MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều đặc biệt tại Diễn đàn kinh tế sắp diễn ra tại Hà Nội, quy tụ hàng loạt học giả danh tiếng trong và ngoài nước

Diễn đàn quốc tế lần thứ nhất về phát triển bền vững Việt Nam (VSF) sẽ diễn ra từ ngày 18 – 19/1.

Sau hơn 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với nền kinh tế thị trường phát triển năng động và tích cực hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc về tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, như nhiều nước đang phát triển khác, các thành tựu này vẫn còn mong manh và chưa đạt hiệu quả lâu dài.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu, bao gồm sự gia tăng về cường độ và tần suất xuất hiện thời tiết khắc nghiệt, thảm họa thiên nhiên, mực nước biển dâng cao, xói mòn và lở đất và đặc biệt là nguy cơ cạn kiệt các nguồn năng lượng hóa thạch.

Theo đó, chính sách phát triển bền vững của Việt Nam đã và đang đối mặt với hàng loạt thách thức liên quan tới biến động khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.

Ngoài ra mục tiêu phát triển bền vực cũng chịu tác động bởi ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, biến động giá lương thực và năng lượng, tiêu dùng lãng phí và kém hiệu quả, nông sản kém chất lượng…

Bởi vậy, tăng trưởng xanh được cho là con đường duy nhất cho mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Việc phát triển các mô hình kinh tế và xã hội mới để hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam, đồng thời nâng cao năng lực của nền kinh tế để vượt qua các thách thức kinh tế và môi trường hiện tại và tương lai, đã trở thành một vấn đề hết sức cấp thiết.

Để thúc đẩy những trao đổi kịp thời và có giá trị cho các chủ thể xã hội, AVSE Global phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch & Đầu tư) tổ chức Diễn đàn Phát triển bền vững Việt Nam (Vietnam Sustainability Forum) tại Hà Nội và Quảng Ninh trong hai ngày 18-19/1/2018 với chủ đề "Nhìn lại mô hình tăng trưởng thịnh vượng, bền vững môi trường và hoà nhập xã hội".

Trong phiên họp toàn thể của hội nghị, các bài thuyết trình sẽ được giới thiệu bởi: đại diện Chính phủ Việt Nam trao đổi về chính sách phát triển bền vững của đất nước; các nhà kinh tế danh tiếng trên thế giới trao đổi về nền kinh tế bền vững;  Tổng giám đốc của một tập đoàn quốc tế nổi tiếng trình bày về quan điểm của thế giới kinh doanh.

Bên cạnh đó, ba nhóm hội thảo chuyên đề được thiết lập xoay quanh những chủ đề cấp thiết, trong đó bao gồm:

(1) Tăng trưởng kinh tế bền vững và hòa nhập xã hội: Các thách thức, mô hình và lộ trình

(2) Các sáng kiến về đầu tư và tài chính bền vững

(3) Các xu hướng gần đây về đổi mới và công nghệ để giải quyết biến đổi khí hậu

Đặc biệt hơn, tất cả các chủ đề hội thảo chuyên đề về phát triển bền vững sẽ được nhìn nhận và thảo luận trên một ví dụ cụ thể trong hội thảo chuyên đề số 4: Đặc khu Hành chính và Kinh tế Vân Đồn: Một thành phố bền vững và các cơ hội đầu tư.

Chủ đề này sẽ được tiếp tục khai thác và thảo luận ngày thứ 2 trong chuyến thực địa tại chính các huyện đảo Vân Đồn, dưới sự hỗ trợ và tổ chức thực địa của tỉnh Quảng Ninh.

VSF 2018 có sự tham gia của những chuyên gia nổi tiếng thế giới và Việt Nam như Andreas Schleicher, Giám đốc Ủy ban Giáo dục và Kỹ năng, OECD; Valerio De Luca, Giám đốc điều hành, Diễn đàn bền vững toàn cầu; Louise Chamberlain, Giám đốc UNDP Việt Nam; Patrick Criqui, Thành viên Hội đồng Kinh tế vì Phát triển bền vững của Bộ trưởng Sinh thái Pháp; Bùi Tất Thắng, Viện trưởng, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; GS. TS. Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu; PGS. Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore; Rao R. Bhavani, Giám đốc AMMACHI Labs, UNESCO Chair, Giám đốc Trung tâm trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới; Lê Văn Cường, Giáo sư, Đại học Kinh tế Paris; Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Stefano Bosi, Giáo sư, Đại học Paris Saclay...

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên