Điều kiện để Việt Nam tái khởi động điện hạt nhân từ năm 2035?
Trước nguy cơ thiếu điện “nhãn tiền” của các nguồn năng lượng truyền thống, điện hạt nhân được đánh giá là phương án cần thiết đảm bảo an ninh năng lượng thời gian tới.
- 22-11-2019Dừng điện hạt nhân Ninh Thuận, giải quyết ổn thoả với Nga - Nhật
- 07-09-2019Tái khởi động điện hạt nhân từ 2030?
- 02-09-2019Than hết nước cạn, Việt Nam lại phải tính điện hạt nhân
Trong dự thảo Báo cáo Quy hoạch điện VIII, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đã đưa ra phương án xem xét phát triển nhà máy điện hạt nhân sau năm 2030.
Điều kiện "cần"…
Đồng thuận với phương án tái khởi động điện hạt nhân sau năm 2030, nhiều chuyên gia cho rằng, các nguồn năng lượng truyền thống hiện đã cạn kiệt, Việt Nam đang phải nhập khẩu than, sắp tới là nhập khí hóa lỏng. "Nhiệt điện phát sinh nhiều vấn đề về môi trường trong khi thủy điện đã hết nguồn công suất vừa và lớn. Bên cạnh đó, điện tái tạo dù giàu có nhưng hiệu quả thấp và không ổn định. Do đó mà phụ tải nền không thể trông cậy vào năng lượng tái tạo", Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân từng nhấn mạnh.
Cụ thể, hiện nay tổng công suất điện mặt trời, điện gió Việt Nam có khoảng 6.000 MW, tuy nhiên hệ số sử dụng công suất thấp, có tính không ổn định, sản lượng điện sản xuất ra từ các nguồn này ít hơn khoảng 4 lần so với các nguồn điện ổn định như thuỷ điện, nhiệt điện than và điện hạt nhân.
Bởi vậy, việc đưa vào hệ thống điện các nguồn điện ổn định nói trên được đánh giá là sẽ góp phần làm tốt việc cung cấp điện năng, đảm bảo phát triển kinh tế, và thu hút đầu tư nước ngoài.
Trên thực tế, sau sự cố Fukushima, một số nước đã điều chỉnh giảm điện hạt nhân, Việt Nam cũng có quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (gồm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, tổng công suất 4.000 MW) vào tháng 11/2016. Nhưng nhìn chung, điện hạt nhân vẫn liên tục tăng, chiếm trên 10% tổng sản xuất điện toàn cầu.
Hiện nay trên thế giới có 442 lò phản ứng hạt nhân đang vận hành, tổng công suất lắp đặt gần 392.000 MWe, chiếm khoảng 11% sản lượng điện của cả thế giới, mặc dù điện hạt nhân chỉ có ở hơn 30 quốc gia. Bên cạnh đó, có 53 lò hạt nhân đang được xây dựng, nhiều lò đã lên kế hoạch và nhiều nước bắt đầu triển khai chương trình điện hạt nhân bao gồm cả các nước đang phát triển.
Trong cuộc chạy đua cùng hai "ông lớn" là Mỹ và Nga, Trung Quốc cũng vừa chấp thuận hai dự án điện hạt nhân vào tuần trước tại tỉnh Hải Nam và Chiết Giang với tổng chi phí đầu tư khoảng 70 tỉ nhân dân tệ (10 tỉ USD). Bản thân Nhật Bản cũng không bỏ điện hạt nhân, với 9 lò hạt nhân đang vận hành nước này dự kiến tái khởi động 6 lò trong năm tới.
…và "đủ"
TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đánh giá, việc dừng điện hạt nhân năm 2016 tuy là cần thiết, nhưng ảnh hưởng khá đáng kể đến tâm lý, con người, xây dựng năng lực, đào tạo đội ngũ cán bộ trong ngành hạt nhân... Việt Nam đã có nhiều kết quả trong chuẩn bị và triển khai chương trình điện hạt nhân, việc dừng lại, trước hết sẽ làm mất dần đội ngũ cán bộ và mất dần những gì chúng ta đã làm.
Điện hạt nhân vẫn tăng trưởng liên tục những năm qua, chiếm trên 10% tổng sản xuất điện toàn cầu.
"Do đó, nếu không có chủ trương chính sách gì để quay lại chương trình điện hạt nhân, trong vài ba năm nữa, sẽ mất hết toàn bộ những gì Việt Nam đã có về điện hạt nhân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ", TS. Trần Chí Thành nhấn mạnh.
Để đảm bảo an toàn cho phát triển điện hạt nhân trở lại, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng, ngoài đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân đảm bảo chất lượng, xây dựng hệ thống pháp quy hạt nhân chặt chẽ, thực hiện tốt, đầy đủ và trách nhiệm các nhiệm vụ kiểm tra giám sát liên quan đến đánh giá an toàn, thiết kế, liên quan đến xây dựng và giám sát vận hành nhà máy (cũng như các hệ thống thiết bị), quản lý dự án cũng là lĩnh vực cần con người giỏi và kinh nghiệm.
"Về công nghệ, do thiết kế điện hạt nhân được đưa ra bởi các tổ chức hoặc công ty về hạt nhân của các nước tiên tiến, của các nước làm chủ công nghệ, nên vấn đề ở Việt Nam, nếu có, là kiểm tra đánh giá tính phù hợp của thiết kế trong điều kiện thực tế Việt Nam", TS. Trần Chí Thành nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia lưu ý, yêu cầu về an toàn trong các thiết kế III+ của các lò hạt nhân khiến chi phí đầu tư lớn, giá điện tuy cao hơn nhiệt điện than nội địa, nhưng vẫn rẻ hơn nhiệt điện than nhập và nhiệt điện khí hoá lỏng (LNG). Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh, điện hạt nhân không chỉ là cần thiết cho an ninh năng lượng của Việt Nam trong tương lai mà còn là tiềm lực của một đất nước.
Diễn đàn doanh nghiệp