Điện mặt trời mái nhà vẫn chờ quy định về công suất
Để khuyến khích điện mặt trời phát triển đúng nghĩa, nên tháo nút thắt quy định khống chế hệ thống điện mặt trời mái nhà dưới 1MW, tiến tới thực hiện dự án theo diện tích mái nhà có sẵn.
- 12-09-2020Báo Nga: Nền kinh tế khu vực Đông Nam Á như một bức tranh với các quốc gia đang "ngả chiều" khi Việt Nam là "bình minh đang lên"
- 11-09-2020Nhóm ngành nào sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong thời gian tới?
- 11-09-2020The ASEAN Post: Các chuyên gia tin tưởng vào khả năng dập dịch của Việt Nam
- 11-09-2020Vì sao nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ?
Tiềm năng điện áp mái
Theo thông tin từ Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) tính đến cuối tháng 7/2020, cả nước có tổng cộng gần 100 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất 5.053 MW và 11 nhà máy điện gió hoạt động với tổng công suất hơn 400 MW và 325 MW điện sinh khối. Tổng công suất điện gió và điện mặt trời chiếm khoảng 9,5% tổng công suất nguồn điện của hệ thống.
Nhằm hưởng ứng Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị và Quyết định số 11, 13 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng điện mặt trời. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào các dự án điện mặt trời áp mái tại Ninh Thuận, Bình Thuận và Gia Lai trong thời gian qua.
Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành thì không được ký hợp đồng mua bán điện với bên điện lực, do phải chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp.
Mặt khác, phát triển mô hình điện mái nhà đã giải quyết phần lớn nhu cầu cấp thiết việc làm cho người lao động và tạo nguồn thu ngân sách, nên một số tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện cấp phép cho doanh nghiệp , như; tỉnh Gia Lai, Đăk Nông, Trà Vinh, Ninh Thuận...
Với UBND tỉnh Gia Lai, ban lãnh đạo tỉnh đã đặt mục tiêu chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh, không phát sinh các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư điện mặt trời mái nhà. Từ đầu năm 2020 đến nay, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và bổ sung ngành nghề liên quan đến điện áp mái tại Gia Lai tăng đột biến, có những tháng, Gia Lai tiếp nhận trên 300 đơn đăng ký đầu tư điện mặt trời áp mái.
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Gia Lai, địa phương này hiện có tiềm năng phát triển 490 MWp điện mặt trời mái nhà, có thể thu hút đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng.
Với tỉnh Đăk Nông, ông Nguyễn Văn Trình, phó Giám đốc Điện lực Đăk Nông thông tin: Để khuyến khích và tạo thuận lợi cho khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà, ngoài các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của EVN và EVNCPC, Điện lực Đắk Nông sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh. Đầu tư điện mái nhà không chỉ bổ sung nguồn điện xanh, sạch mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho rằng, đối với các dự án có tính cấp bách như năng lượng tái tạo, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ toàn bộ các dự án, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt 2.000 MW điện Mặt Trời hòa lưới điện trong năm 2020.
Nhưng, đại diện các danh nghiệp cho biết, với quy định đầu tư hệ thống điện mặt trời lắp trên mái nhà chỉ khống chế cho lắp đặt công suất dưới 1 MW đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Vẫn chưa có hướng dẫn
Để khuyến khích điện mặt trời phát triển đúng nghĩa, các chủ đầu tư cho rằng nên tháo nút thắt quy định khống chế hệ thống điện mặt trời mái nhà dưới 1MW, tiến tới thực hiện dự án theo diện tích mái nhà có sẵn để đảm bảo tối ưu lợi ích của doanh nghiệp và Nhà nước. Đặc biệt với sự phát triển của nền công nghiệp năng lượng, không nên hạn chế việc lắp đặt các hệ thống điện mặt trời áp mái dưới 1MW.
Bởi lẽ trên thực tế, dù là hệ thống lớn hay nhỏ thì vẫn cần một bộ inveter và việc lắp đặt như nhau. Nếu được lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất lớn hơn 1MW người dân chỉ mất một lần đầu tư, xây dựng chứ không phải chia nhỏ để đảm bảo thực hiện đúng quy định.
Trước những kiến nghị trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đang tổng hợp thêm các ý kiến từ các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp, nhà đầu tư. "Trong thời gian rất ngắn tới, sẽ có hướng dẫn cụ thể, giúp cho việc đầu tư điện mặt trời là một định hướng rất đúng đắn của Đảng, Chính phủ và cũng đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư", ông Hải nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 05/8/2020, Bộ Công thương có cuộc họp tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thảo luận về các vướng mắc đang diễn ra trong hoạt động mua điện mặt trời mái nhà. Lãnh đạo Bộ Công thương cũng khẳng định sẽ sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển điện mặt trời mái nhà.
Theo đó, vướng mắc lớn nhất chính là nội dung "về công trình xây dựng để xác định loại hình điện mặt trời mái nhà khi có rất nhiều dự án gần 1 MWp thực hiện theo mô hình trang trại nông nghiệp và chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng để xác định có phải là điện mặt trời mái nhà hay không"?
Đến nay Bộ công thương vẫn đang hoàn thiện ý kiến cho bản dự thảo hướng dẫn các địa phương và EVN cũng như các đơn vị đã được giới đầu tư điện mặt trời mái nhà.
Trong đó, nội dung Dự thảo có nêu, để phù hợp với quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, công trình, nhà xưởng xây dựng của trang trại phải có mái nhà. Mái nhà của trang trại cần phù hợp với công năng, loại hình trang trại. Chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà của công trình trang trại nông nghiệp bổ sung xác nhận UBND cấp xã hoặc huyện về việc khai báo xây dựng trang trại vào hồ sơ đăng ký/thỏa thuận đấu nối điện hoặc hợp đồng mua bán điện.
Điều này đang khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng khi họ đã bỏ hàng chục, hàng trăm tỉ có nguy cơ rủi ro. Do đó để nhanh chóng, phù hợp với quy định mới nhiều nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà đã tranh thủ tìm đường xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Cụ thể từ đất trang trại sang đất nông nghiệp khác theo quy định của Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT, sau đó xin giấy phép xây dựng, bổ sung bổ sung mục để có công trình có mái, làm cơ sở lắp tấm pin lên trên để được tính giá điện áp mái nhà.
Diễn đàn Doanh nghiệp