MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện than rẻ hay đắt?

Điện than rẻ hay đắt?

Dự thảo Quy hoạch điện VIII đề xuất tăng thêm khoảng 3.000MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030. Cuộc khủng hoảng điện từ Trung Quốc và giá than tăng 150%, đã dấy lên lo âu điện than sẽ trở nên đắt đỏ trong thời gian tới.

Điện than không hề rẻ

Nhìn sang nước bạn, Trung Quốc là một quốc gia có nhiều nhà máy điện than. Trước sức ép cắt giảm phát thải khí nhà kính, Trung Quốc đang thu hẹp công suất điện than, cùng với đó là áp lực giá than tăng vọt khiến nguồn cung điện của Trung Quốc ngày càng căng thẳng, gần một nửa địa phương của quốc gia này đã phải hạn chế sử dụng điện vì thiếu điện.

Điện than rẻ hay đắt? - Ảnh 1.

Điện than không hề rẻ khi nguyên liệu hóa thạch ngày càng ít đi. Ảnh An Hòa

 Theo Liên  minh  Năng  lượng  bền  vững Việt Nam (VSEA), giá than 6 tháng đầu năm 2020 chỉ 98,8 USD/tấn, nhưng đến nay là 159,7 USD/tấn, tăng 150%. Với giá than như trên, giá điện sẽ vào khoảng từ 10 - 11 UScent/kWh, đắt hơn điện gió ngoài khơi hưởng giá FIT là 9,8 UScent/kWh. Nếu tính cả chi phí ngoại biên (chi phí môi trường sức khỏe) giá sản xuất điện than có thể tăng thêm 5 UScent/kWh nữa, tương đương 15 - 16 UScent/kWh, đắt hơn tất cả các loại hình năng lượng tái tạo.

Cũng theo phân tích của VSEA, trong khi dự thảo Quy hoạch điện VIII ước tính vào năm 2030 giá than chỉ ở mức 75 USD/tấn, nhưng giá than hiện nay đã cao gấp 2 lần, trong khi than đá là nguồn nguyên liệu không tái tạo, ngày càng ít dần thì giá chỉ có thể tăng chứ khó giảm.

Chẳng những giá thành 1kW điện đắt đỏ mà việc đầu tư nhà máy điện than cũng rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), suất đầu tư nhiệt điện than là 1.274 USD/kW, của nhiệt điện khí là 933 USD/kW, tức là suất đầu tư nhiệt điện than đắt gấp 1,36 lần nhiệt điện khí; điện khí và điện than có tuổi thọ ngang nhau nhưng nếu thời gian xây dựng nhà máy điện khí chỉ mất 3 năm, thì nhiệt điện than có thể đến 4,5 năm.

Nhà máy điện than không chỉ phát thải khí SO2, CO2, NOx… mà còn phát sinh lượng tro xỉ, bụi siêu mịn rất lớn. Với quy mô một nhà máy điện than 1.200 MW sẽ thải ra khoảng 1,2 triệu tấn tro xỉ/năm thì cần 15 ha/năm để chứa tro xỉ. Tổng cộng 55.300 MW nhiệt điện than quy hoạch đến năm 2030, cần gần 700 ha để chứa tro xi.

Điện than rẻ hay đắt? - Ảnh 2.

Giá than nhập khẩu đắt đỏ kéo theo giá điện than tăng cao. Ảnh TL

 Điện than, than thiếu vốn

Theo VSEA dù quá thời gian đưa nhà máy vào hoạt động theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng hàng loạt dự án điện than đành “lỡ hẹn”. Nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ là do thiếu vốn đầu tư, khó khăn này sẽ ngày càng gia tăng khi phong trào thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch ngày càng mạnh mẽ và những quốc gia còn lại cuối cùng trong nhóm hỗ trợ phát triển điện than cũng đã tuyên bố dừng cấp tài chính hoặc chuyển hướng đầu tư sang năng lượng sạch. Điều này cảnh báo rất rõ nguy cơ các dự án điện than không tiếp cận được nguồn vốn, dẫn tới chậm tiến độ và gây rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia.

Theo số liệu khảo sát của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) vừa công bố, cho thấy có 18 dự án nhiệt điện than mới được chuyển tiếp và đưa vào dự thảo quy hoạch điện VIII khó khả thi về tiếp cận vốn.

Theo đó, có 18 dự án nhiệt điện than khó khả thi trong tiếp cận vốn có tổng công suất 20.400 MW, bao gồm 14 dự án sử dụng than nhập khẩu với tổng công suất 18.830 MW và 4 dự án sử dụng than nội địa với tổng công suất 1.570 MW.

Điện than rẻ hay đắt? - Ảnh 3.

Điện khí hóa lỏng LNG, điện gió, điện sinh khối, điện mặt trời được đề xuất thay thế cho các dự án điện than trong giai đoạn tới. Ảnh TL

 Trong số 14 dự án sử dụng than nhập khẩu như nêu trên, chủ đầu tư dự án Quỳnh Lập I, II (Nghệ An), Long Phú II (Sóc Trăng) đề xuất dừng triển khai. Trong khi đó, chủ đầu tư dự án điện than Vũng Áng III (Hà Tĩnh) đề xuất chuyển sang điện khí LNG.

Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, Tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết, tỷ trọng sản lượng điện từ đốt than tăng từ khoảng 33,4% năm 2015 lên 49,3% vào năm 2020 và 53,2% vào năm 2030.

Theo quy hoạch chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam, vào năm 2030, đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước với tổng công suất 18.270 MW, sử dụng hàng chục triệu tấn than mỗi năm.

“Đây là một quyết định hệ trọng cần cân nhắc vì hậu quả tai hại đối với môi trường và sức khỏe của 18 triệu người dân đang sinh sống tại một trong ba châu thổ lớn của thế giới đang bị uy hiếp nhất bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng”, GS Trân lo lắng nói.

Trong khi đó, khuyến nghị của đại diện liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV & GIZ - đơn vị lập quy hoạch tích hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo đơn đặt hàng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Nếu có giải pháp đồng bộ về nguồn lực, đầu tư hạ tầng cấp khí, truyền tải điện và chính sách giá điện hấp dẫn thì khả năng đến 2030 chỉ riêng nguồn nhiệt điện khí LNG, điện gió, mặt trời, sinh khối có thể đạt gần 19.000 MW. Trong điều kiện biến đổi khí hậu thì việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp phát triển bền vững cho vùng”.

Theo An Hòa

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên