MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đổ cả gia tài vào sàn tiền số, nhà đầu tư như ngồi trên lửa vì không rút được tiền, phải thiền để bình tâm trước cú sốc

23-11-2022 - 06:20 AM | Tài chính quốc tế

Đổ cả gia tài vào sàn tiền số, nhà đầu tư như ngồi trên lửa vì không rút được tiền, phải thiền để bình tâm trước cú sốc

“Máu tôi đang sôi sục”. Một số người cách đây một tuần còn lạc quan có thể rút tiền từ FTX về thì giờ đang dần mất hy vọng.

Các khách hàng của sàn giao dịch tiền số FTX lo sợ rằng sẽ không bao giờ được cầm lại tiền của mình nữa.

Đầu tháng 11, các vấn đề tài chính lớn của công ty bắt đầu bộc phát. FTX nhanh chóng ngừng hoạt động rút tiền điện tử và tiền pháp định từ các chi nhánh quốc tế. Khách hàng Mỹ hy vọng họ sẽ may mắn hơn, nhưng nhiều người cũng không thể cầm tiền về.

Ông Matthew Way, người đàn ông có khoảng 1.800 USD còn đang kẹt lại tại FTX, cho biết: “Tôi đang sôi cả máu”. Tất cả mọi người đều đang hoang mang không biết tiền có thể ở đâu và liệu còn cầm tiền về được không.

Vào ngày 11/11, FTX đã nộp đơn xin phá sản. CEO mới của công ty John J. Ray cho biết trong một phiên toà rằng “chỉ một phần nhỏ” các tài sản kỹ thuật số của FTX được xác định và bảo đảm. Việc xác định lượng tiền mặt còn lại rất khó khăn, vì FTX không giữ danh sách chính xác các tài khoản ngân hàng của mình.

FTX cuối tuần qua tuyên bố rằng họ đang làm việc để có thể phục hồi giá trị nhiều nhất có thể cho các bên liên quan. Ông Ray nói: “Tôi mong tất cả các nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng, cơ quan quản lý và các bên liên quan của chính phủ kiên nhẫn chờ chúng tôi”.

Ông Matthew Way là người gây quỹ cho một dàn nhạc. Ông bị thu hút một phần bởi tiếng tăm của công ty. Ông Way gửi tiền tại FTX vào cuối năm 2021 và giữ chúng dưới dạng tiền mặt. Ông dự định mua Bitcoin nếu giá của chúng giảm xuống mức thấp nhất vào đầu năm 2020. Nhưng ông không bao giờ có cơ hội đó.

Vào ngày 10/11/2022, người sáng lập FTX Sam Bankman-Fried đăng trên Twitter rằng chi nhánh Mỹ của FTX “không bị ảnh hưởng về mặt tài chính trước những diễn biến hiện tại” và “100% có tính thanh khoản”.

Đối với ông Way, lời nói này như một trò lừa bịp. Ông quyết định rút tiền và nhận được một email tự động. Nội dung email cho biết yêu cầu của ông sẽ được xử lý sau một ngày làm việc.

Sáng hôm sau, FTX nộp đơn xin phá sản và Bankman-Fried từ chức.

Thông báo từ hôm 10/11 vẫn được ghim trên đầu trang web FTX US cho đến hôm 13/11: “Hoạt động rút tiền vẫn đang và sẽ được mở”. Ông Way vẫn chờ đợi tiền trở về.

Ông Way không chỉ ác cảm với tiền số mà còn với những người đã thổi phồng chúng. Trong đó có Kevin Paffrath là người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Ông Paffrath nói rằng ông đã có thể kiếm được hàng triệu đô mỗi năm nhờ đưa ra các lời khuyên đầu tư trên mạng xã hội. Nhưng cuối cùng ông cũng phải xin lỗi và nói rằng việc thổi phồng tiền số là một vết nhơ với tư cách là một người có sức ảnh hưởng như ông.

FTX không phải là sàn giao dịch tiền số đầu tiên sụp đổ. Nhưng những gì xảy ra với FTX gây chấn động mạnh. Cho đến đầu tháng này, FTX vẫn là một trong số 5 sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới. Bankman-Fried thường được coi là chỗ dựa, cứu cánh cho các công ty khác đang gặp khó khăn.

Nhưng đằng sau, FTX dùng tiền của khách hàng để tài trợ cho những vụ cá cược đầy rủi ro của công ty Alameda Research. Trong tài chính truyền thống, các nhà môi giới phải giữ tiền của khách hàng tách biệt với những quỹ khác.

Các công ty tiền điện tử dựa vào FTX hiện cũng đang cảm nhận được nỗi đau. Một dấu hiệu cho thấy sự tàn phá trong ngành công nghiệp tiền số sẽ lan sâu rộng. Ví dụ như BlockFi đã tạm dừng rút tiền và đang chuẩn bị cho nguy cơ phá sản.

Đổ cả gia tài vào sàn tiền số, nhà đầu tư như ngồi trên lửa vì không rút được tiền, phải thiền để bình tâm trước cú sốc - Ảnh 1.

Drake Lyle, 25 tuổi. Ảnh: WSJ

Anh Drake Lyle ở thành phố Nashville, tiểu bang Tennessee của Mỹ, đã gửi 2.700 USD vào FTX năm 2021. Anh sử dụng số tiền này để mua các vị thế nhỏ hơn bằng Bitcoin, Ether và Litecoin. Anh mong đợi giá trị từ các tài khoản tiền số của mình sẽ tăng. Nhưng anh không ngờ rằng FTX sụp đổ.

Chàng trai 25 tuổi cho biết FTX trông có vẻ đáng tin cậy, giống như công ty Charles Schwab của giới tiền số. Nhưng Lyle cố gắng rút tiền mà không thành công. Anh cho biết số tiền giảm xuống còn 800 USD trước khi công ty nộp đơn xin phá sản.

Lyle đang xem xét tham gia một vụ kiện tập thể chống lại Bankman-Fried và những người nổi tiếng đã ủng hộ FTX, chẳng hạn như Tom Brady và Stephen Curry. Luật sư Adam Moskowitz ước tính văn phòng của ông đã nhận được hơn 1.000 cuộc gọi và email từ các nhà đầu tư trên toàn thế giới sau khi vụ kiện được đệ trình.

Trong thời kỳ bùng nổ tiền số, FTX đã chi rất mạnh tay để quảng cáo trong các sự kiện lớn. Nhiều người mới sử dụng tiền số chưa bao giờ nghĩ nhiều đến những thứ như Bitcoin. Nhưng đại dịch đã cho họ thời gian trải nghiệm, mức giá ngày càng cao khiến họ thấy hào hứng.

Một số khách hàng chủ động giao dịch, sử dụng các nền tảng như FTX để xác định thời điểm thị trường. Một số người khác chọn con đường an toàn hơn là dùng FTX để gửi tiền như thể gửi vào ngân hàng, nhưng có mức lãi suất cao hơn nhiều.

Ông Joseph DiBella sống tại Florida đã thị FTX thu hút với mức lãi suất 8% đối với khoản tiền gửi bằng tiền số. Còn bây giờ, ông nghĩ rằng cơ hội lấy lại 4.000 USD tiền gửi của mình là 50-50.

Một người khác có tên George Gonzalez, 38 tuổi, đã nhận được 10.000 USD mà ông đã rút vào ngày 8/11. Nhưng ông vẫn đang chờ 15.000 USD còn lại. Số tiền đó là hai năm tiết kiệm của ông.

Ông Gonzalez là một kỹ sư phần mềm ở California. Ông rất hâm mộ Bankman-Fried và đã theo dõi sát sao những lần nhà sáng lập FTX xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Giờ đây, ông phải chuyển sang tập thiền để giữ bình tĩnh trước cơn giận sục sôi dành cho Bankman-Fried.

Ông nói thêm: “Điều kỳ lạ là cảm giác xấu hổ và bối rối lấn át sự tức giận của tôi đối với Sam và những người thân cận của anh ta”.

Theo WSJ

Anh Dũng

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên