MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Dở khóc, dở cười” với muôn kiểu đòi tiền hoa hồng của môi giới

30-07-2021 - 10:02 AM | Bất động sản

“Dở khóc, dở cười” với muôn kiểu đòi tiền hoa hồng của môi giới

Xác định thông qua môi giới sẽ phải thanh toán một khoản tiền phí hoa hồng, nhưng không ít chủ đất rơi vào tình cảnh thất vọng vì sự thiếu chuyên nghiệp của nhiều môi giới.

Một tháng trước, chị Đỗ Hà (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) rao bán 2 mảnh đất. Thông qua bạn bè giới thiệu, chị kết nối với một số môi giới bán đất. Tưởng rằng mất chi phí nhờ môi giới, sẽ sớm nhanh chóng bán được đất nhưng thực tế lại khiến chị Hà lại có trải nghiệm không hài lòng.

"Số tôi chắc xui nên gặp toàn môi giới tay ngang, kiểu tranh thủ làm thêm lúc rảnh. Họ không hiểu thị trường, không hiểu khách, không hiểu cả luật quy định liên quan. Trong số các môi giới làm việc với mình, cũng có những người sống bằng nghề môi giới nhưng ngay cả họ cũng đang có quan điểm sai về nghề môi giới bất động sản".

Cũng theo lời chia sẻ của chị Hà, những môi giới làm việc với chị chỉ quan tâm tới mức phí hoa hồng 3% mà họ bỏ qua khâu tư vấn, giới thiệu cho khách như thế nào hợp lý. "Có người hành xử theo kiểu chỉ cần quăng cái số điện thoại của chủ nhà cho khách rồi kệ khách với chủ nhà giải quyết với nhau. Hai bên chốt được thì chi hoa hồng, không chốt thì thôi. Có người chỉ giới thiệu qua qua chút chút rồi quay ra hỏi khách chốt nhé, chốt nhé".

“Dở khóc, dở cười” với muôn kiểu đòi tiền hoa hồng của môi giới - Ảnh 1.

Khu đất chị Hà đang rao bán.

Chị thẳng thắn nói, cách giới thiệu của môi giới khiến bản thân chị còn cảm thấy chưa thuyết phục, chứ đừng nói là người mua. Quan điểm của chị cho rằng, mua đất không phải là mớ rau nên không thể gấp gáp như vậy được. Trong khi đó, phí 3% hoa hồng cho mảnh đất trị giá 3-4 tỷ rất lớn nhưng cách tư vấn, giới thiệu của môi giới không xứng với số tiền hoa hồng bỏ ra.

"Ít nhất thì môi giới cũng phải tìm hiểu nhu cầu của bên bán, sản phẩm muốn bán, tư vấn luôn cho bên bán về mức giá hợp lý, đối tượng khách hàng. Sau đó dắt người mua đến thì phải chỉ cho người ta thấy tại sao nên chi chừng ấy tiền cho mảnh đất đấy và đây là lựa chọn tối ưu phù hợp nhu cầu và khả năng tài chính của người ta chứ" – chị Hà nói.

Trong một tình cảnh khác khi làm việc với môi giới, chị Ngọc Anh (Hoài Đức) kể cũng từng lâm vào tình cảnh bị môi giới đòi tiền liên tục khi họ không phải là người trực tiếp giới thiệu sản phẩm đó.

6 tháng trước, chị Ngọc Anh đã quyết định nhờ môi giới tìm kiếm căn nhà với mức tài chính dưới 1,8 tỷ đồng tại khu vực Hà Đông.

Đầu tiên, tôi làm việc với môi giới tên G., 22 tuổi. Vì tôi nói tài chính của mình chỉ tầm dưới 1,8 tỷ nên môi giới G. dẫn tôi đi xem tất cả các căn nhà được chủ rao bán với mức giá đó hoặc thấp hơn. Tuy nhiên, sau khi xem hết, vợ chồng chúng tôi không ưng, dù môi giới rất nhiệt tình.

Với suy nghĩ mỗi môi giới lại có "hàng" khác nhau, nên sau đó, chị Ngọc Anh liên hệ với môi giới khác tên T., cũng chuyên nhà đất tại khu vực Hà Đông.

"Họ cũng dẫn gia đình tôi xem trùng lại những căn nhà mà môi giới G. xem nhưng tôi đều không thấy hợp lý. Môi giới T. hôm đó đã hỏi: "Còn vài căn nhà đắt hơn, hay cứ đi xem thử". Nghĩ xem thử cũng không mất gì nên tôi cũng đi theo. Thật tình, lúc xem 1 số căn nhà đắt hơn 200 triệu đồng, chúng tôi lại ưng ngay vì diện tích rộng hơn hẳn, mà vị trí rất đẹp. Phân tích mấy ngày, vợ chồng tôi quyết định xuống tiền vào căn này".

Nhưng câu chuyện trớ trêu đó là khi chị Ngọc Anh trao đổi lại với môi giới tên G, chị bất ngờ khi bị môi giới này đòi hoa hồng căn nhà mà chị đã chốt. "Ban đầu tôi cám ơn sự nhiệt tình của em đấy. Tôi thông báo sẽ chốt căn nhà khác nhưng bạn môi giới lại nói rằng: "Ơ, em mới là người dẫn chị đi xem căn nhà này mà". Bỗng nhiên bạn đó lại thay đổi một cách bất ngờ khiến tôi khá ngạc nhiên vì rõ ràng căn nhà mà chúng tôi chốt là do môi giới T. dẫn đi. Tôi phải làm việc với môi giới T. để thanh toán tiền nhà chứ không thể là môi giới G. được. Tôi có giải thích lại rõ ràng là không phải bạn đó dẫn đi mà là môi giới T. Cuối cùng, sau hồi tranh luận, bạn ý bắt tôi phải trả công dẫn đi suốt mấy hôm đó".

Trường hợp của chị Ngọc Anh và chị Hà không phải là ít gặp. Thực tế, rất nhiều chủ đất từng gặp phải câu chuyện oái oăm với môi giới. Chính bởi vậy, họ có cái nhìn thiếu thiện cảm về đội ngũ này.

TS. Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam từng nhận định, lực lượng hành nghề môi giới tại Việt Nam đông nhưng phần lớn trong số họ đạt chất lượng kém, thiếu tính chuyên nghiệp và thiếu ý thức tuân thủ pháp luật. Trong số đó không ít hành nghề tay ngang, chớp nhoáng, chộp giật. Đây là lý do mà nghề môi giới vẫn còn gặp phải nhiều cái nhìn định kiến từ một số người trong xã hội.

Hải Nam

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên