MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều chỉnh quy hoạch phá nát hạ tầng: Sửa sai thế nào?

21-06-2022 - 07:13 AM | Bất động sản

Cơ quan chức năng và các chuyên gia cho rằng, để đảm bảo đô thị với hạ tầng đồng bộ, việc điều chỉnh quy hoạch không chạy theo nhà đầu tư vốn chỉ hướng đến lợi nhuận, phải có sự kết nối hạ tầng đô thị.

Chấn chỉnh vi phạm quy hoạch

Vừa qua, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra những vi phạm, sai sót của 19 dự án khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu. Nhiều dự án ở đây liên tục điều chỉnh làm thay đổi chức năng sử dụng đất, “nhồi” thêm tầng cao, bớt diện tích cây xanh…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết: “Với những quy hoạch đã tốt rồi không nên điều chỉnh. Tuy nhiên, cũng không nên cứng nhắc bởi quy hoạch đô thị 10- 20 năm sau không phù hợp có thể điều chỉnh. Về nguyên tắc chung là hạn chế điều chỉnh, ưu tiên các tiện ích công cộng, cây xanh, môi trường thay vì chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư trong điều chỉnh quy hoạch”.

Cụ thể, cụm nhà ở hỗn hợp chung cư kết hợp với văn phòng và siêu thị tại ô đất có ký hiệu 2.5HH đường Lê Văn Thiêm, UBND TP Hà Nội 1 lần điều chỉnh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc 3 lần điều chỉnh sai quy định, nâng tầng từ trung bình 6,5 tầng thành 25 tầng, điều chỉnh tăng số căn hộ từ 352 thành 740 căn, dân số tăng từ 2.112 người lên 2.652. Tại dự án HAAC1 Time Tower do Công ty CP Xây dựng số 1 Hà Nội là chủ đầu tư, cơ quan thanh tra cũng phát hiện UBND TP Hà Nội 2 lần điều chỉnh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc 1 lần điều chỉnh sai quy định tăng tầng cao từ trung bình 7,2 tầng thành 25 tầng, mật độ xây dựng từ 56,7% lên 59,5%, tăng thêm dân số (tạm tính) 680 người…

Sau kết luận thanh tra khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính với hàng loạt vi phạm được chỉ rõ, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh sẽ có nhiều nhóm vấn đề được rút ra, cùng với những đề nghị, kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh các vi phạm trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và giám sát thực hiện sau quy hoạch.

 Điều chỉnh quy hoạch phá nát hạ tầng: Sửa sai thế nào?  - Ảnh 1.

Nhiều khu đô thị bị điều chỉnh quy hoạch phá nát hạ tầng. Ảnh: Như Ý

Việc điều chỉnh quy hoạch theo ông Tuấn, phải đảm bảo đúng quy trình, quy định. Và chỉ thực hiện khi xuất hiện một trong 5 yếu tố sau: Khi có sự điều chỉnh về chiến lược, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; hình thành các dự án yếu tố có trọng điểm quốc gia; quy hoạch không thể thực hiện được; sự biến động về thủy chất, địa văn; phục vụ lợi ích quốc gia, cộng đồng.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, điều chỉnh quy hoạch là khái niệm rất bình thường nếu đảm bảo các yếu tố nêu trên. Và khi điều chỉnh thì cần làm gì, quy trình ra sao cũng đã được pháp luật quy định rõ ràng. Theo đó, việc điều chỉnh phải thực hiện nghiêm theo quy định tại điều 50, 51 của Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cũng nhắc đến nội dung rất quan trọng khác sau thanh tra, đó là việc đôn đốc thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cây xanh… để phục vụ đông đảo người dân.

Chỉ quan tâm đến lợi nhuận

Theo một báo cáo từ năm 2019, cả nước có hơn 4.000 dự án, trong đó 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ một đến 6 lần, có dự án tới 9 lần. Phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại...

Theo Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tại Hà Nội, tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ lên tới 70%, trong khi đó tại TPHCM, tỷ lệ này cũng ở mức trên 40%. Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở theo đề xuất của chủ đầu tư.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên theo KTS Tùng phần lớn đến từ việc trong quá trình thẩm định quy hoạch, sự phối hợp giữa các cơ quan còn nhiều hạn chế. Việc lấy ý kiến cộng đồng còn chưa đúng đối tượng theo quy định, chưa tổng hợp, giải trình đầy đủ, thấu đáo các nội dung góp ý vào quy hoạch; chưa đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và cộng đồng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam phân tích, Hà Nội là đô thị lịch sử luôn được xây dựng mới. Theo đó, Hà Nội có 4 lần quy hoạch và để tác động đến quy hoạch gần 100 nghị định liên quan.

“Điều chỉnh quy hoạch được ghi trong các luật quy hoạch nhưng vấn đề là ta thực hiện điều chỉnh quy hoạch thế nào. Điều chỉnh quy hoạch có điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Việc điều chỉnh như ở tuyến đường Lê Văn Lương có nhiều vấn đề đặt ra. Trong Luật Thủ đô, khi mở đường mới thì thu hồi 2 bên đường để tránh hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo nhưng thực tế chưa thực hiện được bởi vướng vào những cái khác”, ông Nghiêm nói.

Theo ông Nghiêm, bài học ở đây là khi phát triển đô thị phải gắn kết hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông. “Cái này chúng ta có quy hoạch đồng bộ nhưng thiếu nguồn lực thực hiện và còn có sự bất cập giữa các luật đầu tư. Hiện nay, các nhà đầu tư chỉ chú trọng khu vực dự án của họ, còn bên ngoài không phải trách nhiệm của họ. Phải chăng Nhà nước cần rà soát để có cái đối chiếu hợp lý: muốn làm khu đô thị này thì chúng ta phải có kết hợp hạ tầng”, ông Nghiêm nói,

Theo ông Nghiêm, tuyến đường Lê Văn Lương, ngay từ khi làm tuyến đường và khu đô thị này đã có đề xuất mở rộng kết nối tuyến đường này. Nhưng vì chưa có đủ nguồn lực nên chưa mở rộng đường trong khi đó các dự án khu đô thị, nhà cao tầng vẫn cứ xây dựng. “Đấy là bất cập hay thiếu hài hòa đầu tư hạ tầng kỹ thuật, khu đô thị. Ai giải quyết việc này phải có luật và cần làm rõ,”, ông Nghiêm nói.


Theo Ngọc Mai

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên