Điều tâm đắc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hành trình Việt Nam trở thành "con hổ mới" châu Á
"Tăng trưởng và phát triển là cuộc đua marathon đường trường chứ không phải cuộc chạy đua nước rút", theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông cũng nhấn mạnh dù Việt Nam chưa phải là "con hổ" châu Á nhưng tại sao chúng ta không tập nghĩ về điều này.
Việt Nam trong mắt cựu Ngoại trưởng Mỹ
Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, có một khách mời đặc biệt, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ông có 2 bài phát biểu danh dự tại đây, một về năng lượng sạch, một về nền kinh tế Việt Nam.
Vị khách người Mỹ này, ở nội dung nào cũng đang nhìn Việt Nam với con mắt đầy lạc quan. Đó là một Việt Nam có lợi thế để chuyển dịch sang điện gió, điện mặt trời, bắt kịp với thế giới.
Ảnh: Hoàn Như, đồ hoạ: Hương Xuân
Đó cũng là một Việt Nam với tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng sống tuyệt vời, lực lượng lao động đầy năng lượng.
Nhớ lại, ông John Kerry cho biết khi ông hạ cánh đến Việt Nam những năm 1990 – 1991 trong vai trò Thượng Nghị sỹ, đường từ sân bay về trung tâm Thủ đô chỉ là con đường nhỏ. Người Việt Nam chủ yếu đi xe đạp, trên đường, lác đác xe máy và ô tô là thứ hiếm gặp.
Cơ duyên làm việc với Việt Nam đã cho ông chứng kiến sự thay đổi của đất nước hình chữ S này. Và bây giờ, sau rất nhiều năm, ông nhận xét: "Tăng trưởng và những thành công của Việt Nam đạt được rất tuyệt vời".
Theo đó, nếu 20 năm trước, chỉ khoảng 60.000 người Mỹ đến Việt Nam thì nay con số đã là nửa triệu, họ đến để làm việc, sinh sống, du lịch. Sinh viên Việt Nam ngày càng có điều kiện sang Mỹ học tập, giúp phát triển giấc mơ của họ. Quan hệ của hai nước, theo ông John, đã là câu chuyện của sự hợp tác.
Ông John cũng nhớ lại lời của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch: "Việt Nam đã được nhắc đến là tên của một quốc gia chứ không phải tên một cuộc chiến".
Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng lưu ý, để duy trì được tốc độ tăng trưởng Việt Nam cần phải chuyển dịch nền kinh tế. Dù vậy, tăng trưởng cũng phải đi kèm với chất lượng mà chất lượng sống của người dân cần được ưu tiên. Do vậy, Chính phủ cần có những quyết định về năng lượng, chống lại biến đổi khí hậu.
"Giải pháp đã sẵn có, là điện gió, điện sinh khối... nền kinh tế Việt Nam không cần phải dựa vào điện than. Tôi nói chân thành về vấn đề này. Nếu còn lệ thuộc vào than đá, các bạn sẽ gặp tình huống khó khăn hơn nhiều và không thể có được chất lượng cuộc sống tốt".
Bên cạnh đó, để trở nên cạnh tranh hơn trong thu hút đầu tư, Việt Nam theo ông John cần dịch chuyển nhanh hơn các phương thức kinh doanh, tạo sân chơi cho các bên liên quan, tạo môi trường đầu tư chủ động, công bằng.
"Hãy chấp nhận rủi ro", ông nói, nhưng nhấn mạnh cần phải "tính toán nhằm giảm thiểu tác động do sự cố nếu xảy đến".
Tại sao không thành hổ và điều tâm đắc của Thủ tướng
Năm 2017 đã khép lại với con số tăng trưởng cao mà theo Thủ tướng nhận định đó là cơ sở để Việt Nam tự tin hơn trong tái cơ cấu, chuyển đổi mạnh mẽ để tăng trưởng mạnh hơn trong dài hạn.
Trước câu hỏi tại Diễn đàn về điều làm Thủ tướng tâm đắc nhất trong năm qua, ông nói đó là năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá tăng 5 bậc trong năm 2017; Môi trường đầu tư kinh doanh tăng 14 bậc; Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 11 bậc và chỉ số tín nhiệm đối với hệ thống ngân hàng từ mức "ổn định" lên "tích cực".
Bên cạnh đó, đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á. Chỉ số phát triển bền vững ở Việt Nam tăng 20 bậc.
Ảnh: Hoàn Như, đồ hoạ: Hương Xuân
"Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gần 100 triệu dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu sâu sắc được chỉ đạo toàn diện, đặc biệt là những vấn đề cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 rồi những vấn đề, kịch bản biến đổi khí hậu đối với một đất nước bị tác động liên tục của biến đổi khí hậu trong thời gian tới đã được thảo luận, đưa ra những giải pháp căn cơ hơn, mạnh mẽ hơn để thực hiện chủ trương phát triển bền vững của Việt Nam", Thủ tướng nói và cho rằng, đó là những vấn đề tâm huyết trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội năm 2017.
Ảnh: Hoàn Như, đồ hoạ: Hương Xuân
Thể chế cũng được người đứng đầu Chính phủ nhắc đến. Viện dẫn "Tại sao các quốc gia thất bại" của James A. Robinson và Daron Acemoglu, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm "thể chế, thể chế và thể chế". Theo đó, thể chế phải làm sao thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước, nhằm phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, phải nâng cao năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển thương mại điện tử. Cơ cấu lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong từng cấp, từng ngành, từng doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, địa phương, sản phẩm, Thủ tướng nêu rõ.
Đi liền với đó là giảm chi phí tốt hơn, từ chi phí đầu tư, chi phí cho doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Một biện pháp quan trọng là chúng ta phải có một nền giáo dục quốc gia đổi mới, phù hợp với sự phát triển.
Để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng phải đảm bảo được hai yếu tố: phát triển được kinh tế vĩ mô và đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia.
Ảnh: Hoàn Như, đồ hoạ: Hương Xuân
"Muốn làm được điều này thì chúng ta phải xây dựng được chính sách tài khoá và vận hành theo hướng tích cực, lành mạnh, tiến tới từng bước thu chi ngân sách hiện quả, giảm bội chi cũng như nợ công", ông nói.
Việt Nam trong mắt Thủ tướng hiện tại chưa phải là con hổ của châu Á, tuy nhiên, Thủ tướng cũng không ngần ngại nói: "Bây giờ chưa được, nhưng tại sao không và phải luôn tìm câu trả lời làm gì để đạt được điều ấy". Bởi lẽ, tăng trưởng và phát triển là một cuộc marathon đường trường.