trong khoảng 18 tháng, hoàn thành cuối năm 2022, công suất 20.000 tấn/năm. Khi dự án hoàn thành vào năm 2022, APH dự kiến sẽ giảm 20-30% chi phí sản xuất cho các công ty con trong khi công ty mẹ vẫn được hưởng tỷ suất lợi nhuận gộp từ 25-30% của dự án này. APH đặt mục tiêu đến năm 2023 các sản phẩm có thể phân hủy được sẽ đóng góp 40-50% doanh thu từ bao bì của Tập đoàn.
Báo cáo hợp nhất quý 3/2020 cho biết APH đạt 66,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,32 điểm (0,03%) lên 952,22 điểm; HNX-Index tăng 0,32% lên 141,82 điểm và UPCom-Index tăng 1,35% lên 65,03 điểm. Thanh khoản toàn thị trường duy trì mức cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt 9.300 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại vẫn khá tiêu cực khi họ bán ròng gần 600 tỷ đồng trên HoSE, lực bán tập trung vào các Bluechips như MSN, HPG, VNM, MBB, CTG…
===========================================
Sau ít phút hưng phấn buổi sáng, áp lực bán đã quay trở lại khiến thị trường đảo chiều. Nhiều cổ phiếu lớn như BVH, FPT, MSN, HPG, VIC, VNM, VJC, PLX, VRE, PNJ…đồng loạt giảm đang tác động tiêu cực tới thị trường.
Tại thời điểm 14h, chỉ số VN-Index giảm 1,51 điểm (0,16%) xuống 950,39 điểm; HNX-Index giảm 0,13% xuống 141,18 điểm và chỉ có UPCom-Index giữ được sắc xanh khi tăng 1,26% lên 64,96 điểm.
======================================
Càng về cuối phiên sáng, diễn biến thị trường càng trở nên tích cực với sự bứt phá mạnh của các Bluechips như BVH, GAS, HSG, VCB, SAB, PLX, MWG, VHM,…
Bên cạnh đó, các cổ phiếu bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp, cao su…cũng thu hút dòng tiền và tăng khá tốt. Nhóm chứng khoán dù không quá bùng nổ nhưng cũng xuất hiện nhiều mã tăng điểm như CTS, HCM, SSI, VND, VCI, FTS…
Tại thời điểm 11h15’, chỉ số VN-Index tăng 4,43 điểm (0,47%) lên 956,33 điểm; HNX-Index tăng 0,12% lên 141,54 điểm và UPCom-Index tăng 1,42% lên 65,07 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức trung bình với giá trị giao dịch 3 sàn đạt gần 4.000 tỷ đồng.
Khối ngoại hiện bán ròng gần 40 tỷ đồng trên toàn thị trường, lực bán tập trung vào các Bluechips như MSN, MBB, HPG, SSI…
====================================
Phiên giao dịch 11/11 diễn ra với sắc xanh hiện diện ngay từ những phút mở cửa dù thị trường vừa bị "đánh úp" trong phiên hôm qua. Dẫn dắt đà tăng lúc này là các cổ phiếu Bluechips như BVH, FPT, GAS, VCB, PLX, MWG, VHM, TCB…
Bên cạnh đó, nhóm bất động sản, xây dựng cũng giao dịch khá tốt với nhiều mã tăng như CTD, DXG, FCN, HBC, KDH, NTL, SJS, DPG…
Nhóm dầu khí cũng tiếp đà hồi phục với nhiều mã tăng như PVB, GAS, PVS, PVT, PVD…, dù mức tăng nhìn chung không quá mạnh. Trong nhóm dầu khí, PET là cái tên nổi bật nhất khi tăng trần lên 12.350 đồng.
VCS sau thông tin lấy ý kiến cổ đông chia thưởng 4,8 triệu cổ phiếu quỹ cũng thu hút dòng tiền khá tốt và hiện tăng 1.600 đồng.
Trong khi đó, nhóm hàng không sau phiên bùng nổ hôm qua đã "hạ nhiệt" và HVN, VJC hiện đang chìm trong sắc đỏ. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu dịch vụ hàng không như AST, CIA, ACV, NCT vẫn duy trì đà tăng.
Tại thời điểm 10h20’, chỉ số VN-Index tăng 2,13 điểm (0,22%) lên 954,03 điểm; UPCom-Index tăng 0,24% lên 64,32 điểm trong khi HNX-Index giảm 0,04% xuống 141,31 điểm. Thanh khoản toàn thị trường ở mức trung bình với giá trị giao dịch 2.500 tỷ đồng.
===================================
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tiếp tục tăng điểm ở phiên 10/11, trong khi thị trường "xoay chuyển" khỏi những cái tên phát triển mạnh trong đại dịch và chuyển sang các cổ phiếu liên quan đến sự phục hồi kinh tế.
Dow Jones tăng 262,95 điểm, tương đương 0,9%, đóng cửa ở mức 29.420,92. Tuy nhiên, S&P 500 và Nasdaq Composite có phiên giao dịch trắc trở trong bối cảnh các tên tuổi công nghệ lớn sụt giảm mạnh. S&P 500 đóng cửa giảm 0,1% ở 3.545,53 điểm và Nasdaq giảm 1,4% xuống 11.553,86 điểm.
Trong nước, VN-Index có thời điểm vượt mốc 960 điểm trong phiên 10/11 nhưng đóng cửa đã đảo chiều lùi về sát mốc 950 điểm. Khối ngoại vẫn bán ròng gần 750 tỷ đồng trên toàn thị trường đã tác động tiêu cực tới tâm lý giới đầu tư.