MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện gió vẫn ì ạch

Để giải bài toán nguồn điện “sạch” trên vùng đất cực Nam Trung Bộ đầy nắng, thừa gió này quả không dễ.

Bình Thuận và Ninh Thuận là 2 tỉnh được đánh giá là giàu tiềm năng về gió nhất nước. Nhiều năm qua, mặc dù 2 địa phương này đã ra sức kêu gọi đầu tư nguồn năng lượng nói trên nhưng hiện Bình Thuận chỉ có 2 nhà máy điện gió được xây dựng, đưa vào vận hành. Còn lại ít nhất hơn chục dự án bị bỏ dở hoặc nhà đầu tư “án binh bất động” vì nhiều lý do.

Đăng ký nhiều, triển khai ít

Theo báo cáo của Sở Công Thương Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có tới 18 dự án điện gió đăng ký đầu tư; trong đó 5 dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Giữa năm 2011, nhà máy điện gió Tuy Phong, huyện Tuy Phong chính thức vận hành, hòa vào lưới điện quốc gia sau hơn 3 năm xây dựng. Đây là nhà máy điện gió đầu tiên của cả nước do Công ty CP Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) đầu tư với công suất 30MW, sản lượng điện trung bình 6.500 MWh/tháng. Tiếp đó, vào cuối tháng 1-2013, nhà máy Phong điện Phú Quý tại huyện đảo Phú Quý có công suất 6 MW, sản lượng điện khoảng trên 25 triệu kWh/năm. Nhà máy này do Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Điện lực dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 335 tỉ đồng.

Theo Sở Công Thương Bình Thuận, ngoài 2 nhà máy nói trên, dự kiến cuối năm 2016, sẽ có thêm nhà máy điện gió Phú Lạc ở huyện Tuy Phong, có công suất 24MW đi vào vận hành. Dự án này do Công ty CP Phong điện Thuận Bình làm chủ đầu tư, tổng vốn khoảng 1.100 tỉ đồng, khởi công từ tháng 7-2015.

Theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, nhà đầu tư đến địa phương đăng ký dự án điện gió thì nhiều nhưng sau đó hầu hết đều chậm tiến độ, thậm chí sau khi triển khai một thời gian thì dừng vì chủ đầu tư gặp khó khăn.

Đơn cử như Dự án Nhà máy Điện gió Thuận Nhiên Phong do Công ty CP Tái tạo năng lượng Châu Á làm chủ đầu tư, có công suất 60MW đặt tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình khởi công từ năm 2011. Đến nay, dự án phải tạm dừng hoạt động vì nhiều lý do, trong đó kinh phí là nguyên nhân chính.

Tại Ninh Thuận, trong khoảng 10 năm trở lại đây có ít nhất 6 nhà đầu tư đến khảo sát, đặt vấn đề với chính quyền địa phương để đầu tư nhà máy điện gió nhưng sau đó “một đi không trở lại” dù tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi.

Trong khi đó, trong 2 năm 2014 – 2015, UBND tỉnh đã phải thu hồi 2 dự án nhà máy điện gió (công suất 50 MW/nhà máy) tại huyện Ninh Phước với vốn đầu tư lên đến trên 1.200 tỉ đồng/dự án. Lý do: chủ đầu tư không triển khai dự án, sau hơn 4 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Hiện tỉnh Ninh Thuận chỉ còn dự án nhà máy điện gió Mũi Dinh có công suất 37,6 MW, vốn đăng ký 1.472 tỉ đồng nhưng cũng rất ì ạch, sau khi được tỉnh cấp chứng nhận đầu tư vào cuối tháng 10-2012. Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, do vướng quy hoạch của Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 nên chủ đầu tư phải điều chỉnh các trụ điện gió bị chồng lấn để bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định. Dự án này đang tiến hành các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng để có thể khởi công trong tháng 8-2016.

Giá điện thấp, chi phí cao

Theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, sở dĩ nhà đầu tư ít mặn mòi với các dự án điện gió vì giá bán điện quá thấp, nhà đầu tư khó thu hồi vốn, chưa kể nếu vay ngân hàng thì phải gồng mình trả lãi và vốn.

“Cả nước hiện chỉ có 3 dự án điện gió đang hoạt động, trong đó Bình Thuận có 2 dự án nhưng tất cả đang gặp nhiều khó khăn về trả nợ và lãi vay. Còn các dự án đã được cấp phép chưa thể khởi công hoặc khởi công cầm chừng do không vay được vốn. Nhà đầu tư cho rằng giá bán mỗi kWh điện gió hiện nay chưa phù hợp cho nên nếu đầu tư thì rất khó thu hồi vốn; thậm chí không bảo đảm tính khả thi để vay vốn ngân hàng” - ông Thịnh chia sẻ.

Được biết, để khuyến khích phát triển điện gió tại Việt Nam, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ các dự án điện gió nối lưới với giá mua khoảng 7,8 USCent/kWh kèm theo một số ưu đãi về thuế và phí. Tuy nhiên, từ khi quyết định này có hiệu lực, đến nay giá điện gió vẫn chưa được thay đổi, khiến tình hình phát triển các dự án điện gió vẫn rất chậm.

Cũng theo ông Thịnh, so với các nước có ngành điện gió phát triển thì đầu tư điện gió ở Việt Nam có chi phí đầu tư lớn, thiết bị phải nhập khẩu, cơ sở hạ tầng yếu, thiếu chuyên gia,… Ở nhiều quốc gia, nhà nước trích để lập quy hoạch, tính toán tiềm năng phát triển điện gió từng khu vực, sau đó tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư. Ở nước ta, các nhà đầu tư thường phải tự bỏ chi phí ra dựng cột đo gió, sau đó lập dự án đầu tư nên tốn kém thời gian và chi phí lớn.

Do đó, để giải quyết những khó khăn trên, Hiệp hội Điện gió Bình Thuận đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét chính sách phát triển điện gió tại Việt Nam. Theo đó, Chính phủ cần có lộ trình tăng giá mua điện gió từ 7,8 USCent/KWh hiện nay lên mức 10 USCent/KWh vào năm 2016 và 12 USCent/KWh sau năm 2020; đồng thời định hướng các nguồn vốn vay ưu đãi để nhà đầu tư mạnh dạn thực hiện các dự án điện gió…

Tiềm năng chưa được khai thác

Theo kết quả đánh giá của Chương trình năng lượng Châu Á do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, uớc tính tiềm năng gió của Việt Nam (trên độ cao 65 mét) đạt 513.360 MW, lớn hơn 200 lần công suất nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng này mới chỉ là lý thuyết mà chưa được khai thác triệt để.

Theo Lê Trường – Minh Hải

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên