Điều hành tỷ giá có một năm rất thành công
Năm 2018 là một năm khá thành công điều hành kinh tế vĩ mô, cũng như điều hành các chỉ số lãi suất, tỷ giá hối đoái.
- 21-12-2018NFSC: Áp lực tỷ giá sẽ được giảm thiểu, lãi suất nhiều yếu tố thuận lợi trong năm 2019
- 20-12-2018Đón sự kiện lớn kết năm 2018, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt
- 17-12-2018Tỷ giá bật tăng mạnh phiên đầu tuần
Mặc dù Fed đã quyết định tăng tiếp lãi suất cho vay qua đêm thêm 0,25% lên 2,25% - 2,50% sau khi cuộc họp chính sách tháng 12 kết thúc vào rạng sáng ngày 20/12 (giờ Việt Nam) – lần tăng lãi suất thứ 4 trong năm qua, song diễn biến thị trường ngoại hối trong nước vẫn rất bình lặng, giá giao dịch USD tại các NHTM không những không tăng mà còn giảm, trong khi tỷ giá trung tâm được giữ nguyên so với ngày trước đó.
Theo nhận định của các chuyên gia, diễn biến này là do hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó không thể không nhắc tới sự điều hành hết sức chủ động và linh hoạt của NHNN Việt Nam.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:
Trước hết, phải thấy việc Fed tăng lãi suất là điều đã được dự đoán từ trước nên thị trường phản ứng nhẹ nhàng. Hơn nữa, đối với Việt Nam, lâu nay tỷ giá luôn được điều hành dựa trên cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài.
Nói chung trong ngắn hạn, động thái tăng lãi suất của Fed chưa tạo sức ép gì lớn đối với NHNN nhất là trong bối cảnh lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tương đối cao. Nhu cầu ngoại tệ trong nước cho đến nay chưa có biến động lớn, thậm chí năm nay tiền gửi ngoại tệ tăng lên.
Mức độ tăng tỷ giá hối đoái được duy trì vừa giúp ổn định kinh tế vĩ mô vừa tạo nền tảng tăng xuất khẩu, cũng như giúp NHNN có thêm cơ hội để tăng dự trữ ngoại tệ. Có thể nói, năm 2018 là một năm khá thành công điều hành kinh tế vĩ mô, cũng như điều hành các chỉ số lãi suất, tỷ giá hối đoái.
Còn về dài hạn, vẫn có mấy yếu tố tạo sức ép đến tỷ giá như thặng dư thương mại, cán cân tài chính trong xu hướng giảm dần. Điều này sẽ tạo ra sức ép trong cán cân tổng thể cũng như đối với điều hành tỷ giá hối đoái năm 2019. Cộng với việc Fed tăng lãi suất, đồng USD có thể tăng giá. Theo đó, đồng VND neo vào USD cũng có thể sẽ chịu áp lực tăng giá. Chính vì thế, phản ứng hiện tại về chính sách của NHTW khá thận trọng và có thể sẽ có hành động theo hướng ổn định tỷ giá hối đoái thực để duy trì xuất khẩu nửa đầu năm tới.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngân hàng:
Tỷ giá ổn định nhờ sự uyển chuyển trong điều hành
Theo quan sát của tôi, trước khi Fed tăng lãi suất, tỷ giá đã giảm nhẹ. Mặc dù vậy, tôi cũng khá bất ngờ khi tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng lại giảm sau động thái tăng lãi suất của Fed. Tôi cho rằng, diễn biến này cho thấy chính sách tỷ giá của NHNN rất hiệu quả, giữ cho VND chỉ tăng giá chưa quá 3% so với USD kể từ đầu năm.
Sự uyển chuyển trong điều hành tỷ giá thể hiện rõ qua quyết định NHNN bán kỳ hạn ngoại tệ nhưng cho phép được hủy ngang hợp đồng. Động thái này NHNN muốn hướng tới hai mục đích giảm thiểu rủi ro biến động tỷ giá, hạn chế đầu cơ đồng thời giúp thị trường có cơ sở để dự đoán tỷ giá, lãi suất cũng như cung - cầu ngoại tệ dịp cuối năm. Đây cũng là cái neo để NHNN lên kế hoạch cân đối vĩ mô, ổn định tỷ giá và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát đã giúp NĐT, DN, người dân tin tưởng vào VND, cũng là những yếu tố hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá.
Bước sang năm 2019, theo dự báo, tần suất Fed tăng lãi suất giảm dần do chạm ngưỡng lạm phát mục tiêu. Đồng thời nếu kinh tế Mỹ có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn năm 2018, đồng USD có thể đảo chiều, khiến cho áp lực tỷ giá sẽ nhẹ hơn. Tôi cho rằng, nếu thị trường quốc tế biến động không quá mạnh thì tỷ giá năm 2019 sẽ tiếp tục ổn định như năm 2018 và NHNN đủ nguồn lực dồi dào để can thiệp thị trường khi cần thiết.
Nhưng trong điều hành tỷ giá cần linh hoạt theo sát thị trường không thể chủ quan được. Bởi những tác động cho năm 2019 có thể vẫn khó lường, đặc biệt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed và nhiều NHTW lớn trên thế giới... Ngoài ra diễn biến đồng Nhân dân tệ (NDT) cũng có thể gây khó khăn cho điều hành tỷ giá…
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV:
Cung - cầu ngoại tệ đang khá tốt
Có thể thấy diễn biến thị trường tài chính quốc tế sau quyết định tăng lãi suất của Fed không có yếu tố gì quá bất ngờ so với dự đoán. Tuy nhiên, việc thị trường chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ cho thấy tâm lý NĐT vẫn bị tác động trong ngắn hạn. Dường như NĐT bắt đầu quan ngại về khả năng tăng trưởng kinh tế thế giới bắt đầu khó khăn hơn. Ở trong nước tỷ giá giảm nhẹ chứng tỏ việc này cũng đã được nhà điều hành, thị trường ngoại hối tiên lượng trước. Điểm tích cực nữa là quan hệ cung cầu ngoại tệ thời điểm hiện nay vẫn tốt.
Tôi cho rằng, từ nay đến cuối năm, về cơ bản tỷ giá không có biến động gì lớn do quan hệ cung - cầu ngoại tệ vẫn ở trạng thái tốt. Hơn nữa đồng USD không thể tăng giá mạnh như thời gian qua vì Fed nói rõ giảm lộ trình tăng lãi suất, cũng như dự báo kinh tế Mỹ trong năm 2019 khó khăn hơn so với năm nay.
Ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc toàn quốc Khối kinh doanh ngoại hối và thị trường vốn HSBC Việt Nam:
Điều hành tỷ giá hài hòa các mục tiêu
Nhìn chung đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế không có nhiều phản ứng đáng kể với các tuyên bố chính sách từ cuộc họp của Fed, khi những nội dung này đã nằm trong kỳ vọng trước đó của thị trường. Tương tự, thị trường tài chính tiền tệ trong nước sẽ không chịu tác động nào quá đột biến từ động thái mới nhất của Fed. Trong thời gian gần đây, NHNN đã có những biện pháp điều hành chính sách linh hoạt thông qua các công cụ và sản phẩm trên cả kênh tỷ giá và lãi suất để ổn định thị trường.
Tuy nhiên, về triển vọng trung dài hạn, với việc Fed dự báo tiếp tục tăng lãi suất trong năm tới, áp lực lên tỷ giá sẽ tiếp tục tồn tại. Áp lực này cũng đồng thời gián tiếp đến từ biến động của đồng NDT trong bối cảnh diễn biến thị trường quốc tế tiếp tục biến động khó lường.
Với chính sách tiền tệ đã và đang được điều hành linh hoạt, các biện pháp điều hành trên thị trường cần dung hòa được các yếu tố tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo ổn định vĩ mô.
Thời báo ngân hàng