MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì giúp Việt Nam hấp dẫn các ông lớn Apple, Samsung, Foxconn…?

Một nhà máy của Tập đoàn Intel ở TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều

Một nhà máy của Tập đoàn Intel ở TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều

Bất chấp tác động của đại dịch, Việt Nam vẫn đang và sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau khi hàng loạt "ông lớn" đã dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất vào như Apple, Dell, Foxconn, Pegatron…

Đây là ý kiến được các nhà quản lý, chuyên gia nhận định tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2022 chủ đề "Khơi thông làn sóng đầu tư mới", do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút hơn 15,54 tỉ USD vốn FDI đăng ký mới; vốn giải ngân đạt trên 11,57 tỉ USD tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.

Trong đó, các khu kinh tế, khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Hiện cả nước có 564 khu công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích 211.700 ha, trong đó có 292 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.

Theo đánh giá của các chuyên gia và tổ chức tài chính quốc tế, Việt Nam đang đứng trước "cơ hội vàng" để thu hút một làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được hơn 10.000 dự án trong nước và gần 11.000 dự án FDI còn hiệu lực. Riêng tổng vốn đầu tư FDI là khoảng 230 tỉ USD. Những năm gần đây, trung bình hằng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35% - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước.

"Khu công nghiệp, khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu như Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP… Nhiều doanh nghiệp trong nước với khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã phát triển thành tập đoàn đầu tư đa ngành, góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Điều gì giúp Việt Nam hấp dẫn các ông lớn Apple, Samsung, Foxconn…? - Ảnh 1.

Các diễn giả trao đổi tại phiên thảo luận của diễn đàn sáng 11-8. Ảnh: Thái Phương

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, vốn giải ngân FDI trong 7 tháng qua vẫn tăng so với cùng kỳ phản ánh nhu cầu tăng vốn, mở rộng quy mô hoạt động của các dự án hiện hữu vẫn tiếp tục tăng bất chấp tác động của dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp FDI đang phục hồi và dần mở rộng dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

"Việt Nam tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng. Một số tập đoàn lớn đã thực hiện quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam như Apple, Dell, Foxconn, Pegatron…" - ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc các tập đoàn lớn đang có kế hoạch dịch chuyển hoặc tái cơ cấu chuỗi sản xuất theo hướng "Trung Quốc + 1", mà Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong xu hướng dịch chuyển này, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng mới. Điều này góp phần cải thiện về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản trị, có thể góp phần hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế trong nước.

Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG, nhận định dù kinh tế khó khăn nhưng mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam vẫn tốt và thậm chí có phần tăng lên. Tuy vậy, cần cẩn trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới có khả năng đi vào suy thoái từ năm 2023 tại Mỹ, EU sẽ ảnh hưởng đến làn sóng đầu tư. Chưa kể giờ cạnh tranh thu hút vốn FDI không chỉ giữa các nước đang phát triển mà phải cạnh tranh với Mỹ, EU khi các nước này chủ trương thu hút vốn FDI về thị trường nội địa.

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP tháng 5-2022 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó đã bổ sung các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế mới, bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp để giảm bớt thủ tục hành chính và bổ sung, sửa đổi một số quy định để nâng cao hiệu quả sử dung đất trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Phương cho hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các Bộ, ngành và các địa phương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách và đồng hành cùng với nhà đầu tư để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng minh bạch, thuận lợi.

Theo Thái Phương

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên