Không dễ giảm lãi suất
Các ngân hàng trung ương lớn dự kiến cắt giảm lãi suất từ cuối năm 2023 nhưng những yếu tố khó lường đang khiến giới chuyên gia đánh giá lại
- 29-05-2023Bloomberg: Mỹ 'né' được kịch bản vỡ nợ nhưng chìm sâu trong rủi ro suy thoái, Fed càng 'đau đầu' khi điều chỉnh lãi suất
- 28-05-2023Lạm phát vẫn 'sốt nóng', Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 6 hoặc tháng 7?
- 25-05-2023Biên bản cuộc họp tháng 5 được công bố: Quan chức Fed 'bớt tự tin' khi khẳng định cần tăng lãi suất thêm nhiều lần nữa
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tin tưởng thỏa thuận nâng trần nợ sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua, ngăn tình trạng vỡ nợ, đồng thời thiết lập lộ trình chi tiêu liên bang cho đến sau cuộc bầu cử năm 2024.
Sau khi hoàn tất thỏa thuận với ông McCarthy, Tổng thống Biden hôm 28-5 nói rằng: "Thỏa thuận ngăn chặn cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất có thể xảy ra". Trong tuyên bố sau đó, ông McCarthy và các lãnh đạo Đảng Cộng hòa khen ngợi đây là "chuỗi thắng lợi lịch sử".
Theo hãng tin Bloomberg, thỏa thuận sẽ đình chỉ hạn mức về số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay cho đến ngày 1-1-2025. Đổi lại, Đảng Dân chủ đồng ý giới hạn chi tiêu liên bang trong 2 năm tới.
Phản ứng sau thỏa hiệp của lưỡng đảng Mỹ, thị trường chứng khoán châu Á, châu Âu và các hợp đồng tương lai Phố Wall tăng điểm trong phiên giao dịch hôm 29-5 (giờ địa phương).
Theo đài CNBC, ông Stephen Pavlick, người đứng đầu chính sách tại Công ty Nghiên cứu thị trường Renaissance Macro Research (Mỹ), nhận định rằng với việc Đảng Cộng hòa chỉ chiếm đa số mong manh là 222 ghế so với 213 ghế của Đảng Dân chủ trong Hạ viện, ông McCarthy cần phải có sự ủng hộ của các nghị sĩ Dân chủ ôn hòa để thỏa thuận được thông qua.
Nếu qua được ải Hạ viện, thỏa thuận cũng có khả năng được thông qua tại Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát.
Chỉ số chứng khoán Đức tại sàn giao dịch ở TP Frankfurt - Đức hôm 26-5 Ảnh: REUTERS
Dù Mỹ tránh được kịch bản vỡ nợ nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lại đau đầu điều chỉnh lãi suất sắp tới. Đối với các nhà hoạch định chính sách của FED, mức giới hạn chi tiêu mới sẽ là một yếu tố cần cân nhắc khi cập nhật dự báo tăng trưởng cùng lãi suất dự kiến được công bố vào ngày 14-6.
Giới chuyên gia từ lâu dự báo các ngân hàng trung ương lớn sẽ cắt giảm lãi suất từ cuối năm 2023 nhưng lạm phát cơ bản cao, thị trường lao động thắt chặt và nền kinh tế toàn cầu có khả năng phục hồi kinh ngạc đang khiến một số nhà kinh tế phải đánh giá lại.
Hồi đầu tháng 5, FED tăng lãi suất lần thứ 10 kể từ tháng 3-2022, lên khoảng 5%-5,25%. Khi đó, Chủ tịch FED Jerome Powell ám chỉ chu kỳ tăng lãi suất có thể sẽ tạm dừng tại cuộc họp tháng 6 tới.
Tuy nhiên, một số quan chức FED trong những tuần gần đây cho rằng lạm phát cơ bản ổn định có thể duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn trong thời gian dài.
Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự khi phải giảm tốc tăng lãi suất từ 0,5 điểm% xuống 0,25 điểm% trong cuộc họp tháng 5. Quyết định này nâng lãi suất của khu vực lên 3,25%, mức cao nhất kể từ tháng 11-2008.
Lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 4 tăng lên mức 7% trong khi nền kinh tế Eurozone tăng trưởng 0,1% trong quý I/2023, thấp hơn kỳ vọng của thị trường.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Joachim Nagel hồi tuần trước cho rằng cần thêm một số đợt tăng lãi suất trong thời gian tới ngay cả khi điều đó khiến nền kinh tế của khối rơi vào suy thoái.
Kém lạc quan hơn, Anh đang đối mặt với thách thức lạm phát khó khăn hơn nhiều so với Mỹ và Eurozone.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh giảm ít hơn dự kiến trong tháng 4 trong khi CPI cơ bản đã tăng lên 6,8% từ mức 6,2% trong tháng 3. Đây sẽ là mối quan tâm lớn đối với Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh.
Theo dữ liệu của Công ty Refinitiv, thị trường dự đoán đến 92% khả năng Ngân hàng Anh sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % tại cuộc họp tháng 6, tức lên mức 4,75%. Bất chấp những kỳ vọng về lãi suất sẽ còn tăng thêm, nhiều nhà kinh tế dự báo chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ sẽ được đảo ngược hoàn toàn trước cuối năm nay.
Tăng cường chuỗi cung ứng
Theo Hindustan Times, trong một nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và đối phó với các cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng trong tương lai, 14 quốc gia tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) - bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á... - đã đạt được thỏa thuận về khả năng phục hồi và đa dạng hóa chuỗi cung ứng thông qua sự chia sẻ thông tin và phối hợp ứng phó khủng hoảng.
Tại cuộc họp cấp bộ trưởng trực tiếp lần thứ 2 của IPEF tại TP Detroit - Mỹ vào cuối tuần qua, nhóm đã đồng ý thành lập Hội đồng chuỗi cung ứng IPEF, Mạng lưới ứng phó khủng hoảng chuỗi cung ứng và Mạng lưới tư vấn quyền lao động, theo một tuyên bố chung.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ thương mại Mỹ Gina Raimondo tại một cuộc họp báo rằng Mạng lưới ứng phó khủng hoảng chuỗi cung ứng nhằm đưa ra cảnh báo sớm cho các quốc gia IPEF về khả năng gián đoạn nguồn cung, cung cấp một kênh liên lạc khẩn cấp trong khối để hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng trong thời gian khủng hoảng, từ đó phục hồi nhanh hơn.
Nêu ví dụ về tình trạng thiếu chất bán dẫn trong đại dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất ôtô của Mỹ bị "đóng băng", hàng ngàn công nhân phải nghỉ việc, bà Raimondo cho rằng vấn đề đã có thể giải quyết được tốt hơn nếu có mạng lưới.
Thương mại là một trong 4 trụ cột trong các cuộc đàm phán của IPEF, đại diện cho sáng kiến kinh tế chính của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ở châu Á. Ba trụ cột khác - gồm chuyển đổi khí hậu, lao động và tính toàn diện - phức tạp hơn và dự kiến mất nhiều thời gian hơn để đàm phán.
Anh Thư
Người lao động