Điều ít biết về vị chủ tịch Hoá chất Đức Giang: Ông bầu tâm huyết của bóng chuyền nữ, hào phóng trả lương tháng trăm triệu cho nhân viên và cầu thủ giỏi
Mới đây, một doanh nghiệp trong ngành hoá chất đã có vốn hoá thị trường tăng hơn 1,1 tỷ USD so với thời điểm 1 năm trước. Vị chủ tịch của doanh nghiệp này đồng thời cũng sở hữu 1 câu lạc bộ bóng chuyền nữ đang lên.
- 22-03-2022Hóa chất Đức Giang (DGC) chi 300 tỷ đồng thành lập công ty con tại Đắk Nông
- 16-03-2022Vinachem đã bán xong hơn 6 triệu cổ phiếu DGC, hoàn tất quá trình thoái vốn tại Hoá chất Đức Giang
- 07-03-2022Hóa chất Đức Giang (DGC): Đặt kế hoạch lãi 3.500 tỷ đồng năm 2022, trình phương án phát hành hơn 8,5 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp
Trong năm 2021, cổ phiếu DGC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang ghi nhận đà tăng vững chắc. Cổ phiếu này đã tăng gần 50% so với giá đóng cửa ngày đầu năm và với thị giá 223.000 đồng/cổ phiếu trong phiên sáng ngày 23/03/2022, DGC đã gấp 3,7 lần so với thị giá cách đây 1 năm (59.100 đồng/cổ phiếu).
Diễn biến giá cp DGC trong vòng 1 năm trở lại đây
Đến ngày 31/12/2021, Công ty cổ phần tập đoàn Đức Giang (DGC) có Vốn góp của chủ sở hữu là 1.710,8 tỷ đồng, với 6 công ty con trực thuộc, ngành nghề sản xuất kinh doanh chủ yếu là sản xuất hoá chất.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Funan, DGC đang có vị thế là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu lĩnh vực hóa chất cơ bản trong nước, với sản phẩm nổi bật phốt pho vàng. Công ty là nhà sản xuất phốt pho vàng, axit photphoric công nghiệp và thực phẩm lớn nhất Việt Nam. Năm 2020, sản phẩm phốt pho vàng chiếm 41% tỷ lệ doanh thu của doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh thu từ mặt hàng này trong các năm trước cũng chiếm trên 40%.
Phốt pho vàng là nguyên liệu quan trọng trong các ngành công nghiệp ứng dụng; trong đó, có ngành công nghiệp bán dẫn, linh kiện điện tử - Trích từ Bản cáo bạch 2020 của Cty
DGC tiền thân là Công ty Hoá chất Đức Giang - doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tổng cục hóa chất Việt Nam được thành lập từ năm 1963. Năm 2004, Công ty tiến hành cổ phần hoá và đổi tên thành Công ty CP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang, chính trong giai đoạn này, ông Đào Hữu Huyền - chủ tịch của DGC hiện nay và vợ là bà Nguyễn Thị Hồng Lan đã mua lại phần lớn cổ phần và trở thành nhóm cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp.
Ông Đào Hữu Huyền bén duyên trong ngành hóa chất từ thập kỷ 90, khi làm việc tại một Nhà máy hóa chất Đức Giang. Sau khi du học từ Áo, ông về Việt Nam và lập công ty riêng là công ty TNHH Văn Minh, chuyên nhập hóa chất từ Trung Quốc về bán ra thị trường trong nước.
Sau khi trở thành cổ đông lớn và nắm quyền điều hành DGC, với kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành hóa chất, cộng thêm những quyết sách M&A với một số doanh nghiệp, ông Huyền đã đưa doanh nghiệp từng bước phát triển, không chỉ đơn thuần sản xuất kinh doanh mặt hàng, sản phẩm truyền thống bột giặt, nguyên liệu sản xuất bột giặt, mà còn mở rộng sang một số lĩnh vực như: sản xuất hóa chất công nghiệp, hóa chất tinh khiết,....
Theo báo cáo quản trị năm 2021 của DGC, ông Huyền đang nắm giữ 18,5% cổ phần của DGC, nhóm cổ đông liên quan đến ông Huyền đang nắm 41,3% cổ phần tại doanh nghiệp này
Từ năm 2018 trở đi, cùng với việc đổi tên công ty từ Công ty cổ phần bột giặt hoá chất Đức Giang thành Công ty cổ phần tập đoàn Đức Giang và chiến lược M&A một số doanh nghiệp trong ngành, doanh thu và lợi nhuận của DGC đã có sự tăng trưởng rõ rệt.
Tổng hợp BCTC kiểm toán của DN
Có lẽ vì sản phẩm kinh doanh khá đặc biệt, là nguyên liệu trong ngành sản xuất công nghiệp nên không phải ai cũng biết đến Hoá Chất Đức Giang, nhưng nói đến CLB bóng chuyền Hóa Chất Đức Giang Hà Nội chắc nhiều người yêu thể thao sẽ biết.
Tính đến hết năm 2021, đội bóng chuyền nữ Hóa chất Đức Giang Hà Nội tham gia 12/18 lần tại Giải vô địch bóng chuyền quốc gia Việt Nam. Mùa giải 2020, Hóa chất Đức Giang Hà Nội đã giành ngôi Á quân của giải VĐQG PV GAS tại Buôn Ma Thuột.
Đội bóng chuyền Hóa chất Đức Giang Hà Nội tại Cúp Hùng Vương năm 2021. Nguồn: Báo thể thao
Đứng sau sự thành công của câu lạc bộ là chủ tịch Tập đoàn Hóa Chất Đức Giang, ông Đào Hữu Huyền. Ông là người yêu thể thao, khác với những vị doanh nhân nổi tiếng khác như Bầu Đức, Bầu Hiển,... đầu tư vào bóng đá nam, ông Huyền chọn đầu tư cho bóng chuyền nữ.
Ở trang chủ của Bột giặt Đức Giang có bài viết về vị chủ tịch công ty, trong đó tiết lộ, nhiều độc giả khi xem bài viết: "Đội bóng "Nghèo" chi tiền lương "Khủng" để giữ chân Bích Tuyền!" nghĩ rằng Bích Tuyền nhận mức lương khủng 50 triệu đồng/ tháng là cao nhất Việt Nam. Nhưng ông Đào Hữu Huyền cho rằng vẫn thua xa chế độ của các cầu thủ đội của ông.
Vị chủ tịch trực tiếp có mặt tại sân để cổ vũ các cầu thủ - Nguồn: BĐS express
Theo ông Huyền, nếu tính luôn tiền "lót tay" 1 tỷ đồng 2 năm cùng mức lương hàng tháng thì cầu thủ khi đến với đội của ông có thu nhập khoảng 80 triệu đồng/ tháng. Chưa kể tiền thưởng mà ông tặng thêm khi các cầu thủ thi đấu tốt, đạt thành tích. Như năm 2020, thưởng hơn 2 tỷ đồng cho ngôi Á quân và 500 triệu đồng cho đội trẻ đạt hạng 3 giải vô địch trẻ toàn quốc, thì mức thu nhập các cầu thủ nơi đây đạt "đỉnh" của bóng chuyền Việt Nam năm 2020.
Điều này thuộc về nguyên tắc sống của ông, họ là những cầu thủ có tài năng và tinh thần thi đấu cống hiến, xứng đáng nhận được quyền lợi tốt. Cũng giống như ở tập đoàn Đức Giang nhiều người còn nhận thu nhập hơn 2 tỷ đồng/ năm (Lương gần 200 triệu đồng/ tháng) vì họ giỏi chuyên môn, đóng góp nhiều cho công ty.
(Trích bài viết trên trang chủ của Bột giặt Đức Giang)
Sự hào phóng của ông chủ ngành Hoá Chất còn được báo Bóng chuyền Sài Gòn online ghi lại trong một bài báo. Khi đăng đàn ở Đại hội LĐBCVN nhiệm kỳ 7 (2021-2025), ông Huyền chuyển khoản liền tay 1 tỷ đồng để tăng tiền thưởng cho giải VĐQG Bamboo Airways 2021. Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông "mở ví" vì trước đó không lâu, khi đến xem giải bóng chuyền trẻ toàn quốc 2020 tại Tam Đảo - Vĩnh Phúc, ông Huyền đã lấy tiền túi hơn 100 triệu đồng ra tặng LĐBCVN để làm giải thưởng (Do LĐBCVN khó khăn về tài chính, thông báo không có tiền thưởng) vì thấy các cháu đổ mồ hôi vất vả mà ra về tay không rất thương.
Ông Huyền làm thể thao không phải kiểu đổ tiền ra lấy tiếng mà luôn rất quan tâm, theo dõi từng hoạt động của làng bóng chuyền từ chế độ lương, thưởng, công nghệ, chuyên môn... nên dù mới bước chân vào làng bóng chuyền ít năm nhưng những ngõ ngách cuộc sống bóng chuyền, ông đều nắm bắt sâu sắc.
Dù bận rộn trong công việc kinh doanh nhưng vị chủ tịch này vẫn sắp xếp thời gian tham dự các giải mà các đội bóng chuyền Hóa Chất Đức Giang góp mặt từ giải trẻ, giao hữu, giải VĐQG... Thậm chí, khi Bình Điền Long An tổ chức giải bóng chuyền nữ quốc tế - Cúp Bình Điền 2018 ở Tây Ninh, dù đội bóng Hóa Chất Đức Giang không được mời tham dự, ông Huyền vẫn âm thầm đến Tây Ninh, ngồi trên khán đài theo dõi và tìm hiểu mô hình tổ chức thành công của Bình Điền để học hỏi, nhằm điều chỉnh và áp dụng cho đội bóng của ông trong tương lai.
Ông Huyền có mặt ở rất nhiều các giải đấu bóng chuyền. Nguồn: Bóng chuyền Sài Gòn online
Doanh nghiệp và tiếp thị