MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DN tư nhân đứng ngoài câu chuyện được mùa mất giá

02-04-2017 - 09:00 AM | Doanh nghiệp

Chia sẻ với phóng viên NDH, Tiến sỹ Đặng Kim Sơn cho rằng năm 2017 không phải là năm thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhưng các doanh nghiệp tư nhân đang đứng ngoài câu chuyện được mùa mất giá.

PV: Câu chuyện được mùa mất giá luôn diễn ra, với sự xuất hiện của các DN lớn đầu tư vào nông nghiệp như PAN, Vingroup, Hòa Phát thì vấn đề này liệu có giảm nguy cơ không thưa ông?

TS Đặng Kim Sơn: Được mùa mất giá của nông dân xuất phát từ tình trạng sản xuất không gắn với thị trường, cung không đi với cầu. Nông dân không hiểu biết về thị trường chỉ dựa vào trung gian thương lái đến mua hàng, nghe xem giá lên hay xuống và nhìn vào người xung quanh ai làm ăn được thì đi theo nên xu hướng chung là thừa cung và phản ứng của nông dân với thị trường bao giờ cũng chậm hơn vài nhịp.

Những DN lớn mà bạn vừa đề cập đến họ hơn nông dân ở một chỗ khi họ hành động bắt đầu tìm hiểu từ thông tin thị trường ngược trở lại đồng ruộng. Như PAN dựa vào các DN quy mô không lớn nhưng nhắm vào các thị trường có giá trị gia tăng cao như châu Âu, Nhật Bản, biết rõ sức mua, hiểu rõ thị hiếu, nắm được tiêu chuẩn kỹ thuật, có thông tin về chính sách… thông qua chính các đối tác tại chỗ. Cách làm trên của PAN đã đảm bảo giảm rủi ro về phía thị trường đến mức cao nhất và luôn kiểm soát quy mô sản xuất vừa đủ nên không xảy ra chuyện thừa cung.

Vingroup nhắm vào rau sạch quy mô lớn nhắm vào thị trường trong nước, vào nhóm khách hàng mà Vin nắm chắc vì đã cung cấp Nhà, dịch vụ bệnh viện cho họ,… đối với mạng lưới bán lẻ họ đang mở ra thì sản phẩm rau được trợ giá, rủi ro của họ không lớn sẽ được bù đắp từ lợi nhuận khác. Họ chấp nhận giai đoạn mất giá nhất định có thể kéo dài vài năm.

Cách cư xử của DN lớn và vị thế của họ khác với nông dân. Nông dân hiện nay chưa tập hợp lại thành các tập đoàn lớn. Hội nông dân làm nhiệm vụ tuyên truyền vận động chính sách chủ trương hơn là làm dịch vụ công cho người nông dân, các cơ quan được giao làm dịch vụ công cho người nông dân như các Viện nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp lại chưa coi nông dân như khách hàng, coi sản phẩm KHCN như hàng hóa thì tình trạng được mùa mất giá là khó tránh khỏi.

Tiến sỹ Đặng Kim Sơn cho rằng các doanh nghiệp tư nhân có những chiến lược riêng để không bị rơi vào tình trạng được mùa mất giá

Chiến lược khác biệt của PAN

PV: Ông hiện đang là Thành viên của HĐQT PAN Group, ông đặt ra định hướng gì cho phát triển nông nghiệp của công ty?

TS Đặng Kim Sơn: Việc định hướng phát triển của công ty đã được xác định khá hoàn chỉnh từ trước như đa dạng đầu tư từ thủy sản, hoa, lúa gạo, hạt điều, bánh kẹo, nước mắm,… nhắm vào các khâu có giá trị gia tăng cao như làm giống, chế biến sâu, phân phối bán lẻ, nhắm vào các thị trường khó tính và chọn đối tác đầu tư cao cấp như Nhật, Mỹ, Châu Âu, Singapore…

Tôi chỉ góp ý thêm và các điểm cần đột phá trong chuỗi giá trị của các ngành hàng, giới thiệu giải pháp, nhất là về xây dựng kinh tế hợp tác, phối hợp với nông dân và so sánh hoạt động của công ty với các địa phương có mặt hàng lợi thế nhất, với chiến lược của Bộ Nông nghiệp để góp ý cho những điều chỉnh hợp lý.

PV: Trong năm 2017 ông nhận định thế nào về ngành nông nghiệp, có phát triển tốt hơn thưa ông? Tương lai ngành có tươi sáng hơn? Và cụ thể thì tình hình của Pan thế nào?

TS Đặng Kim Sơn: Tôi không nghĩ rằng năm nay là một năm thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Trong nền kinh tế chung của thế giới quá trình hồi phục chưa rõ rệt, khả năng cầu ở các thị trường chính như Mỹ, Nga, châu Âu, Trung Quốc chưa tăng, ở Việt Nam sức muavẫn thấp, thể hiện như dịp Tết vừa qua.

Về phía cung tôi cho rằng tình hình biến đổi khí hậu sẽ diễn ra quyết liệt hơn, tình trạng thiên tai, hạn hán, tranh chấp nguồn nước vẫn phức tạp. Thứ ba, TPP đình trệ, xu thế bảo hộ thương mại tăng ảnh hưởng bất lợi cho xuất khẩu. Mặt khác, cho đến lúc này, Nhà nước và Nhân dân đã nhìn thấy thế mạnh của nông nghiệp mặc dù muộn nhưng nếu có những chính sách, thể chế, tài chính đúng hướng thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tạo động lực cho ngành nông nghiệp phát triển. Năm nay cơ hội và trở ngại đan xen nhưng chưa phải là năm màu hồng, tôi cho rằng có thể phần khó khăn còn nhiều hơn phần thuận lợi.

Tất nhiên PAN không đứng ngoài câu chuyện đó nhưng chiến lược của PAN khá đặc biệt. PAN chỉ đầu tư vào nông nghiệp, nó không dựa trên thế mạnh về mặt quy mô và cũng không nhắm vào thị trường dễ tính, thậm chí PAN còn tránh nhắm vào những thị trường rủi ro cao, PAN xây dựng khách hàng chậm, chọn đối tượng khó tính, nhưng khi đã liên kết thì lâu dài, sản xuất trên quy mô nhỏ nhưng tạo giá trị gia tăng cao.

PAN không tìm quĩ đất riêng, tự xây dựng mà hợp tác với nông dân, đi thật chắc. Nếu tình hình xung quanh thuận lợi thì PAN thuận lợi nhưng ngược lại nếu tình hình khó khăn thì đó cũng là cơ hội mới cho PAN, tuy nhiên không thể ngủ quên trên chiến thắng, PAN phải thích ứng nhiều hơn nữa để phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hải Minh

NDH

Trở lên trên